Khi chúng tôi kết hôn, bố mẹ chồng không hỗ trợ được đồng nào. Chồng nói bố mẹ đều là nông dân chân lấm tay bùn, không có tiền nên mọi khoản chi phí từ rạp cưới, cỗ bàn,… đều do chúng tôi trang trải.
Sau cưới, chúng tôi muốn mua nhà luôn. Khi ấy vẫn còn thiếu 150 triệu, tôi bảo chồng xin hoặc vay từ bố mẹ nhưng một lần nữa anh lại bảo bố mẹ không có tiền. Cuối cùng, tôi đành phải vay tiền từ bố mẹ mình để mua nhà.
Ấy vậy mà sau khi mua nhà và hoàn thành việc trang trí nội thất, chồng lại đề nghị đưa bố mẹ anh từ quê lên ở cùng. Dù không hài lòng nhưng tôi chỉ có thể đồng ý. Bố mẹ chồng tôi sống ở quê quen rồi nên khi tới thành phố, họ cảm thấy khó chịu, ngột ngạt lắm. Ngày vợ chồng tôi đi làm, bố mẹ chỉ ở nhà xem tivi hoặc đi dạo trong khu cộng đồng, công viên gần đó.
Mà khi hai thế hệ ở chung một nhà, ắt sẽ có bất đồng xảy ra, vì khác biệt lối sống, suy nghĩ. Một hôm đi làm về nhà, thấy bồn cầu lại quên xả nước, tôi cáu kỉnh, không kìm được và nổi giận với bố chồng. Có lẽ đây là lần đầu tiên bố mẹ chồng thấy tôi mất bình tĩnh như vậy. Và cũng vì chuyện này mà hai vợ chồng tôi cãi vã. Tôi trút hết những oán trách về bố mẹ chồng mà tôi đã phải chịu đựng bao năm qua. Chúng tôi cãi nhau rất lớn, chắc đêm đó mọi người đều thức trắng vì tôi cũng nghe thấy tiếng thở dài từ phòng bố mẹ chồng.
Sau khi mua nhà, chồng đón bố mẹ anh lên ở cùng. (Ảnh minh họa)
Ngày hôm sau, bố mẹ chồng nói muốn về thăm quê. Cứ nghĩ bố mẹ về quê chơi một thời gian cho khuây khỏa, nào ngờ bố mẹ về chơi vài ngày lại bảo sẽ không lên thành phố nữa. Dù khi ấy tôi đang mang thai, chồng gọi điện năn nỉ nhiều lần nhưng bố mẹ vẫn kiên quyết sống ở quê. Nhưng mẹ chồng vẫn không quên dặn dò ông xã tôi:
- Con phải chăm sóc vợ chu đáo, nhường nhịn vợ một chút. Hai đứa không được cãi nhau nữa nghe không, cẩn thận lại ảnh hưởng tới cái thai.
Rồi mẹ cũng nói, bố mẹ không quen với cuộc sống ở thành phố, ở đó sợ sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi. Bố mẹ về quê sống thoải mái hơn nên không muốn đi nữa. Khi nghe chồng kể lại, tôi cũng tự trách mình, thật ra lần đó tôi không nên cáu giận với bố chồng như vậy.
Sau này con trai chúng tôi chào đời, hai bên gia đình rất vui mừng. Đặc biệt là mẹ chồng tôi, ngày nào bà cũng gọi điện hỏi thăm. Trong thời gian ở cữ, mẹ đẻ đã tơi chăm sóc tôi. Mẹ chồng thì không, nhưng bù lại mẹ thường xuyên xách rau củ quả, trứng gà,… từ quê lên cho tôi tẩm bổ. Mỗi lần lên thành phố, mẹ chỉ ngồi chơi với cháu một lúc rồi vội vã về quê chứ không bao giờ ở qua đêm.
Mỗi lần từ quê lên, mẹ chồng chỉ ngồi chơi với cháu một lúc rồi vội vàng về. (Ảnh minh họa)
Khi con trai đầy tháng, chúng tôi làm vài mâm cơm mời họ hàng, bạn bè thân thiết tới dự. Nhưng lần này mẹ chồng lại đến một mình, mẹ nói:
- Hôm qua có trộm vào nhà, bố đuổi bắt trộm nên bị ngã bong gân, không thể lên được. Lần sau chân bố khỏe sẽ tới thăm cháu nội sau nhé.
Ăn tối xong trời đã muộn lắm rồi nhưng mẹ chồng tôi vẫn nhất quyết đòi về. Trước khi đi, mẹ đưa cho tôi một chiếc túi nhỏ màu đỏ, kiểu túi đựng tiền như các bà ngày xưa. Chiếc túi đã sờn cũ, chắc là mẹ đã dùng lâu lắm rồi. Mẹ nói, trước đó mẹ đã đi chùa xin lá bùa bình an cho cháu nội, cầu mong cháu khỏe mạnh, bình an và trường thọ rồi dặn tôi đặt ở đầu giường của con.
Khi chồng chở mẹ chồng ra bến xe, tôi thấy chiếc túi cộm cộm, trông không giống như chỉ có một lá bùa cầu bình an bên trong nên mở ra nhìn xem. Đúng như dự đoán, bên trong còn có một xấp tiền 100.000 – 200.000 đồng cuộn tròn lại với nhau. Tổng cộng được 30 triệu đồng. Đoán chắc số tiền này là tiền tiết kiệm của bố mẹ chồng.
Nhìn số tiền được xếp gọn gàng, tôi òa khóc nức nở, vội gọi điện cho chồng và nhờ anh mua thêm 2 vé nữa. Chúng tôi sẽ bế con về để ông nội được gặp cháu. Tôi cũng muốn xin lỗi bố chồng vì những gì không phải mình đã làm và mong ông tha thứ cho mình.