Con dâu đi sinh không có ông xã hay mẹ đẻ bên cạnh, bố chồng nấu cơm mang đến, mẹ chồng đút cho từng thìa

Trước khi đi sinh, bố mẹ chồng còn tự tay giặt từng bộ đồ cho cháu, soạn đồ đi sinh cho con dâu.

“Ghét của nào trời trao của đó”, câu nói ấy đúng với chuyện tình yêu của chị Hoàng Thị Si (28 tuổi) và anh Nguyễn Việt Đức (30 tuổi, kiến trúc sư, sống ở Hà Nội). Chia sẻ về câu chuyện tình yêu của mình, chị Si cho biết vợ chồng chị quen nhau trên bàn nhậu, nhưng buổi gặp gỡ đầu tiên cả hai không hề có ấn tượng gì với nhau, ngược lại chị còn ghét anh Đức vì giọng anh “hơi giống con gái”. 

Anh Đức cũng không có cảm tình với chị Si, nên sau lần gặp gỡ đó cả hai không liên lạc gì với nhau. 6 tháng sau, cả hai mới gặp lại nhau trong một chuyến du lịch nhóm và từ đây mối quan hệ giữa hai người đã thay đổi chóng mặt. 

Con dâu đi sinh không có ông xã hay mẹ đẻ bên cạnh, bố chồng nấu cơm mang đến, mẹ chồng đút cho từng thìa - 1

Chị Si và anh Đức yêu nhau gần 1 năm thì cưới. 

“Tôi thấy chồng lao vào bếp nấu cơm trưa cho mọi người, thấy anh cũng được nên tôi có cảm tình. Thấy anh hì hục làm một mình nên tôi cũng lao vào giúp anh rửa rau, gọt mấy quả dưa chuột, anh mới nghĩ: ‘À bé này cũng chăm đấy, được phết’. Nhưng thật ra hai vợ chồng tôi lười ngang nhau, chẳng qua hôm đó mọi người mải chơi quá nên chúng tôi đành lăn ra làm thôi”, chị Hoàng Si cười kể lại. 

Sau lần ấy, hai người bắt đầu nói chuyện với nhau nhiều hơn và một tháng sau chính thức thành một đôi, được gần một năm thì cưới vì mang thai ngoài ý muốn. 9X chia sẻ: “Hai đứa yêu nhau thật lòng, cũng không còn nhỏ tuổi nữa nên hai bên gia đình đều rất vui vẻ, hào hứng chào mừng thêm thành viên mới”.

Con dâu đi sinh không có ông xã hay mẹ đẻ bên cạnh, bố chồng nấu cơm mang đến, mẹ chồng đút cho từng thìa - 3

Đôi vợ chồng có với nhau một bé gái đáng yêu gần 2 tuổi, tên ở nhà là bé Táo.

Cưới chạy bầu, nàng dâu đi sinh chỉ có bố mẹ chồng bên cạnh, được chăm hơn con gái

Thực ra ban đầu chị Si cũng có chút hơi lo lắng vì bầu trước cưới, nhưng may thay mọi việc đều suôn sẻ. Ngày đăng ký kết hôn, bố mẹ chồng còn làm hơn 20 mâm cỗ nên chị cảm thấy rất được trân trọng. 

Sau khi cưới, hai vợ chồng chị Si ở riêng nên ít có cơ hội tiếp xúc với nhà chồng. Song, chị luôn cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ chồng dành cho mình. “Nhà chồng tôi có hai anh em trai, trước chú hay gọi tôi là chị dâu nhưng mẹ chồng không cho mà bảo phải gọi là chị Si, vì gọi chị dâu nghe xa cách quá”, chị Si nói. 

Con dâu đi sinh không có ông xã hay mẹ đẻ bên cạnh, bố chồng nấu cơm mang đến, mẹ chồng đút cho từng thìa - 4

Bố mẹ chồng của chị Si. 

Tới ngày sinh nở, chị Si về quê chồng ở Tuyên Quang. Đợt đấy đúng dịch Covid-19 giãn cách xã hội 21 ngày nên anh Đức không về được, bố mẹ đẻ cũng không sang thăm nom được, nên lúc ấy chỉ có bố mẹ chồng chăm con dâu. Tuy nhiên hai ông bà chăm con dâu khéo léo, tận tình còn hơn con gái khiến chị ấm lòng. 

Việc giặt đồ cho con trước khi sinh đáng nhẽ là hai vợ chồng tự làm, tôi bụng to ngồi khó thì chồng làm, nhưng ông bà nội lại làm luôn, tự tay giặt từng bộ quần áo cho cháu. Ngay cả việc sắp đồ đi sinh cũng là mẹ chồng tôi lo hết. Mẹ chồng cũng là người đồng hành, túc trực bên cạnh tôi từ khi ở viện. Những ngày đó bố chồng ở nhà nấu ăn từng bữa rồi mang vào cho hai mẹ con. Mẹ chồng chăm tôi như chăm con gái, rất tận tình. Mẹ đón tôi từ phòng hồi sức về việc đầu tiên mẹ làm là đút cơm cho tôi ăn, sau đó bảo tôi nghỉ ngơi rồi dặn dò nhiều thứ lắm.

