Ít ai biết rằng, giữa lòng nước Mỹ giàu có và phát triển bậc nhất thế giới có một cộng đồng đang thực hành lối sống tối giản. Họ từ chối mọi tiện nghi của nhân loại và trung thành với truyền thống từ cách đây hàng trăm năm. Họ hầu như không dùng điện, không ở nhà cao cửa rộng cũng như điện thoại, máy tính, đèn pin, ti vi,…
Họ không sử dụng ô tô, chủ yếu đi lại bằng xe ngựa. Họ coi nông nghiệp và nghề mộc là nền tảng cơ bản… Bởi họ cho rằng công nghệ sẽ khiến cộng đồng của mình bị đồng hóa bởi xã hội bên ngoài, khiến các thành viên trong cộng đồng xa cách nhau hơn. Họ chính là người Amish, hiện sinh sống rải rác ở các bang tại Mỹ như Pennsylvania, Ohio, Indiana, New York.
Chị Nguyễn Thị Yến Nhi (36 tuổi) sinh ra trong gia đình có 2 anh em ở tỉnh Kiên Giang. Còn chồng chị là anh John Lapp (40 tuổi) sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, anh là con út. Nhưng sau khi ba qua đời, mẹ anh đi thêm bước nữa thì anh có thêm 10 người anh chị em.
Một người ở Việt Nam, một người sống ở Mỹ, lại sinh ra trong cộng đồng từ chối công nghệ, những tưởng cả hai sẽ là hai đường thẳng song song không bao giờ cắt nhau, nhưng không ngờ rằng số phận đẩy đưa đã đưa họ đến bên cạnh nhau. “Cũng nhờ cô bạn thân chung của chúng tôi mát tay quá”, chị Yến Nhi cười.
Năm 2018, anh John Lapp rời khỏi cộng đồng người Amish. Điều này đồng nghĩa với việc mối quan hệ giữa anh và gia đình sẽ không còn được như trước nữa. Anh sẽ không được ăn cùng bàn nếu dùng bữa chung với gia đình, không được tham gia vào những bữa tiệc của gia đình. Nhưng đổi lại, nhờ rời khỏi cộng đồng mà anh được tiếp cận với công nghệ và cũng nhờ đó mà cưới được vợ Việt.
“Trước đây theo quy tắc của cộng đồng, anh chỉ học hết lớp 9. Công việc trước đây của anh là xây những căn chòi bằng gỗ. Sau đó, anh xin vào làm ở một công ty về in ấn 3D và máy móc rồi dần làm quen với các tiện nghi, đi máy bay, du lịch, sử dụng điện thoại di động, máy tính kết nối mạng,…", chị Yến Nhi chia sẻ.
Khoảng thời gian này, anh John Lapp cũng mở rộng các mối quan hệ, giao lưu kết bạn nhiều hơn. Sau đó, anh quen được một cô bạn người Việt Nam, và người này cũng là bạn thân của chị Yến Nhi. Thấy anh John Lapp và chị Yến Nhi có nhiều nét tương đồng nên cô bạn này đã ra sức “đẩy thuyền” cho hai người.
“Tháng 11/2018, cô bạn này đã giới thiệu anh với tôi. Khi đó tôi mới từ quê lên TP.HCM làm việc, còn anh mới ra khỏi cộng đồng người Amish và qua Việt Nam du lịch. Cô bạn đó thấy tính tình chúng tôi khá giống nhau nên tích cực mai mối, bảo tôi dẫn anh đi tham quan TP.HCM nhưng tôi từ chối thẳng thừng luôn.
Khi đó tôi không có ý nghĩ lấy chồng Tây, tôi chỉ muốn lấy chồng trong nước, ‘ta về ta tắm ao ta’ thôi. Nhưng cô bạn ấy không chịu từ bỏ ý định, cứ nhắn tin gán ghép hoài. Đến ngày 15/12/2018, cô ấy lập nhóm chat 3 người gồm cô ấy, tôi và anh John để chúng tôi làm quen nhau, nói chuyện qua lại. Cô ấy nói với tôi rằng, thì cứ thử làm bạn, nói chuyện qua lại xem thế nào, có hợp hay không chứ khoan nghĩ tới chuyện tương lai. Thực ra, lúc đó không chỉ tôi mà anh cũng không có ý định lấy vợ nước ngoài, vì thế hai đứa mới nghĩ thôi thì cứ nói chuyện, làm bạn cũng được”, 8X nhớ lại.
