Đôi khi, chỉ cần nhìn từ một lối suy nghĩ, cách sống của đàn ông, người ta đã nhận ra họ là mẫu như thế nào. Về lựa chọn đàn ông kết hôn, một số người nói rằng hãy nhìn vào tâm hồn, nhân cách của anh ta. Thế nhưng liệu sự sạch sẽ bề ngoài hay những lối sống không tích cực liệu có đáng để suy xét việc kết hôn hay không.
Mới đây, nhà văn Lê Thanh Ngân đã chia sẻ một bài viết liên quan đến chuyện "đàn ông bẩn". Bẩn ở đây là sự lười biếng, vệ sinh cá nhân không sạch sẽ. Từ những điều tưởng như nho nhỏ và cơ bản ấy, hàng loạt bài học được rút ra.
Nhà văn Lê Thanh Ngân.
Dòng tin nhắn giữa đêm của cô gái về chuyện "đàn ông bẩn"
"Đêm qua có một bạn nữ rụt rè nhắn tin cho mình hỏi là: 'Em có nên lấy một người bẩn làm chồng không hả chị?'.
Không biết mọi người thấy câu hỏi này thế nào, chứ bản thân mình thấy nó khá hay nên mình đã trả lời tin nhắn chờ của em ấy.
- Bẩn? Bẩn theo nghĩa nào vậy em? Là bẩn tính hay vệ sinh cá nhân không sạch sẽ?
- Là vệ sinh cá nhân không sạch chị à.
- Ừ, chị hiểu rồi.
- Thực ra, em cứ băn khoăn mãi không biết có nên hỏi chị không vì sợ chị cười thì em cũng ngại.
- Không đâu, câu hỏi của em rất thực tế đó. Và chị nghĩ, bản thân em cũng đã linh cảm thấy điều gì đó không ổn lắm đằng sau cái 'bẩn' của anh ấy nhưng không biết gọi tên nó thế nào, không biết diễn tả ra sao nên mới hỏi chị đúng không?
Ảnh minh họa.
- Đúng ạ. Em thực sự cảm thấy không ổn chị ạ. Mặc dù, kể ra thì ngoài việc vệ sinh cá nhân không sạch sẽ ra thì anh ấy cũng tốt tính. Bạn bè ai cũng yêu quý.
- Em thử nêu ra một vài ví dụ cụ thể xem. Anh ấy bẩn như thế nào?
- Trời ơi, kể ra thì không biết nói sao cho chị hiểu. Phải nhìn thấy mới cảm nhận được cơ. Anh ấy rất lười tắm. Mùa hè thì 3 ngày anh ấy mới tắm một lần. Mùa đông có khi cả tuần không tắm gội. Quần áo thì cứ mặc đi mặc lại ít nhất vài ngày mới thay. Chưa bao giờ em thấy anh ấy thay quần áo theo ngày cả.
- Em đã góp ý cho anh ấy rồi chứ?
- Em có chị à, có lần còn cãi nhau to suýt chia tay nhưng anh ấy vẫn chứng nào tật ấy. Chỉ được vài ngày là lại đâu đóng đấy. Có lần em sang phòng trọ anh ấy chơi còn thấy anh ấy tụ quần áo bẩn ở xó nhà không giặt, xong hết quần áo lại bới đống quần áo bẩn ấy ra mặc lại.
Mỗi lần sang chơi là em lại phải giặt hộ anh ấy quần áo, nhưng nhiều lần như thế em hãi lắm rồi chị ạ. Quần sịp chắc anh ấy cũng thay theo tuần. Có khi đống quần áo bẩn chất cao như núi mà bới ra được đúng hai cái quần sịp.
- Ừ, chị hiểu rồi. Ngoài việc vệ sinh cá nhân không sạch sẽ ra, người yêu em có chăm chỉ cần cù lao động không? Ví dụ: chăm làm việc nhà, tích cực xây dựng sự nghiệp… Tác phong làm việc của anh ấy thế nào? Nhanh hay chậm? Quyết đoán hay hay do dự, chần chừ?
- Trời ơi, anh ấy lười lắm chị à. Chẳng mấy khi nấu nướng gì đâu, làm việc nhà thì càng không. Về sự nghiệp thì em cũng không biết nói thế nào nữa.
Anh ấy cũng nhiều ước mơ, hoài bão lắm, cũng hay vẽ ra tương lai cho hai đứa nhưng mà chưa lần nào em thấy anh ấy quyết tâm thực hiện, toàn bỏ dở giữa chừng. Thành ra sự nghiệp của anh ấy hiện tại vẫn chưa đâu vào đâu".
