Đám cưới đẹp như mơ của cặp đôi khiếm thị
Nguyễn Minh Hải (sinh năm 1995, Đà Lạt) là một chàng trai khiếm thị. Anh vừa có đám cưới đẹp như mơ với cô gái cũng mắc căn bệnh “bong võng mạc” và hoàn toàn không nhìn thấy giống mình. Đám cưới của hai con người khiếm khuyết vấp phải không ít gièm pha của người đời, thế nhưng, sự ủng hộ hết mình của gia đình, đặc biệt là “mẹ chồng” giúp họ có thêm động lực và niềm tin vào hạnh phúc.
Chia sẻ mẩu chuyện đặc biệt về đám cưới của mình trên mạng xã hội, chàng trai Đà Lạt nhận được hơn 13.000 lượt “thả tim” và hàng nghìn lời chúc phúc. Minh Hải kể, đám cưới của vợ chồng anh nhưng người bận rộn, tất bật hơn cả trong khâu chuẩn bị lại là mẹ anh. Nhiều người thấy vậy, buông lời dè bỉu: “Thấy gì đâu mà cưới với xin”, “Hai đứa có nhìn thấy đâu mà phải trang trọng”…
Mẹ anh nghe vậy, chẳng hề nản lỏng, vẫn âm thầm chuẩn bị những thứ hoành tráng nhất có thể cho lễ cưới. Vợ chồng anh tự chọn một chiếc váy cưới đơn giản để tiện di chuyển khi làm lễ kết hôn trên thánh đường, mẹ anh không ưng ý, tự ra tiệm áo cưới chọn cho con dâu một chiếc váy lộng lẫy. Không chỉ vậy, hoa cưới, lễ lạt… từng chút một đều được mẹ anh chuẩn bị tỉ mỉ và chỉn chu. Nhìn mẹ chạy ngược chạy xuôi lo cho đám cưới, anh sẵn sàng bỏ qua mọi “lời ong tiếng ve” bên ngoài.
“Mẹ mình nói, các con dẫu khiếm thị cũng cần một đám cưới đàng hoàng. Vợ con là con gái, cả đời mới có một lần khoác áo cô dâu, phải thật xinh đẹp, lộng lẫy chứ không thể cưới cho xong chuyện”, Hải kể lại.
Cặp đôi được hai bên gia đình nhiệt tình tác thành
“Nhiều người nói, mình đã mù thì phải lấy được cô vợ sáng mắt, mai này còn có người nhờ cậy. Nhưng mẹ mình không quan tâm. Mẹ ủng hộ mọi quyết định của mình, chỉ cần mình hạnh phúc. Với những người khuyết tật như chúng mình, bị mọi người kỳ thị là chuyện bình thường nhưng nếu có được sự ủng hộ và tôn trọng của gia đình thì vài lời bàn tán, xem thường của người khác không là gì cả”, Minh Hải chia sẻ thêm.
Cảm động trước sự chuẩn bị chu đáo của mẹ, kết thúc đám cưới, trước mặt quan viên hai họ, Hải đã tâm sự suốt 30 phút, gửi lời cảm ơn tới đấng sinh thành. Sự ủng hộ của mẹ khiến anh thêm tin vào quyết định của mình.
Minh Hải và Bùi Dung (sinh năm 1993, Lâm Đồng) đều mắc căn bệnh bong võng mạc, dẫn đến khiếm thị ở tuổi thiếu thời. Cả hai quen nhau khi Hải là học sinh lớp 12, còn Dung là sinh viên năm cuối đại học. Trong một lần tìm công việc làm thêm, Hải nhận được lời mời của Dung, cả hai từ chỗ là đồng nghiệp dần trở nên thân thiết với nhau vì cùng hoàn cảnh và chung cách suy nghĩ.
Trong suốt 5 năm bên nhau, Hải và Dung cùng nhau vượt qua biết bao khó khăn, thử thách. Nhờ sự cổ vũ của vợ, Hải có động lực vươn lên, giành học bổng toàn phần ngành Quản trị Kinh doanh của một trường đại học quốc tế ở TP.HCM. Anh bắt đầu xây dựng các cộng đồng hỗ trợ người khiếm thị.
Sự ủng hộ của gia đình giúp họ thêm tin vào tình yêu
Cặp đôi yêu nhau 5 năm trước khi về chung một nhà
Cũng có lúc, khiếm khuyết cơ thể khiến Hải và Dung đắn đo chuyện đến với nhau. Họ từng muốn giải thoát cho đối phương, để cả hai có cơ hội tìm một người sáng mắt giúp cuộc sống sau này bớt nhọc nhằn. Tuy vậy, tình cảm chân thành đã níu giữ họ ở lại, cùng nhau cố gắng, vun đắp hạnh phúc gia đình.
Hải chia sẻ, anh và vợ đến với nhau không phải bởi sự thương hại hay đồng cảm cho hoàn cảnh của nhau. Cả hai gắn bó vì có nhiều điểm chung về tính cách, sở thích, có sự ngưỡng mộ và tôn trọng lẫn nhau.
Cuộc sống hôn nhân của cặp đôi khiếm thị cũng diễn ra bình thường như mọi cặp vợ chồng khác. Cả hai san sẻ mọi thứ từ chuyện kinh tế đến những việc lặt vặt trong nhà, người này nấu cơm, người kia rửa bát, người này quét nhà, người kia phơi quần áo… Họ cùng nhau trồng một vườn rau, củ, quả trên sân thượng và đây là nơi xả stress của hai vợ chồng.
“Mình chia sẻ câu chuyện của hai vợ chồng không phải để lấy sự đồng cảm, thương hại của mọi người. Mình chỉ muốn truyền tải thông điệp, cuộc sống này vẫn có rất nhiều điều tốt đẹp, chỉ cần chúng ta đủ niềm tin, đủ tình yêu sẽ chạm đến được điều tốt đẹp ấy”, Hải nói.