Xiao Chen
Trang Ettoday đưa tin, có một nữ sinh 21 tuổi tên Xiao Chen ở Trung Quốc luôn tự cho rằng mình xinh đẹp, học thức cao, không thể sinh ra trong một gia đình nghèo được. Cô nghĩ rằng mình là tiểu thư quyền quý, vì một lý do nào đó khiến bố mẹ ruột không nuôi mà đưa cho bố mẹ hiện tại nuôi giúp và chu cấp hằng tháng.
Cô suốt ngày nghĩ tới tình huống này và gây ra nhiều phiền hà cho bố mẹ, thậm chí tới mức yêu cầu mẹ mình phải đi xét nghiệm ADN để chứng minh cô không phải con ruột.
Sau khi Xiao Chen có ý tưởng này, cô bắt đầu tìm kiếm nhiều nghi vấn trong cuộc sống. Nữ sinh bắt đầu tìm ra sự khác biệt giữa mình và cha mẹ cô, phát hiện ra rằng họ có mái tóc đen nhưng tóc cô lại vàng tự nhiên.
Hơn nữa, bố mẹ luôn nói không có tiền nhưng vẫn luôn cho con gái nhiều tiền tiêu xài và nuôi học đại học. Vì vậy cô còn nghĩ là bố mẹ hiện tại chỉ nuôi mình hộ một gia đình giàu có khác.
Xiao Chen thấy phấn khích khi tìm ra những điểm bất hợp lý đó. Cô dần trở nên mù quáng, nghĩ rằng sẽ có ngày bản thân được phát hiện sinh ra trong gia đình giàu có. Đỉnh điểm, cô ta yêu cầu cha mẹ ruột xét nghiệm ADN để chứng thực về bản thân mình.
"Có phải mẹ không muốn con có cuộc sống sung túc, gia đình ta không còn thu nhập ổn định nữa nên mới không chịu xét nghiệm ADN đúng không". Cô còn nhiều lần hỏi mẹ mình về tung tích của bố mẹ ruột, khi nào họ quay lại.
Mẹ của Xiao Chen một mực phủ nhận hết những gì con gái nói. Bà không đồng ý làm xét nghiệm nhưng vì không biết làm cách nào để chứng minh mình là mẹ ruột nên nữ sinh này tức giận bỏ nhà đi.
Bất lực trước tình huống này nên bố mẹ đã chấp nhận làm xét nghiệm huyết thống để cho cô biết sự thật. Nhưng kết quả mà Xiao Chen nhận được lại hoàn toàn trái ngược với những gì cô suy nghĩ. Hai người vẫn là bố mẹ ruột. Cô tỏ ra thất vọng và tự giam mình, tâm trạng như vừa mất thứ gì lớn lao lắm.
Cuối cùng, nữ sinh cũng cảm thấy hối hận
Tuy nhiên, dần dần cô đã cảm thấy xấu hổ và ân hận về hành vi của mình nên đã gặp bố mẹ và xin lỗi về sự việc đó. Sau này, cô sống biết chấp nhận và hiếu thuận với bố mẹ nhiều hơn. Khi đó, cô cũng nhận ra rằng những món đồ cô có được đều là vì bố mẹ dành cho, luôn đáp ứng mọi yêu cầu của cô chứ không có ai đứng đằng sau hỗ trợ cả.
Tác hại của việc cha mẹ chi tiêu cho con vượt khả năng của mình
Yêu thương, che chở, đùm bọc con cái là điều mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng nên làm và cần làm. Tuy nhiên việc yêu thương con phải đúng cách để trẻ được phát triển một cách toàn diện và trở thành người có ích cho xã hội.
Nhiều cha mẹ khao khát mang đến cho con những món đồ mà mình không có cơ hội được sử dụng khi còn nhỏ. Bạn hạnh phúc nhìn nụ cười trên gương mặt con, khi chúng bất ngờ được tặng món đồ chơi mà mới đây chúng không ngừng nhắc đến hoặc một chuyến đi chơi mà chúng hằng ao ước. Không có gì tốt hơn là mang niềm vui đến cho con trẻ, tuy nhiên, liệu bạn có cho chúng quá nhiều?
Khi chúng ta cho trẻ quá nhiều quà, khi những sự ngạc nhiên diễn ra quá thường xuyên sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề.