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân của việc muốn kết hôn và những phân tích sâu sắc
Đối với một người bình thường. Có lẽ đọc được những chia sẻ về bản tính "bẩn", không ưa sạch sẽ của người yêu, họ sẽ chần chừ trong việc tính chuyện hôn nhân. Thế nhưng cô gái này lại khác, cô buộc phải tính đến giai đoạn đó vì một lí do dễ gặp trong cuộc sống. Chúng ta tiếp tục với câu chuyện của nhà văn Lê Thanh Ngân.
"- Vậy từ đâu mà em có ý định muốn cưới anh ấy?
- Là do hai bên gia đình 'đẩy thuyền' chị ạ. Đặc biệt là bố mẹ anh ấy. Vì bọn em yêu nhau cũng khá lâu rồi. Yêu suốt từ năm lớp 12 đến giờ cũng 7 năm rồi. Hai bên gia đình cứ sợ nếu để lâu thêm nữa thì có khi không nên cơm cháo gì nên cứ giục cưới.
Mẹ người yêu em thì cứ nói là hai đứa cưới đi, có gì mẹ lo hết. Nhưng nhìn anh ấy thế em vẫn không yên tâm. Kể mà anh ấy sạch sẽ, chăm chỉ một chút thì chắc em đã không đến nỗi phải băn khoăn gì.
- Ừ, vậy là chị đã hiểu phần nào tâm sự của em rồi. Bây giờ chúng ta sẽ đi giải quyết từng vấn đề một nhé. Vấn đề em lo sợ là người yêu em không sạch sẽ trong việc vệ sinh cá nhân. Việc em lo sợ là hoàn toàn có căn cứ. Đối với đàn ông bẩn, có ba kiểu:
+ Một là kiểu sợ nước bẩm sinh như con mèo vậy. Kiểu này dù sợ tắm nhưng anh ta vẫn thay quần áo thường xuyên. Lười tắm nhưng các công việc khác vẫn chăm.
+ Hai là kiểu lười vệ sinh cá nhân nhưng là do quá chú tâm vào công việc.
+ Ba là lười vệ sinh cá nhân và lười luôn cả các việc khác.
Trong 3 kiểu này, theo đánh giá của cá nhân chị thì chỉ có kiểu thứ nhất là có thể thông cảm. Kiểu hai và kiểu ba, em sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó nữa. Vấn đề vệ sinh thân thể không sạch sẽ lại chỉ là chuyện nhỏ, đằng sau đó mới là những điều khiến ta cần lưu ý.
Đối với mẫu đàn ông bận bịu công việc đến nỗi không có thời gian dành cho việc tắm rửa, thì chứng tỏ rằng đây là một anh chàng không biết cách tổ chức, sắp xếp, cân bằng cuộc sống sao cho hợp lý và khoa học.
Không thể làm được nhiều việc một lúc vì anh ta chỉ có khả năng giải quyết từng việc một. Không có thời gian dành cho việc vệ sinh cá nhân cũng đồng nghĩa với việc anh ta cũng khó có thời gian dành cho việc luyện tập thể dục thể thao hay ăn uống một cách điều độ.
Việc anh ta dành thời gian cho những cuộc gặp gỡ, giao lưu với bạn bè cũng sẽ vô cùng hiếm hoi, bởi vậy, em sẽ thấy, những người đàn ông này đa phần đều có tính cách rất lập dị, khá bảo thủ và ít bạn bè.
Ảnh minh họa.
Đối với mẫu đàn ông lười vệ sinh cá nhân và lười luôn cả các việc khác nữa thì thực sự, chị khuyên em nên tránh xa họ ra. Bởi vì, kiểu đàn ông này dù có tốt tính đến mấy đi chăng nữa thì tương lai, anh ta cũng khó làm nên trò trống gì.
Mẫu đàn ông này thường xuất thân trong những gia đình không giàu nhưng cũng không phải nghèo, đủ để anh ta được bố mẹ nuông chiều từ tấm bé nhưng lại không được hưởng một nền giáo dục văn minh, hiện đại. Tức là kiểu gia đình chưa giàu đã sang.
- Đúng rồi chị ơi, chị nói trúng phóc luôn. Gia đình anh ấy đúng là kiểu như thế đấy, nghèo thì cũng không phải nghèo nhưng giàu thì càng không phải. Bố mẹ anh ấy làm nghề buôn bán. Từ bé, anh ấy đã không phải làm gì. Bố mẹ bận bịu nên cũng chẳng có thời gian dạy dỗ con.
