Những câu chuyện tình “thời ông bà anh” dù chưa có điện thoại, xe hơi nhưng luôn khiến thế hệ sau xúc động vì chạm đến tận trái tim. Chuyện tình của bố mẹ nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cũng vậy, ông bà đã bên nhau hơn 56 năm, có với nhau 5 đứa con, cả hai trải qua biết bao kỷ niệm vui buồn và để giờ đây ngồi kể lại, ai cũng thấy bồi hồi, xúc động.
Bố nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong là ông Nguyễn Hồ (năm nay 85 tuổi) và mẹ là bà Nguyễn Thị Tâm (81 tuổi), đều là người gốc Huế. Ông bà quen nhau từ thời còn đi học, khi đó ông học lớp 12 còn bà là nữ sinh lớp 10. Ban đầu chỉ là tình anh em, ông Hồ tận tâm làm gia sư miễn phí cho bà Tâm, nhưng rồi hai người yêu nhau từ lúc nào không hay.
“Nhà tôi không có em gái, lúc tôi thấy bà, tôi có cảm giác gì đó nên tìm cách làm quen. Lúc đó, tôi chỉ xem bà như em gái thôi, nhưng rồi tôi lại yêu bà lúc nào không hay. Hai người tự nhiên thân thiết với nhau, đi xa vài ngày thấy nhớ nên nghĩ mình như vậy là yêu rồi”, ông Hồ kể lại. Bà Tâm cũng vậy, bà cũng không biết yêu ông từ lúc nào.
Bố mẹ nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã bên nhau được 56 năm.
Cả hai người “tình trong đã tỏ nhưng mặt ngoài còn e”, mãi tới mùa hè năm 1965, tức sau khi yêu thầm 5 năm, ông Hồ mới có dũng khí để tỏ tình với bà. Thực ra, hồi yêu thầm, ông Hồ cũng phải đấu tranh “dữ” lắm với những người tán tỉnh bà Tâm để chiếm được cảm tình của bà.
Hơn nữa, thời điểm đó ông chưa có gì trong tay, vẫn còn đang đi học nên ông chưa dám bày tỏ, mãi sau này khi sự nghiệp đã có ông mới nói. “Sau khi đã học thành tài rồi tôi mới tỏ tình với bà ấy. Tôi nói ‘anh yêu em’ xong thì bà ấy ‘ừ’, vậy thôi”, ông Hồ nói.
Sau khi tốt nghiệp, ông Hồ vào Nha Trang, Khánh Hòa làm việc, còn bà Tâm công tác ở Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Ông bà yêu nhau từ thời đất nước còn chiến tranh nên việc đi lại gặp gỡ hết sức khó khăn, thậm chí mọi thông tin liên lạc đều chỉ qua thư tay hoặc điện tín.
Đến chuyện trọng đại cả đời là lễ cưới cũng chỉ được bàn bạc qua thư tay, điện tín. Thậm chí trước ngày cưới một ngày, ông Hồ còn chưa đặt được vé máy bay để về Huế cử hành hôn lễ.
Ông Hồ nhớ lại: “Tôi còn nhớ đám cưới của tôi được định vào ngày 27, tới sáng 26 tôi xách túi lớn túi nhỏ ra sân bay mua vé nhưng không được. Gặp bác bán vé, tôi trình bày hoàn cảnh của tôi thì bác cũng cảm thông lắm, bảo tôi chờ để bác kiếm vé cho.
Dù biết vé Nha Trang về Huế đã hết nhưng tôi vẫn kiên nhẫn đợi tới 3 giờ chiều. Lúc đó vẫn không có vé nên tôi xách hành lý đi về thì ông bán vé chạy theo bảo đã thương lượng được với một người mẹ dẫn theo con nhường lại cho tôi một ghế.
Về tới Huế, tôi còn tính đi chơi một chút vì mai mới cưới mà. Không ngờ gặp được người quen, mới biết nhà sắp đi đón dâu nên tôi về. Về tới nhà, mọi thứ sẵn sàng hết rồi, tôi chỉ kịp lấy một chiếc áo đen của người đi dự đám cưới khoác vào người rồi vào làm lễ”.
Sau khi kết hôn, ông Hồ cũng chỉ ở nhà được khoảng 1 tuần thì phải trở vào Nha Trang công tác. Một năm ông bà chỉ gặp nhau được 2 lần là vào dịp Tết và mùa hè. Trong vòng 4 năm, ông bà sinh được 3 mặt con và đều do một tay bà Tâm nuôi nấng.
Tới năm 1970, tức 4 năm sau đám cưới, ông bà mới chính thức về ở với nhau tại Huế. Năm 1977, ông Hồ thất nghiệp, phải làm đủ thứ nghề từ chạy xe ôm, chạy xe đạp ôm, bán bánh tai heo để kiếm sống. Mãi sau khi việc bán bánh tai heo phát triển, kinh tế khá giả một chút thì ông bà mới sinh con trai út là nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong.
Sau gần 60 năm đồng hành, tất cả tình yêu thương của ông Hồ dành cho vợ đều thể hiện qua những dòng thư tay. Giờ đây khi hai người đã bạc trắng mái đầu, ở cái tuổi gần đất xa trời, ông chẳng mong gì hơn ngoài việc vợ sống vui sống khỏe để ông bà có thể sống cùng nhau cỡ 15 năm nữa, để cùng con cháu sum vầy, đi du lịch tận hưởng cuộc sống.
Nghe câu chuyện của bố mẹ, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã không kìm được những giọt nước mắt vì xúc động.
Ngồi trong hậu trường, nghe những dòng thư tay bố gửi cho mẹ, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong không kìm được nước mắt. Anh khóc vì hạnh phúc, vì ngưỡng mộ tình yêu của bố mẹ, nhưng trong đó vẫn có một chút tiếc nuối vì bố mẹ anh đã tuổi già sức yếu, không còn nhiều thời gian để bên nhau nữa.
“Ngày xưa, tôi chứng kiến ba có nhiều lỗi với mẹ, nhưng cuối đời ba cố gắng bù đắp rất nhiều cho mẹ và gia đình. Hôm nay tôi khóc là giọt nước mắt của hạnh phúc, nhưng có chút tiếc nuối vì ba mẹ đã cao tuổi, không còn nhiều thời gian để hạnh phúc kéo dài được lâu”, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nghẹn ngào.