1. Chi tiêu cho con quá nhiều có thể khiến chúng có những hành vi của người nghèo trong cuộc sống sau này
Tiến sĩ, giáo sư tâm lý David Bredehoft (đại học Concordia, Mỹ) trong một nghiên cứu về tính khí của thanh niên và trẻ em cho rằng, những trẻ được nuông chiều bằng cách được cho quá nhiều tiền và vật chất có thể sẽ có thái độ không hay khi chúng bắt đầu trưởng thành. Càng bị vật chất làm hư hỏng, trẻ càng trở nên tự mãn về bản thân mình. Bên cạnh đó, chúng cũng có xu hướng thấy mình làm việc kém hiệu quả hơn những đứa trẻ khác.
2. Chi tiêu cho con quá nhiều khiến trẻ nhầm lẫn giữa cái mình muốn và cái mình cần
Khi đứa trẻ có quá nhiều tiền ở một thời điểm nào đó, chúng dễ dàng mua tất cả những thứ chúng thích. Một lẽ tự nhiên là tất cả bọn trẻ đều thích những món đồ chơi mới xuất hiện, giống như một điện thoại iPhone mới có thể làm nóng cả thị trường.
Đây là hành vi bình thường, khi các phương tiện truyền thông liên tục khuyến khích bọn trẻ tìm kiếm những thứ xa xỉ. Chúng ta đang sống trong một xã hội thay đổi chóng mặt, sự hài lòng vật chất thường kéo dài không lâu. Vì thế, chúng ta cần thiết phải dạy cho trẻ biết sự khác nhau giữa cái mình muốn và cái mình cần ngay từ khi còn nhỏ, để trẻ tránh được thói quen tiêu xài hoang phí trong tương lai: mua bất kỳ thứ gì mình thấy thích dù không cần thiết.
Ảnh minh họa
3. Chi tiêu cho con quá nhiều khiến trẻ không học được bài học về tiết kiệm
Nếu một đứa trẻ cảm thấy đã rất chắc chắn về một món đồ mà chúng muốn, mua cho chúng ngay lập tức món đồ đó không phải là một quyết định tốt nhất.
Bằng cách cho trẻ một khoản trợ cấp nho nhỏ hàng tuần, cha mẹ có thể dạy con một bài học lớn về tầm quan trọng của tiết kiệm. Nếu con bạn muốn một món đồ mới, chúng sẽ phải tiết kiệm để có thể đủ tiền mua món đồ đó, có nghĩa là chúng sẽ phải hạn chế mua sắm các thứ khác. Điều này sẽ giúp trẻ không phát triển các thói quen chi tiêu hoang phí. Bạn có thể yêu cầu con phải hoàn thành công việc mới nhận được tiền.
4. Chi tiêu cho con quá nhiều khiến trẻ không nhận ra giá trị thực sự của tiền bạc
Trong thời đại kỹ thuật số, giá trị của tiền bạc đang trở nên nhỏ bé và càng khó nhận biết hơn với bọn trẻ. Với việc gia tăng sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, người ta hiếm sử dụng tiền mặt. Khi không nhìn thấy sự trao đổi hữu hình của tiền mặt, rất khó để bọn trẻ nhận ra việc sử dụng tiền, chi tiêu đang diễn ra.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của T. Rowe Price, 60% trẻ nói rằng chúng đã tham gia mua sắm trực tuyến, gần 75% trẻ cho biết hiếm khi chúng đi ngân hàng. Sự thiếu kết nối giữa việc mua sắm của trẻ em với một tổ chức tài chính khiến chúng giảm hiểu biết về tiền.
5. Cho trẻ quá nhiều tiền có thể khiến chúng có những kỳ vọng sai lầm
Cho trẻ quá nhiều tiền, bạn có thể sẽ khiến con thất bại ngay từ đầu. Những đứa trẻ thường xuyên có tiền sẽ nhanh chóng trở nên quen thuộc với phong cách sống tốn kém và chúng có thể tiếp tục mong đợi những điều này khi lớn lên mà không học những hành động cần thiết để duy trì chất lượng cuộc sống đó.
Điều gì xảy ra khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành và không còn được cung cấp một nguồn tiền vô tận nữa? Kết quả chắc chắn không hay. Vì thế, chiến lược tốt nhất là hãy hạn chế tiền cho trẻ ngay từ đầu. Điều này sẽ ngăn cản thái độ dễ dàng tiêu tiền và hạn chế những mong đợi sai lầm rằng lúc nào cũng có tiền. Con bạn sẽ học được rằng, không có cái gì là miễn phí.