Sau cũng vài ngày trò chuyện, thấy hai người nói chuyện hợp nhau nên cô bạn đó chủ động thoát khỏi nhóm chat để cả hai nói chuyện riêng. Mỗi ngày anh John đều nhắn tin cho chị Yến Nhi, cuộc trò chuyện rất đỗi bình thường, chỉ xoay quanh công việc, cuộc sống, nhưng tình cảm của hai người đã nóng dần lên.
Đến ngày 6/1/2019, khi nói chuyện chưa đầy một tháng, chàng trai người Mỹ đã tỏ tình với cô gái người Việt, và từ đó hai người xác định mối quan hệ hẹn hò. “Anh là người giàu tình cảm, cảm xúc lắm. Anh tỏ tình xong, khi nhận được lời đồng ý của tôi là anh khóc liền”, chị Yến Nhi cười kể lại.
Sau khi tỏ tình, ngay lập tức anh John đặt vé máy bay về Việt Nam. Bởi theo phong tục của người Amish, khi quen ai thì đằng trai phải tới nhà đằng gái xin phép gia đình cho hai người quen nhau. Không ngờ trong chuyến đi này, anh đã cầu hôn chị luôn. Tuy nhiên, màn cầu hôn này hơi “bất ổn”.
8X nói: “Khi cầu hôn người ta thường chuẩn bị nhẫn, hoa,… nhưng trong cộng đồng người Amish, khi đính hôn hay cầu hôn thì không có nhẫn hay trang sức gì hết nên anh không biết bình thường người ta cầu hôn thế nào. Do đó, khi cầu hôn tôi anh không chuẩn bị nhẫn. Lúc ấy, anh chỉ nói đơn giản là: ‘Em có muốn kết hôn với anh không?’. Và tôi đã đồng ý”.
Thực ra cả hai đều theo đạo Tin lành. Trước khi qua Việt Nam, anh và chị đã có buổi cầu nguyện với Chúa, xác định rõ ràng mối quan hệ với nhau rồi nên anh mới cầu hôn.
Chia sẻ về lý do từng không có ý định lấy chồng nước ngoài, nay lại chốt cưới anh chàng người Amish chỉ sau chưa đầy 2 tháng quen, chị Yến Nhi cho biết sở dĩ chị đồng ý kết hôn với anh vì cả hai có cùng niềm tin, cùng tâm tình, hợp nhau và quen nhau qua cô bạn thân. Được cô bạn thân ra sức “đẩy thuyền”, đảm bảo tất cả mọi thứ, nên cả hai có sự tin tưởng nhất định nào đó về nhau.
Quan trọng nhất trong quá trình trò chuyện, chị cảm thấy anh là người thành thật. “Anh nói hết cái xấu của mình coi tôi có chấp nhận được hay không. Anh không khoe khoang mình là người có tiền hay giàu có và anh nói thẳng là mình nghèo”, chị Yến Nhi cho hay. Bên cạnh đó, cả hai còn có những người bên cạnh tư vấn như mục sư, cô bạn thân nên cả hai mới tiến nhanh như vậy.
Còn về phía gia đình, bố mẹ chị Yến Nhi rất tôn trọng con cái, không can thiệp quá nhiều vào quyết định của con. Cho nên khi nghe chị nói muốn lấy anh John, bố mẹ chị không phản đối, thậm chí có phần mừng vì “quả bom nổ chậm” trong nhà cuối cùng cũng có người rước đi. Nhưng xen lẫn đó vẫn có sự lo lắng, vì sợ gả con gái đi xa thì con sẽ phải chịu khổ.
Còn về phía gia đình anh John, khi biết anh muốn lấy vợ người Việt Nam, mẹ anh đã thở dài thườn thượt. Trong cộng đồng người Amish, họ không được cưới vợ gả chồng không phải người Amish. Khi anh John ra khỏi cộng đồng vào năm 2018, mẹ anh lúc ấy rất mong sau này anh sẽ suy nghĩ lại và trở về với cộng đồng. Nhưng anh lấy vợ nước ngoài, điều đó đồng nghĩa với việc anh hết khả năng quay về cộng đồng nên mẹ anh mới thở dài như vậy.
Không lâu sau, anh John quay lại Mỹ và cả hai lên kế hoạch kết hôn cũng như chuẩn bị giấy tờ để bảo lãnh chị Yến Nhi qua Mỹ. Tháng 5 anh John lại qua Việt Nam thăm chị và lần này cả hai đã làm lễ đính hôn.