Em thấy anh ấy thiếu quá nhiều kỹ năng. Có lần em nhờ anh ấy sửa ổ điện mà anh ấy còn không biết sửa, xong em phải tự sửa. Chắc ngay cả việc vệ sinh thân thể anh ấy cũng không được dạy cẩn thận nữa. Xong có khi nào họ vì mải làm ăn quá mà cứ mặc con trai, không tắm cả vài ngày cũng được, xong thành quen không chị?
- Ừ, nếu giàu hẳn, người ta sẽ có động lực kiếm tiền để đáp ứng nhu cầu tiêu pha theo cách của giới thượng lưu. Chẳng có người giàu nào mà vấn đề vệ sinh thân thể kém cả. Việc tắm rửa đối với họ lại là khoảng thời gian thư giãn nhất. Vừa nằm trong bồn tắm thoang thoảng hương hoa, vừa nghe chút nhạc nhẹ, nhấp ngụm rượu vang… chẳng ai ngại khi được thư giãn cả.
Nếu nghèo hẳn, người ta sẽ có động lực kiếm tiền để thoát nghèo. Những người nghèo hẳn, họ thường phải kiếm tiền bằng cách bán sức lao động chân tay nên một ngày có khi họ còn tắm đến mấy lần ấy chứ bởi vì mồ hôi ra nhiều mà. Tắm nhiều thành quen, mỗi lần thấy nóng bức, dính dớp là họ đi tắm thôi, chẳng bao giờ mất thời gian ngồi đắn đo suy nghĩ xem có nên đi tắm không, bao giờ thì tắm.
Sợ nhất là kiểu làng nhàng ở giữa mà lại được chiều chuộng, quen với việc dựa dẫm vào gia đình. Thói quen được tạo nên từ bé rất khó để thay đổi. Vì nó đã ăn sâu vào máu họ và tạo thành một thứ gọi là sức ì.
Sức ì cao thì dù trong đầu có mường tượng đến cả trăm ngàn viễn cảnh tươi đẹp thì họ cũng không nhấc nổi mình lên để xắn tay hiện thực hóa những ước mơ đó. Cuối cùng cứ giậm chân tại chỗ.
- Đúng rồi ạ. Chị diễn tả đúng cảm giác mà em cảm thấy luôn nhưng đúng là em không biết miêu tả nó thế nào, không biết gọi tên ra sao.
- Cứ bắt đầu từ công việc nhỏ như vệ sinh thân thể. Dù người yêu em biết rằng: sạch sẽ là tốt, tắm rửa xong thì người ngợm cũng sảng khoái, tinh thần phấn chấn nhưng biết là thế ấy vậy mà lại chẳng thể làm được.
Cái dở của những người đàn ông này đó là họ luôn cố nghĩ ra những lý do biện minh rất hợp lý, ví dụ như 'Ôi giời, tắm thì lúc nào tắm chả được', 'Có mỗi cái việc tắm rửa, tạo thói quen thì khó gì đâu'…
Nhưng họ hoàn toàn lại không ý thức được rằng 'Cách mà một người làm việc nhỏ sẽ phản ánh cách mà anh ta làm việc lớn', 'Nhìn cách một người làm một việc sẽ ra cách anh ta làm mọi việc'. Có phải, em cảm thấy rằng trong bất kể việc gì, em thấy anh ấy làm cũng dở dang, không đến nơi đến chốn, đầu voi đuôi chuột, hay lần lữa, hay tìm cách kéo dài thời gian, không bao giờ làm ngay mà chần chừ, do dự chán chê mới làm không?
- Chuẩn luôn chị.
- Và ngay cả cái cách mà anh ấy yêu em nữa. Ban đầu thì nồng nhiệt, càng về sau càng èo uột. Lười quan tâm, lười cả việc xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người yêu, lười làm mới mình? Có lôi thôi, luộm thuộm cũng không biết xấu hổ nữa.
Ảnh minh họa.
- Dạ. Đúng rồi ạ. Vậy giờ em phải làm sao hả chị? Có nên cưới anh ấy không?
- Hiện tại, em còn yêu anh ấy nhiều không?
- Em cũng không biết nữa. Cuồng nhiệt như hồi mới yêu thì không. Nhưng mà cảm giác như người thân rồi ấy chị. Vì đã quá quen thuộc. Thực ra nhiều lúc chính em cũng không hiểu bây giờ tình cảm mà em dành cho anh ấy là như thế nào nữa.
- Cưới hay không cưới thì chị không thể trả lời thay cho em được. Chị nghĩ, thâm tâm em đã có câu trả lời. Đã bên nhau suốt bảy năm trời, còn tính đến cả chuyện kết hôn rồi thì chị nghĩ bọn em nên có một cuộc trao đổi thẳng thắn với nhau.
