Ngày 18/3, Lê Thị Thương (sinh năm 1993) chia sẻ trên trang cá nhân câu chuyện cùng bố mẹ chồng tới viện dưỡng lão để hoàn tất thủ tục đăng ký. Bài viết nhanh chóng thu hút gần 7.000 lượt thích cùng nhiều bình luận từ cộng đồng mạng.
Vợ chồng Lê Thị Thương đưa bố mẹ đến đăng ký tại viện dưỡng lão cao cấp: Ảnh: Gia đình Chiên Chiên
Theo Thương, bố mẹ chồng cô đã quyết định chọn sống trong một viện dưỡng lão cao cấp, nơi yêu cầu người đăng ký phải đặt cọc 2,8 triệu nhân dân tệ, tương đương khoảng 10 tỷ đồng. "Số tiền này được xem như khoản bảo hiểm trong suốt thời gian ông bà lưu trú, đến hạn sẽ được hoàn trả. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt hàng tháng khoảng 70 triệu đồng sẽ được thanh toán riêng, không liên quan đến tiền đặt cọc", cô giải thích. Thương nhấn mạnh đây hoàn toàn là quyết định độc lập của bố mẹ chồng, vợ chồng cô chưa kịp bày tỏ ý kiến thì đã được thông báo: "Tiền của ông bà, ông bà tự quyết ở đâu, sống thế nào".
Thương kể, viện dưỡng lão mà bố mẹ chồng cô chọn được thiết kế như một "khu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho người lớn tuổi". Không gian rộng rãi, sạch sẽ, có hệ thống bệnh viện riêng với đội ngũ y bác sĩ, hộ lý và quản gia túc trực 24/7. Mỗi ngày đều có khám sức khỏe, dịch vụ chăm sóc cá nhân và hỗ trợ y tế đầy đủ. Ngoài chăm sóc sức khỏe, viện còn tổ chức nhiều khóa học, câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao phù hợp với người cao tuổi. Đặc biệt, hệ thống viện này có chi nhánh tại nhiều tỉnh thành Trung Quốc, cho phép người cao tuổi dễ dàng di chuyển giữa các thành phố nếu muốn thay đổi không khí. "Mùa đông ở Thượng Hải quá lạnh, ông bà có thể chuyển đến chi nhánh phía nam ấm áp hơn. Hoặc nếu muốn ngắm cảnh ở thành phố khác, họ cũng sẵn sàng hỗ trợ sắp xếp", Thương giải thích. Việc ra vào viện cũng không bị giới hạn. Người cao tuổi có thể tự do đi lại, con cháu đến thăm bất cứ lúc nào.
Theo nàng dâu Việt, viện dưỡng lão cao cấp có nhiều tiện ích giúp người cao tuổi giải trí, thư giãn. Ảnh: Gia đình Chiên Chiên
Thương cho biết vợ chồng cô mong muốn đón bố mẹ chồng về sống cùng vì lo ông bà cô đơn. Song, khi bố mẹ đã quyết định, cô hoàn toàn tôn trọng và ủng hộ họ tự do tận hưởng tuổi già. "Thay vì để ông bà sống trong bốn bức tường khi mình không thể ở bên chăm sóc, tốt hơn là để đội ngũ chuyên nghiệp hỗ trợ", cô nói.
Bài viết của Thương thu hút sự chú ý lớn từ cư dân mạng. Nhiều người khen bố mẹ chồng cô có tư duy văn minh, hiện đại: "Này là đi nghỉ dưỡng mà. Hơn cả nghỉ dưỡng là có y tá, hộ lý, quản gia 24/7 đính kèm"; "Nếu có điều kiện, chắc chắn mình cũng muốn được vào nơi như vậy khi về già".
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng vợ chồng cô chưa làm tròn trách nhiệm con cái. Trước những ý kiến này, Thương chọn cách chia sẻ cụ thể hơn để cộng đồng có cái nhìn rõ ràng về mô hình viện dưỡng lão cao cấp cũng như lý do gia đình cô lựa chọn.
Thương cho biết từng mời bố mẹ chồng về sống cùng nhưng ông bà chọn ở viện dưỡng lão. Ảnh: NVCC
Theo tờ Daily Economic News, từ năm 2023 đến 2029, mỗi năm có khoảng 20 triệu người Trung Quốc sinh thập niên 1960 bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Lực lượng này được gọi là "người cao tuổi năng động" - có tài chính ổn định, sử dụng công nghệ cao và quan tâm nhiều hơn đến chất lượng cuộc sống sau nghỉ hưu.
Họ có thời gian rảnh từ 14 đến 16 giờ mỗi ngày, dành nhiều cho các hoạt động giải trí như du lịch, khiêu vũ, tham gia các câu lạc bộ... Nhu cầu sống khỏe, sống vui và sống có chất lượng khiến họ chủ động lựa chọn các hình thức dưỡng lão cao cấp thay vì sống cùng con cháu như thế hệ trước.
Chính vì lẽ đó, sự phát triển của nền kinh tế bạc - nền kinh tế phục vụ người già đang mở rộng mạnh mẽ. Không chỉ gồm chăm sóc y tế và nuôi dưỡng truyền thống, lĩnh vực này còn bao gồm thiết bị phục hồi chức năng, du lịch chăm sóc sức khỏe, tài chính cho người già và ứng dụng công nghệ thông minh trong chăm sóc.
Video nàng dâu Việt cùng bố mẹ chồng đến viện dưỡng lão cao cấp thu hút 27.000 người xem. Video: Gia đình Chiên Chiên