Nào là đừng ngồi dậy vội, đừng tắm gội vội vì sợ sau này tôi bị lạnh, bị rùng mình. Mẹ không cho tôi giặt quần áo vì sợ sau này tôi nổi gân xanh ở tay. Chồng ở xa gọi điện thoại về cho tôi cũng bị mẹ quát tắt máy vì sợ tôi nói nhiều sau này bị “nói nhịu”. Đi sinh vắng chồng tôi có tủi thân chứ, nhưng được bố mẹ chồng chăm lo như thế tôi rất ấm lòng và hạnh phúc”, bà mẹ một con tâm sự. 

Con dâu đi sinh không có ông xã hay mẹ đẻ bên cạnh, bố chồng nấu cơm mang đến, mẹ chồng đút cho từng thìa - 5

Trước khi đi sinh, bố mẹ chồng tự tay giặt từng bộ đồ cho cháu, soạn đồ đi sinh cho con dâu. 

Chị Si cho biết thêm, mẹ chồng là người nhanh nhẹn và giàu tình cảm. Mẹ chồng nàng dâu khá “hợp cạ”, đều hay nói hay cười, đặc biệt rất hợp nhau khoản ăn uống. “Thi thoảng hai mẹ con lại rủ nhau làm mấy món lạ lạ trên TikTok”, chị Si kể.

Dẫu vậy, mẹ chồng nàng dâu khó tránh khỏi những lúc mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, nhất là trong việc chăm con chăm cháu. Chẳng hạn chị muốn hút sữa cho con ti bình thì ông bà lại muốn cho ti trực tiếp, và còn nhiều mâu thuẫn khác nữa. 

Con dâu đi sinh không có ông xã hay mẹ đẻ bên cạnh, bố chồng nấu cơm mang đến, mẹ chồng đút cho từng thìa - 6

Sau này, chính chồng là người đứng ra giải quyết nên nàng dâu và bố mẹ chồng lại hòa hợp. “Chuyện bất đồng quan điểm nuôi dạy giữa hai thế hệ là không thể tránh khỏi, nhưng có chồng tôi xử lý hết rồi. Ngày đó chồng tôi đưa ra quan điểm rõ ràng: ‘Cháu ông bà ông bà xót, nhưng mà cũng là con của vợ chồng con, ông bà xót 1 thì vợ chồng con xót 10. Cho nên ông bà chỉ hỗ trợ vợ con thôi còn nuôi con như thế nào thì để vợ con toàn quyền quyết định. Ông bà tôn trọng con cái nên làm theo, từ đó không còn mâu thuẫn nữa”, chị Si kể lại. 

Nàng dâu cho biết thêm, vào những ngày sinh nhật hay ngày lễ chị đều mua quà tặng bố mẹ chồng, đôi khi chẳng phải ngày gì chị cũng tặng quà, đơn giản là được nhìn thấy nụ cười của bố mẹ là chị mãn nguyện rồi. 

Con dâu đi sinh không có ông xã hay mẹ đẻ bên cạnh, bố chồng nấu cơm mang đến, mẹ chồng đút cho từng thìa - 7

Đại gia đình nhà chị Si.

Nụ hôn tạm biệt mỗi ngày của chồng và câu hỏi lặp đi lặp lại nhưng không bao giờ chán

Không chỉ bố mẹ chồng mà chị Hoàng Si cũng có một ông chồng “vàng mười”. 9X cho biết, hiện chị ở nhà chăm con nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, còn chồng đi làm kiếm tiền. Ai cũng có công việc và áp lực riêng nên hai vợ chồng đều thông cảm và thấu hiểu cho nhau. Mỗi sáng trước khi đi làm, chồng đều không quên trao cho chị một nụ hôn và cái ôm ngọt ngào. 

Từ ngày có con, chồng chị ít khi ra ngoài tụ tập bạn bè hẳn, hết giờ làm là về nhà chơi với con. “Việc tắm rửa hay vệ sinh cho con chồng tôi đều biết làm, tôi chăm con là chính nhưng chồng tôi vẫn làm không nề hà bất cứ việc gì cả”, chị Si kể. 

Con dâu đi sinh không có ông xã hay mẹ đẻ bên cạnh, bố chồng nấu cơm mang đến, mẹ chồng đút cho từng thìa - 8

Dòng tin nhắn đầu tiên và món quà của anh Đức dành tặng vợ sau khi sinh con. 

Sinh nhật, ngày lễ Tết trong năm chị đều có quà từ chồng, không thiếu lần nào cả. Hay mỗi khi chồng thu về một khoản tiền, việc đầu tiên anh làm là hỏi vợ có thích gì không để anh mua cho.

Vợ chồng sống với nhau khó tránh khỏi những lúc xô bát xô đũa, nhưng hai vợ chồng chị đều có bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình. “Vợ chồng cãi nhau là việc khó tránh khỏi, nhưng chúng tôi không bao giờ nói tục hay xưng “mày-tao” cũng tránh cãi nhau trước mặt con cái. Nếu lúc đó không thể bình tĩnh được, hai vợ chồng sẽ cho nhau khoảng thời gian riêng để bình tĩnh lại. Khi thật sự bình tĩnh sẽ ngồi lại với nhau để chia sẻ. Có đôi lúc chỉ cần một cái ôm từ người còn lại là mọi thứ sẽ được bỏ qua. Không chấp nhau, không có ai kèo trên hết”, chị Hoàng Si chia sẻ.

Con dâu đi sinh không có ông xã hay mẹ đẻ bên cạnh, bố chồng nấu cơm mang đến, mẹ chồng đút cho từng thìa - 9

Phải ly hôn vì mẹ chồng khó tính, tái hôn gặp được mẹ chồng mới chăm dâu ở cữ hơn trứng mỏng