Cô gái mệt mõi khi nghe họ hàng giục chuyện lấy chồng, sinh con. Ảnh: SCMP
Một cô gái 24 tuổi ở miền bắc Trung Quốc đã phản pháo lại suy nghĩ lỗi thời về hôn nhân của một người họ hàng và nhận về nhiều lời ủng hộ trên mạng xã hội, SCMP đưa tin.
Cô gái ở vùng Nội Mông (Trung Quốc) đăng tải clip mình trò chuyện cùng mẹ và những người họ hàng lớn tuổi trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong đoạn clip thu hút gần 2 triệu lượt xem, cư dân mạng có thể nghe thấy tiếng của một người họ hàng với lời đề nghị: "Cháu tốt nhất nên ở lại đây và tham dự kỳ thi công chức. Tại sao cháu lại muốn đi ra ngoài tỉnh chứ? Cháu nên ở nhà, thi công chức và lấy chồng ở quê là chuyện bình thường mà".
Cô gái vừa ăn hạt dưa vừa trả lời: "Cháu thà nằm trong quan tài còn thấy yên bình hơn. Phóng bức ảnh treo lên tường cũng thấy thanh thản đấy bác à".
Dù có được câu trả lời gay gắt từ cháu gái nhưng người họ hàng vẫn không dừng lại mà khăng khăng cho rằng cô gái nên cưới chồng và sinh con. Cô gái tiếp tục tỏ ra khó chịu: "Sao cháu phải lấy chồng và phục vụ ai đó?". Thậm chí cô còn đưa bộ móng tay được làm tỉ mỉ của mình ra trước camera và nói: "Cháu đang có một bộ móng đắt tiền, tại sao cháu phải đi nấu nướng và rữa bát đĩa cho ai đó?".
Người họ hàng khẳng định: "Lấy chồng và sinh con là đức tính truyền thống của người phụ nữ Trung Quốc".
Sau cùng, mẹ cô gái phải đứng ra giảng hòa: "Đã là thời đại mới với những tư tưởng mới rồi. Chúng ta không nên can thiệp vào suy nghĩ của bọn trẻ".
Một trang mạng xã hội sau đó đã đăng tải lại clip này của cô gái và thu hút sự chú ý lớn trên Weibo. Bình luận được nhiều like nhất có nội dung ủng hộ cô gái: "Tôi bật cười khi người đàn ông đó nói lấy chồng và sinh con là đức tính truyền thống của phụ nữ Trung Quốc. Ý ông là gì khi nói 'đức tính truyền thống' chứ? Đúng là một suy nghĩ lỗi thời!".
"Cô ấy mới 24 tuổi mà đã bị giục kết hôn. Tôi 30 và vẫn còn độc thân đây này", một người khác bình luận.
Trong khi một cư dân mạng khác chia sẻ: "Thật tốt khi người mẹ đã lên tiếng để bênh vực cho con gái mình".
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay là kỳ nghỉ đầu tiên kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19. Bởi vậy, nhiều thanh niên làm việc ở các thành phố lớn đã trở về quê và phải đối mặt với áp lực kết hôn từ cha mẹ và họ hàng của họ.
Đoạn video quay cảnh một cô gái ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc tranh cãi trong bữa tối với người thân ép cô đi lấy chồng cũng thu hút hơn 3 triệu lượt xem trên mạng.
Giới trẻ Trung Quốc đối mặt nhiều áp lực khi quyết định kết hôn. Ảnh: Shutterstock
Trên thực tế, không chỉ các cô gái mà một bộ phận giới trẻ Trung Quốc nói chung ngày càng không mặn mà với việc kết hôn. Theo Niên giám thống kê Trung Quốc 2022, số người lần đầu kết hôn ở xứ tỷ dân giảm còn 11,6 triệu trong năm này, thấp hơn 700.000 so với năm 2021, và kém xa mức cao nhất từng được ghi nhận là 23,9 triệu vào năm 2013.
Giới trẻ xứ tỷ dân phải đối mặt với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, không thể trang trải chi phí kết hôn, bao gồm tiền mua nhà và nuôi dạy con cái nên muốn chọn cuộc sống tự do hơn là lao đầu vào áp lực cơm áo gạo tiền gia đình.