Từ khi tôi biết nhận thức thì đã cảm nhận được gia đình mình không hạnh phúc như những gia đình người bạn học. Nguyên nhân chính là do mẹ tôi có công việc ổn định và thu nhập của mẹ nuôi được 4 anh em tôi ăn học thành người.
Còn bố thì công việc không có, ai có việc gọi đi làm thì bố đi, 1 tháng bố chỉ làm khoảng 10 ngày, thời gian còn lại ở nhà nội trợ và chăm sóc các con. Nhờ có sự đảm đang lo toan việc nhà của bố mà mẹ tôi mới yên tâm công tác bên ngoài.
Thế nhưng mẹ không coi trọng những cống hiến của bố trong gia đình mà cứ mở miệng ra là trách mắng chê bai bố. Đi đâu mẹ cũng kể xấu bố:
“Nếu được quay trở lại quá khứ, tôi đã không lấy ông ấy làm chồng. Thời còn con gái, nhiều người đàn ông khá giả hỏi cưới nhưng tôi không lấy, cứ thích cưới ông ấy, giờ thì hối hận thật sự. Chồng người ta kiếm tiền về nuôi vợ con, còn chồng tôi ở nhà ăn bám vợ, chẳng được tích sự gì. Tôi đúng là số khổ”.
Ngày còn đi học, tôi rất nghe lời mẹ, thường chê trách bố là người kém cỏi, thậm chí có lần còn vào hùa với mẹ mắng bố là người bất tài. Bị vợ con coi thường nhưng bố tôi chỉ im lặng không nói gì. Đôi lúc nhìn thấy bố tha thẩn đứng ngoài vườn suy tư thì tôi lại thấy hối hận vì đã nói lời xúc phạm với người sinh thành ra mình.
Từ khi tôi biết nhận thức thì đã cảm nhận được gia đình mình không hạnh phúc. (Ảnh minh họa)
Khi tôi có gia đình rồi và ở nhà nội trợ thì tôi mới dần thấu hiểu được cảm xúc của bố. Tôi thấy thương và luôn đứng về bố mỗi khi bị mẹ chê trách điều gì. Mẹ tôi là người khá bảo thủ, luôn bắt chồng con làm theo ý mẹ nhưng bản thân thì không bao giờ nghe lời bố con tôi mà luôn cho là sai.
Mẹ sống rất áp đặt, nếu bố tôi mà không chịu làm theo ý mẹ thì bà có thể phàn nàn cả ngày trời. Vì muốn gia đình yên ổn nên bố luôn phải nhẫn nhịn nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, dù gì bố cũng là đàn ông phải có sự sĩ diện riêng, không thể nhẫn nhịn mãi được.
Ngày hôm kia, vợ chồng tôi đưa ông bà nội về nhà ngoại tôi chơi. Trong lúc đang nói chuyện vui vẻ thì ông nội khen ông ngoại trẻ dai, ngoài 60 tuổi mà tóc vẫn còn đen. Mẹ tôi buộc miệng nói:
“Người không phải suy nghĩ đầu óc, cả đời không lo đến chuyện tiền bạc, suốt ngày ăn rồi chơi già sao nổi. Chứ đâu như ông thông gia suy nghĩ vất vả kiếm tiền nuôi con thì tóc bạc trắng cũng đúng thôi”.
Nghe lời mẹ nói mà tôi ngượng tái mặt, rất nhiều lần anh em tôi đã góp ý khuyên bảo bà từ bỏ ý nghĩ công kích chê bai bố trước mặt mọi người. Bởi làm như thế người ngoài sẽ chê cười mẹ chứ không ai trách bố.
Không muốn mẹ nói nữa nên tôi đã cắt ngang lời và chuyển qua chủ đề khác. Lúc đầu bố mẹ chồng tôi dự định sẽ ở lại dùng cơm bữa trưa nhưng thấy không khí căng thẳng nên ngồi nói chuyện 1 lúc thì nói nhà có việc bận nên ra về.
Ông nội khen ông ngoại trẻ dai, ngoài 60 tuổi mà tóc vẫn còn đen. (Ảnh minh họa)
Khi khách vừa về, bố gọi cho mấy người anh của tôi sống bên cạnh đến họp gia đình. Bố bảo:
“Hơn 30 năm qua, vì muốn cho các con có gia đình hạnh phúc yên ổn nên bố luôn phải nhẫn nhịn chịu đựng những lời nhục mạ của mẹ con. Bây giờ bố chịu hết nổi rồi và muốn ly hôn với mẹ các con”.
2 anh tôi khuyên mẹ nói những gì không phải thì xin lỗi bố và đừng bao giờ chê bai hay nói kháy nói móc bố nữa, là người ai chẳng có sự sĩ diện. Chúng tôi cũng không vui gì khi mẹ luôn khoe bản thân giỏi giang và dìm hàng bố trước mặt mọi người.
Nhưng mẹ không nghe lời khuyên của các con mà còn quay ra trách chúng tôi vô ơn, bà vất vả kiếm tiền nuôi ăn học thành người, bây giờ đủ lông đủ cánh quay ra dạy dỗ ghét bỏ mẹ, đứng về phía bố. Thậm chí mẹ còn nói với giọng thách thức:
"Ông mà bước ra khỏi nhà này thì chỉ có nước đi ăn mày, tiền không có 1 xu thì sống kiểu gì. Đã nghèo hèn kém cỏi còn bày đặt cao giá".
Gia đình tôi đang rất căng, chúng tôi không biết phải nói sao để bố mẹ làm hòa với nhau nữa?