Em hãy nói thật những lo lắng của mình cho anh ấy biết, bày tỏ nguyện vọng anh ấy nên thay đổi để hai đứa có một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên thì, nếu em muốn góp ý cho anh ấy thì bản thân em cũng cần là người đáng để anh ấy phấn đấu, đáng để anh ấy noi theo".
Phương pháp thay đổi người bạn trai thích "bẩn"
Đôi khi, ý thức được vấn đề là một chuyện nhưng giải quyết nó lại là chuyện hoàn toàn khác. Chẳng phải cô gái nào cũng đủ kỹ năng để nhận biết và góp ý, thay đổi chính bạn trai mình. Trong câu chuyện này, Lê Thanh Ngân cũng có những màn hướng dẫn giúp cô gái định hình lại mọi thứ.
Đứng trước câu góp ý về việc hay nói thật, thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng muốn người yêu thay đổi, cô gái cũng đồng ý. Tuy nhiên, việc góp ý và bày tỏ thế nào vẫn là vấn đề thật sự lớn. Hãy cùng tiếp tục với câu chuyện trên:
"- Hiện tại em thấy mọi thứ của em đều ổn hơn anh ấy. Công việc của em cũng ổn định rồi. Nhưng mà em biết góp ý như thế nào bây giờ? Bởi vì em đã nói quá nhiều lần rồi ý. Nói đến mức anh ấy miễn kháng luôn với những lời góp ý của em rồi ấy.
- Bởi vì em nói quá nhiều nhưng lại chưa cho anh ấy cảm nhận được sự nghiêm túc trong vấn đề mà em nói. Nói nhiều nhưng lại không triệt để, không làm đến cùng. Thành ra những lời góp ý của em dần dần chuyển thành những lời càu nhàu, lầm bầm quen miệng và anh ấy bỏ ngoài tai luôn.
Ảnh minh họa.
Hãy bắt đầu mở lời bằng việc bàn tính đến chuyện đám cưới. Hãy hỏi anh ấy xem anh ấy đã sẵn sàng cho việc kết hôn chưa? Và vì sao? Sau khi lắng nghe anh ấy rồi, em cũng bắt đầu giãi bày tâm sự của mình, nói khéo một chút. Rằng em nửa muốn cưới nửa không. Vì sao?
Vì anh chưa mang lại cho em cảm giác an toàn. Em không muốn phiêu lưu trong hôn nhân vì nó là chuyện hệ trọng cả đời. Có thể anh ấy sẽ hỏi em 'Tại sao anh lại chưa mang lại cho em cảm giác an toàn?', hãy nói thật những lo lắng của mình cho anh ấy biết.
Đừng lấy chuyện lười vệ sinh thân thể làm trọng tâm. Hãy lấy việc anh ấy chưa hoàn toàn thể hiện quyết tâm trong việc vun đắp tương lai cho hai đứa. Ví dụ, nếu với tính cách của chị thì chị sẽ nói:
'Em muốn lấy một người chồng chứ không phải là muốn có thêm một cậu con trai. Rồi em và anh cũng sẽ là những người cha mẹ trong tương lai, không những phải tự chăm sóc cho bản thân mà còn phải chăm lo cho con cái.
Sau này còn phụng dưỡng bố mẹ già. Nếu chỉ có một mình em cố gắng thì không đủ. Nếu thực sự anh muốn kết hôn với em, em mong anh hãy suy nghĩ kỹ, cân nhắc một cách nghiêm túc xem nên làm gì, cần thay đổi gì trong lối sống để hai vợ chồng có thể hòa hợp với nhau.
Nhiều lần bố mẹ anh đề cập đến chuyện làm đám cưới, em cũng suy nghĩ nhiều. Em nghĩ là, em và anh đã yêu nhau 7 năm rồi, ở bên nhau cả tuổi thanh xuân rồi, giờ mà về chung một nhà thì cũng tốt. Em cũng rất quý bố mẹ anh vì họ cũng dễ tính mà thoải mái. Nhưng mà tính đi cũng phải tính lại, em lấy anh chứ không phải lấy họ.
Em sống với anh cả đời chứ sống với họ thì mấy đâu. Phụ nữ lấy chồng mà không có chồng phụ giúp thì khổ lắm. Em cũng có sự nghiệp riêng cần phát triển, sau này còn phải sinh con, đẻ cái, chăm sóc con.
Nếu anh không trợ giúp, không cùng chăm lo quán xuyến gia đình, không cùng kiếm tiền thì em thực sự không dám nghĩ đến viễn cảnh ấy đâu. Em dù yêu anh thật nhưng cũng không ngốc nghếch đến độ biết trước mình sẽ khổ mà cứ đâm đầu vào.
