Sau khi cưới nhau chúng tôi sống cùng với bố mẹ tôi. Do bố mẹ có thu nhập nên tháng nào cũng bao tiền ăn và chi tiêu sinh hoạt cho hai vợ chồng. Nhờ thế mà với đồng lương làm công nhân ít ỏi, chúng tôi mới có đủ tiền mua được 1 suất đất.
Mảnh đất mà tôi mua ở vị trí khá đẹp, thuận lợi cho việc buôn bán nên chúng tôi làm ngôi nhà tạm để cho thuê. Còn gia đình tôi vẫn sống chung với bố mẹ và chưa bao giờ có suy nghĩ ra ở riêng.
Mấy năm nay, mỗi tháng vợ chồng tôi kiếm được 3 triệu tiền cho thuê nhà nên gia đình có thêm 1 khoản tiền tích lũy. Với tôi như thế là ổn và có thể lo cho con cái ăn học. Tôi cũng chỉ cần cuộc sống bình dị, hạnh phúc như thế này là được.
Thế nhưng vợ tôi lại không nghĩ như thế, cô ấy luôn than thở:
“Làm công nhân nửa đời người rồi, mệt mỏi, chán nản và không còn sức để lao động nữa. Em muốn nghỉ làm kiếm việc khác phù hợp với sức khỏe của bản thân”.
Vợ tôi luôn than thở chán nản mệt mỏi với nghề làm công nhân. (Ảnh minh họa)
Những lúc đó, tôi phải ở bên cạnh khuyên bảo vợ cố gắng làm thêm vài năm nữa nuôi con học xong đại học rồi mới tính nghỉ việc. Bây giờ còn sức khỏe phải cố gắng để về già được an nhàn.
Tuần trước, vợ qua cửa hàng của chị Huệ thu tiền cho thuê nhà, lúc trở về cô ấy có vẻ rất buồn bực. Lúc đó tôi cho rằng chị Huệ muốn trả mặt bằng nên vợ mới có thái độ thế. Tôi động viên là người này không thuê thì có người khác, việc gì vợ phải buồn lòng.
Không ngờ vợ đáp:
“Hôm nay em đến thu tiền, em mới biết lợi nhuận chị Huệ kiếm được từ nồi hủ tiếu mỗi tháng được 40 triệu. Số tiền đó gấp đôi thu nhập mà vợ chồng mình cực nhọc vất vả kiếm được mỗi tháng”.
Tôi bảo:
“Chị Huệ ăn nên làm ra, vợ phải mừng vì chị ấy sẽ còn thuê mặt bằng lâu dài chứ, sao lại ủ rũ không vui như vậy?"
Vợ nói:
“Món hủ tiếu em nấu ngon chẳng kém gì chị Huệ, em dự định tháng sau sẽ nghỉ việc và đòi lại mặt bằng. Em sẽ mở 1 quán hủ tiếu giống như chị Huệ đã làm, vợ chồng mình sẽ có công việc mới và thu nhập gia đình tăng”.
Vợ qua cửa hàng của chị Huệ thu tiền cho thuê nhà, lúc trở về cô ấy có vẻ rất buồn bực. (Ảnh minh họa)
Vợ vừa dứt lời, tôi phản đối ngay. Tôi bảo có thể vợ nấu hủ tiếu ngon nhưng không có duyên bán hàng như chị Huệ. Thỉnh thoảng tôi có ghé qua quán của chị Huệ ăn để ủng hộ chị ấy. Tôi thấy chị rất chiều khách, họ nói gì chị cũng tươi cười và nhận hết lỗi về bản thân. Nhiều khi gặp khách khó tính, chị từ tốn giải thích đâu ra đấy làm tôi rất nể phục.
Còn vợ tôi tính nóng như lửa, luôn cho bản thân là đúng và không bao giờ chịu nghe lời góp ý của mọi người xung quanh. Với tính cách đó mà ra bán hàng chỉ có phá sản nhanh hơn mà thôi.
Lần đầu tiên vợ công nhận những lời chồng nói là đúng, cô ấy bảo để trở thành bà chủ bán hủ tiếu vợ có thể thay đổi tính nết và mong chồng ủng hộ.
Tôi bảo:
“Chị Huệ thuê trong vòng 10 năm, chị ấy mới bán được 4 năm, bây giờ mà phá hợp đồng thì phải đền bù tiền hợp đồng cho chị ấy lên đến cả 100 triệu chứ ít gì. Chị ấy làm chỗ đó nhiều năm, có nhiều khách ruột, vợ chồng mình đòi lại mặt bằng trước thời hạn là quá thất đức. Thấy người ta làm ăn tốt mình lại đạp đổ bát cơm của họ là không có hậu”.
Giữa tôi và chị Huệ không có gì, tôi thấy vợ đang đi sai đường nên đứng ra khuyên can. Vậy mà cô ấy không chịu nghe mà vẫn muốn nghỉ việc và đòi lại mặt bằng để mở quán ăn. Tôi đang phát điên vì chuyện này, không biết khuyên vợ thế nào nữa?