Tôi là mẹ đơn thân, có một cô con gái riêng. Khi đến với anh – một người đàn ông trai tân, tôi đã tự nhủ mình phải sống sao cho xứng đáng với tình cảm mà anh dành cho mẹ con tôi, dù trong thâm tâm vẫn canh cánh nỗi lo gái một đời chồng, con riêng, liệu có hạnh phúc nổi không?
Ngày cưới, anh 32 tuổi, không còn trẻ, nhưng lại mang trong mình một giấc mơ làm giàu lớn. Cưới xong chưa lâu, anh theo bạn bè chơi chứng khoán. Ban đầu lời đậm, tôi cũng mừng cho anh. Nhưng rồi, chẳng mấy chốc, thị trường chứng khoán lao dốc, tài khoản của anh âm dần. Càng lỗ, anh càng lao vào như thiêu thân với hy vọng gỡ gạc. Để rồi chỉ sau chưa đầy một năm, nợ nần lên tới 2 tỷ đồng.
Khi ấy, nhà còn đi thuê. Tiền lương hai vợ chồng cộng lại cũng chỉ tạm đủ sống. Bây giờ lại gánh thêm một khoản nợ khổng lồ, nên chúng tôi đành gác lại ý định sinh con chung.
Mỗi tháng, anh chỉ đưa cho tôi 1–2 triệu, như một cách thể hiện trách nhiệm, vì tôi yêu cầu như thế. Còn lại, bao nhiêu tiền anh làm được, đều đổ hết vào trả nợ. Vì thế, mọi chi tiêu sinh hoạt trong nhà, từ tiền thuê nhà, điện nước, học hành cho con, đối nội đối ngoại đều một tay tôi lo tất. Dù khó khăn nhưng hai vợ chồng vẫn cùng nhau cày ngày cày đêm để trả nợ, lo toan cuộc sống.
Ngày đó tôi đã đưa con gái đi tái hôn. (Ảnh minh họa)
Nhưng, áp lực tiền bạc chẳng những không khiến vợ chồng xích lại gần nhau, mà còn bào mòn tình cảm từng chút một. Những cãi vã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Tôi trách anh sống bừa bộn, vô tâm, không chia sẻ việc nhà, càng không quan tâm đến vợ con. Đã hơn 1 năm, không một cái ôm, không một cái hôn, chứ chưa nói đến chuyện vợ chồng. Thậm chí có khi cãi nhau, anh trót lỡ lời:
- Tại tuổi hai đứa không hợp nên mới khổ như thế này.
Người nói vô tình, người nghe hữu ý. Tôi nghe mà nghẹn. Không hợp ư? Vậy lúc anh quỳ gối cầu hôn tôi, lúc nắm tay tôi đưa về ra mắt nhà anh, tình yêu ấy là gì?
Chúng tôi sống như hai người bạn trọ trong cùng một nhà. Rồi đến năm thứ 3 sau cưới, anh đột ngột đề nghị sinh con. Tôi từ chối.
Nợ vẫn còn đó, tiền tiết kiệm chẳng có, nhà đi thuê, sinh con rồi ai chăm? Ai nuôi? Nuôi một đứa con, lo toan mọi chi phí trong nhà đã đủ khiến tôi mệt mỏi lắm rồi, giờ sinh thêm một đứa trẻ nữa, nhất là khi tôi đang cảm thấy thiếu thốn sự quan tâm của chồng thì sao tôi đủ sức gồng gánh?
Chúng tôi dây dưa thêm nửa năm nữa, tranh cãi không dứt cho đến cái ngày tôi phát hiện anh ngoại tình. Tôi không đánh ghen, không làm ầm lên mà chỉ đệ đơn ly hôn. Ngày ra tòa, anh chỉ im lặng ký vào đơn, không níu kéo, không một lời xin lỗi.
Sau khi phát hiện chồng ngoại tình, tôi ly hôn. (Ảnh minh họa)
Sau ly hôn, tôi nhắn cho anh một dòng duy nhất:
- Chúc mừng anh được giải thoát. Từ giờ, anh không cần phải chịu đựng mẹ con tôi nữa.
Tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ có hồi âm. Nhưng vài tiếng sau, anh gửi lại
- Anh sai rồi. Đến tận lúc này, anh mới biết mình đã đánh mất điều gì.
Tôi không trả lời. Với tôi, ngoại tình là giới hạn cuối cùng, là dấu chấm hết. Dù còn tình cảm, tôi không thể tha thứ dễ dàng chỉ bằng một tin nhắn. Sau đó, chúng tôi không liên lạc nữa.
Một năm sau, tôi tình cờ gặp anh tại lễ hội trường của con gái. Anh đứng nép ở góc xa, không dám lại gần. Gầy đi, hốc hác. Tôi nghe được từ người quen rằng, sau khi ly hôn, anh sống một mình, dốc toàn bộ tiền bạc và thời gian trả nợ, cắt đứt với người phụ nữ kia.
Cũng chính người quen ấy đưa tôi xem một bức thư viết tay, là thư anh nhờ chuyển cho con gái tôi. Trong đó, anh kể về nỗi nhớ, về những lỗi lầm, và mong con gái sẽ không ghét bố vì đã khiến mẹ buồn. Tôi đọc, lòng rối như tơ.
Một tháng sau lần gặp ở trường con, anh chủ động nhắn tin cho tôi:
- Anh không mong em tha thứ. Anh chỉ mong con không quên anh là bố.
Tôi trả lời:
- Nếu anh vẫn còn muốn làm bố của con em, không cần lời nói. Hãy chứng minh bằng hành động.
Từ đó, anh dần xuất hiện trong đời con gái tôi. Anh đến trường đón con sau giờ tan học, dẫn đi công viên, gửi tôi một khoản tiền đều đặn bảo là cho con. Không xin xỏ quay lại, không níu kéo, không diễn kịch.
Tôi sững sờ khi nhận tin nhắn hồi âm của chồng cũ. (Ảnh minh họa)
Một lần, con gái bệnh nặng nhập viện. Tôi gọi cho anh. Anh chạy đến chỉ sau 15 phút, đứng ngoài phòng cấp cứu tay run lẩy bẩy. Cả đêm ấy, anh thức trắng bên cạnh giường bệnh con, không rời nửa bước. Khi con khỏi, con bé ôm cổ anh:
- Bố về nhà mình luôn được không?
Tôi nhìn anh. Anh không nói gì, chỉ lặng lẽ cúi đầu. Tôi không vội vàng. Để tha thứ không có nghĩa là quên hết mọi chuyện. Nhưng tôi tin, con người có thể thay đổi khi họ thật sự hối lỗi và dám chịu trách nhiệm.
Chúng tôi hiện vẫn sống riêng. Nhưng mỗi cuối tuần, anh đến nấu ăn, dạy con học. Không còn là chồng, nhưng là một người bố tử tế và một người bạn trưởng thành.
Một ngày nào đó, nếu anh vẫn giữ được sự chân thành và bền bỉ ấy, tôi có thể cân nhắc lại. Nhưng lúc này, tôi chọn giữ khoảng cách, vừa đủ để tha thứ, nhưng chưa đủ để quên.