Sau đó, anh John về Việt Nam thăm vợ sắp cưới thêm 4 lần nữa. Đến cuối tháng 2/2020, cặp đôi sang Mỹ đăng ký kết hôn, chính thức nên duyên chồng.
Thời gian đầu khi mới sang Mỹ, chị Yến Nhi cũng khóc nhiều vì nhớ nhà, cũng hơi sốc về lối sống ở đây. Tuy nhiên tình trạng đó chỉ kéo dài khoảng 1 tuần đầu vì chị là người có khả năng thích nghi nhanh.
Khi qua Mỹ, chị không sống cùng nhà chồng nhưng sống trong cộng đồng người Amish. Gia đình chị không sống tối giản, chối bỏ công nghệ như người Amish nên cuộc sống khá thoải mái.
Mối quan hệ giữa 8X và nhà chồng cũng rất tốt. Tuy ban đầu khi nghe anh John nói cưới vợ Việt mẹ không ưng, nhưng khi chị Yến Nhi đến thăm nhà, bà vẫn niềm nở, đón tiếp chị bình thường. Duy chỉ có anh trai kế của chồng là không thích chị vì em trai cưới người không phải là người Amish, thậm chí anh còn viết hẳn một lá thư nói rằng sẽ không nhận một người em dâu không phải người Amish như chị. Tuy nhiên sau khi chị sinh con, người anh đó lại thay đổi thái độ, đối xử với chị bình thường.
Chia sẻ về cuộc sống hôn nhân, chị Yến Nhi cho biết anh John là người hiền lành, nhẹ nhàng, có trách nhiệm với gia đình. Dù khác quốc tịch, văn hóa nhưng ở hai người luôn có sự gắn kết và thấu hiểu lẫn nhau.
Trong công việc nhà, chồng không bắt chị phải làm cái này cái kia, nhưng cả hai đều biết rõ bổn phận của nhau. Hiện tại hai vợ chồng chị đang làm chủ một trang trại rộng 8ha, sống cuộc sống tự cung tự cấp. Anh John giỏi việc nông trại nên quản hết mọi thứ ở nông trại, trong khi đó chị Yến Nhi đảm đương hết mọi việc nhà như nấu cơm, dọn dẹp và buôn bán
Về tài chính, anh John là người cầm tiền, vì anh là người kỹ tính trong việc quản lý thu chi trong gia đình. Hơn nữa, anh có một danh sách thu chi, thuế, mọi thứ đều bằng tiếng Anh, trong khi 8X chưa giỏi tiếng Anh nên chị giao hết cho chồng quản lý để tránh xảy ra sai sót.
Dẫu vậy, trong cuộc sống vợ chồng khó tránh khỏi những lúc cãi vã, bất đồng. Vợ chồng chị Yến Nhi chủ yếu là bất đồng trong việc nuôi dạy con cái. Mỗi lúc như vậy, cả hai sẽ cùng nhau ngồi lại để giải thích, phân tích cho nhau hiểu để tìm lối đi chung.
“Dù là hai vợ chồng cùng quốc tịch hay hôn nhân xuyên biên giới, hai vợ chồng cần có cùng niềm tin. Việc tha thứ và hòa giải cũng rất quan trọng, vì hai vợ chồng sống chung với nhau không phải lúc nào cũng yên ả. Thêm một điều nữa là không được để hai chữ ly hôn xuất hiện trong cuộc hôn nhân của mình. Có như vậy hôn nhân mới bền vững, hạnh phúc được”, chị Yến Nhi chia sẻ.
8X cho biết thêm, ban đầu hai vợ chồng chị dự định mỗi năm sẽ về thăm Việt Nam một lần. Nhưng từ khi cưới đến nay đã là 4 năm, cả hai vẫn chưa thể về Việt Nam, lúc vì vướng dịch bệnh, khi thì vợ chồng chị bận xây nhà hoặc là do vé máy bay tăng cao.
Họ nói rằng chị lấy chồng Mỹ mà khổ quá, không bằng lấy chồng Việt Nam. Nhưng chị lấy chồng Mỹ không phải là để hưởng thụ, chị lấy anh vì tình yêu và chị rất hạnh phúc, hài lòng với những gì mình đang có. Còn những lời bàn tán xung quanh thì kệ đi…