Vợ chồng tôi ly hôn gần một năm nay, con gái nhỏ sống với tôi. Từ ngày bế con rời khỏi nhà chồng, bố mẹ anh và chồng cũ chưa một lần hỏi thăm con bé, càng đừng nói đến chuyện gửi tiền chu cấp cho con.
Đến với nhau bằng tình yêu thật lòng, những tưởng hôn nhân sẽ hạnh phúc, không ngờ cuối cùng lại đi đến bước đường ly hôn. Gần một năm qua, tôi và chồng cũ gần như không nói chuyện với nhau câu nào. Tôi mất hết niềm tin vào đàn ông và tình yêu, chỉ muốn làm việc gây dựng sự nghiệp để chăm sóc con gái thật tốt và báo hiếu bố mẹ đẻ.
Nhưng mẹ đơn thân nuôi con nhỏ thật sự khó khăn vô cùng. Hai năm qua tình hình dịch bệnh, thu nhập của tôi giảm sút. Tôi tìm cách làm thêm nhiều việc nhưng không mấy hiệu quả, nhiều lúc nhìn con mà thương nó đứt ruột. Con phải theo tôi ở nhà thuê chật chội, nay đây mai đó song tôi không muốn gửi lại cho chồng nuôi vì bà nội không thích con bé.
Cả bố chồng và mẹ chồng mỗi người một câu mắng tôi xối xả. (Ảnh minh họa)
Hôm vừa rồi con ốm, trong người tôi hết sạch tiền, những chỗ vay được thì đã vay mượn rồi vì mấy tháng nay tôi bị mất việc. Cô bạn thân cố gắng giúp 1 triệu để tôi cho con nhập viện, sau đó tôi đành tìm đến gặp chồng cũ.
Người mở cửa cho tôi là bố chồng. Ông đang định đuổi tôi đi, lúc đó tôi đã quyết tâm phải gặp bằng được anh, vì thế sụp xuống khóc lóc cầu xin. Ông ngại mặt mũi, sợ hàng xóm đàm tiếu mới để cho tôi vào nhà.
- Cô là đồ đàn bà không có liêm sỉ, ôm con theo thì tự nuôi nó đi, còn quay về đây xin tiền à?
- Cô đừng tưởng tiếp tục bám víu được vào con trai tôi! Mãi mới rũ được cô, chúng tôi mừng vui còn không hết. Bây giờ cô lập tức cuốn xéo khỏi đây, nếu không đừng trách chúng tôi.
Cả bố chồng và mẹ chồng mỗi người một câu mắng tôi xối xả. Vừa hay chồng cũ từ trên tầng hai đi xuống. Tôi lao đến kể với anh tình hình bệnh tật của con, song đáp lại tôi chỉ là vẻ mặt dửng dưng lạnh lùng và cái phủi tay tàn nhẫn.
- Nếu ở trên này không sống được thì sao cô không đưa con bé về quê mà sống với bố mẹ đẻ. Đừng bao giờ đến đây tìm tôi nữa. Tôi đã không còn quan hệ gì với hai người rồi!
Tôi chết lặng, tuyệt vọng cùng cực, như người mất hồn rời khỏi căn nhà đó. Ra đến cổng, chồng cũ gọi lại ném cho tôi một chiếc áo khoác cũ rách của anh.
- Trời đang mưa đấy, mặc tạm vào cho đỡ ướt người, kẻo ốm ra thì không ai nuôi con nữa đâu. Không cần trả lại đâu nhé, tôi cũng để làm giẻ lau thôi!
Cay đắng và căm hận nhưng chồng cũ nói đúng, trời đang mưa mà tôi thì không mang theo áo mưa. Tôi ốm cũng chỉ khổ bản thân mình và con, vì vậy đành cắn răng mặc vào chiếc áo rách chồng cũ vứt cho mình.
Về nhà, tôi cởi áo ra định ném vào thùng rác thì giật mình khi thò tay vào trong túi áo. Móc ra được một xấp tiền dày cộm và một mảnh giấy gấp đôi, tôi chết lặng.
"Nhiều đêm không ngủ nhớ em và thương con vô cùng nhưng anh yếu đuối kém cỏi quá phải không? Anh không thể bỏ mặc bố mẹ để theo hai mẹ con. Nếu mẹ có mệnh hệ nào anh sẽ ân hận cả đời, dù sao cũng là đấng sinh thành…
Những ngày này anh chỉ biết lao đầu vào làm việc, tích góp tiền bạc, gây dựng sự nghiệp để sau này nếu còn cơ hội sẽ được đón em về…".
Có lẽ đó là lá thư mà chồng cũ viết trong một lúc nào đó. Xấp tiền có 50 triệu, tôi không cầm được nước mắt. Hóa ra anh vẫn thương tôi lắm, chỉ là lực bất tòng tâm không biết phải làm thế nào.
Có lẽ đó là lá thư mà chồng cũ viết trong một lúc nào đó. (Ảnh minh họa)
Gia đình chồng cũ có một cửa hàng kinh doanh làm ăn phát đạt, hiện tại anh đang điều hành thay bố mẹ. Chính vì phụ thuộc vào ông bà nên anh bị hạn chế nhiều thứ. Anh lại là con 1 nên không thể bỏ họ mà đi. Họ cấm không cho anh gặp tôi và con, theo dõi quản lý anh sát sao mỗi ngày.
Ban đầu ông bà phản đối anh yêu tôi, vì tôi mang thai mới phải làm đám cưới. Mẹ anh có bệnh tim, khi trước biết tôi mang thai thì bà đã phát bệnh tim nhập viện cả tuần trời.
Sau này về chung sống, trong cái nhìn thành kiến của bố mẹ chồng, hôn nhân của chúng tôi đi vào ngõ cụt. Rồi một ngày vin vào cái cớ rất nhỏ nhặt, mẹ chồng đuổi tôi ra khỏi nhà.
Bây giờ biết tấm lòng của chồng cũ, tôi vui mừng và xúc động lắm nhưng biết bao giờ chúng tôi mới được đoàn tụ bên nhau? Sao trên đời này lại có những bậc cha mẹ lạnh lùng đến vậy?