Nếu thực sự anh yêu em và muốn kết hôn thì ngay bây giờ anh phải thay đổi. Không phải vì em mà là vì anh, vì tất cả. Chúng ta đã qua cái tuổi chỉ biết sống cho riêng mình rồi. Em mong anh hiểu cho em. Còn nếu anh chưa thể suy nghĩ thông suốt thì em nghĩ đám cưới này không vội. Chúng ta còn trẻ mà'.
Đó, nếu là chị ở trong hoàn cảnh của em thì chắc là chị sẽ nói vậy.
Ảnh minh họa.
- Ôi, em copy nguyên xi cái bài văn này của chị để gửi luôn cho anh ấy được không?
- Không nên em à. Em nói chuyện trực tiếp với anh ấy vẫn là cách giải quyết vấn đề tốt nhất nhé. Đừng mượn lời người khác để nói tâm sự của mình, nó sẽ không thuyết phục bằng chính miệng em nói ra đâu.
- Đúng thật. Chị như bác sĩ tâm lý ấy. Chị nói đúng những gì em muốn nói mà không biết nói kiểu gì, không biết diễn đạt ấy. Cái chính nữa là, em thường khó nói nghiêm túc được như chị.
- Thêm nữa, nếu em thực sự muốn kéo người yêu của em lên thì hãy đồng hành cùng sự thay đổi của anh ấy. Đừng chỉ đứng nhìn và chỉ trích. Coi như, hãy hướng dẫn anh ấy lại từ đầu tất cả những kỹ năng mà anh ấy chưa biết. Thực ra, một phần cũng là do môi trường giáo dục từ nhỏ đã khiến anh ấy trở thành người như vậy.
Việc thay đổi những thói quen xấu dù là khó và mất thời gian nhưng chưa bao giờ là quá muộn. Ngày hôm nay luôn là ngày mà ta trẻ nhất so với những ngày tháng sau này, luôn là ngày sớm nhất để khởi đầu cho mọi sự thay đổi.
Em có thể tạo cho anh ấy một môi trường sống lành mạnh, để anh ấy quen với nếp sinh hoạt lành mạnh. Ví dụ như rủ anh ấy thể dục vào buổi sáng. Thay vì thấy anh ấy bẩn rồi chê bai thì hãy cố gắng khen ngợi thật nhiều vào những ngày anh ấy sạch sẽ.
Cách tốt nhất để khiến cho anh ấy tự mình muốn thay đổi chính là tạo cảm hứng cho anh ấy mỗi ngày. Cảm hứng đó hoàn toàn có thể tới từ em. Cảm hứng không đến từ những lời chê bai, càu nhàu đâu em nhé.
Cuối cùng, sau tất cả những nỗ lực của em mà anh ấy vẫn mèo hoàn mèo thì em vẫn còn một sự lựa chọn khác cơ mà. Đó là tìm cho mình một người phù hợp hơn. Cuộc đời của em, nằm trong tay em, do em quyết định. Chị mong em sẽ hài lòng với những sự lựa chọn của mình.
Sau cuộc nói chuyện, bạn gái nọ dường như rất hớn hở. Mình không biết là rốt cuộc thì chuyện tình của bọn họ sẽ đi đến đâu. Nhưng các cô gái à, phải thật tỉnh táo trước những anh chàng có vấn đề vệ sinh thân thể kém nhé. Bởi vì nó không đơn thuần chỉ dừng lại ở đó đâu.
Bẩn không có nghĩa là sẽ kém cỏi hay lười nhác nhưng bẩn thì tỷ lệ lười nhác, kém cỏi sẽ cao hơn những anh chàng thơm tho khác. Nếu không thể yêu một anh thơm tho thì cũng đừng chọn tạm một anh bốc mùi. Ok".
Đứng trước thời điểm chuẩn bị cho việc kết hôn, bất cứ một ai cũng có những lo lắng nhất định. Hôn nhân là việc cả đời, chỉ cần một chút sơ sẩy thôi cũng sẽ ảnh hưởng lâu dài về sau. Đừng nghĩ rằng chọn người sạch sẽ để yêu là một yêu cầu buồn cười. Bởi rõ ràng một người lười nhác, bẩn thỉu thì không chỉ với thân thể hay nhà cửa đâu mà nó còn kéo theo hàng loạt những vấn đề rất khác đằng sau.
Bởi thế, phụ nữ hãy thật sự tỉnh táo trong lựa chọn của mình nhé!