Hôn nhân chết yểu vì những lý do mà cả chồng hay vợ đều không ngờ tới

GiadinhNet - Kết hôn không phải để tìm người chung sống cùng một mái nhà. Mà kết hôn để tìm người mang lại cho chúng ta hạnh phúc, đồng thời ta cũng đem đến cho người đó hạnh phúc.

Bỏ mặc tình yêu, hôn nhân "chết yểu"

Tình yêu là thứ khởi đầu cho hôn nhân nhưng nó không phải là bất biến nếu không được quan tâm chăm sóc. "Tất cả những gì chúng ta cần chỉ là tình yêu" nhưng các cặp vợ chồng biết, thực tế không hoàn toàn như vậy. Tình yêu là tia lửa thổi bùng lên ngọn lửa hôn nhân nhưng nó không phải là thứ vĩnh viễn, nó không phải là thứ bất biến từ năm này qua năm khác.

Những thách thức, công việc, con cái và vấn đề tài chính là yếu tố làm cho tình yêu trong hôn nhân mai một dần. Cho dù họ đã sống bên nhau một năm, một thập kỉ hoặc thậm chí là suốt đời nhưng điều đó không có nghĩa là tình yêu luôn đồng hành trong đó. Nhưng nếu không duy trì tình yêu, không biết cách để yêu thương, cảm thông với bạn đời của mình thì hôn nhân cũng dễ dàng "chết yểu" trong sự ngỡ ngàng của các cặp vợ chồng.

Hôn nhân chết yểu vì những lý do mà cả chồng hay vợ đều không ngờ tới - 1

Ảnh minh họa.

Hôn nhân một chiều

Trong quan hệ vợ chồng, mỗi cá nhân đều mong được yêu thương trọn vẹn, hết lòng. Điều này là bản tính tự nhiên của con người. Tuy nhiên, nếu một người chỉ trông đợi nửa kia dốc lòng với mình mà bản thân lại không sẵn sàng làm điều đó, đây là một mối quan hệ một chiều, thiếu tích cực. Quan hệ vợ chồng không thể chỉ do một người duy trì. Mục đích của hôn nhân chính là cùng nhau đương đầu với những thử thách, khó khăn trong cuộc sống, chứ hoàn toàn không thể chỉ là "tìm nơi trú ẩn an toàn cho cuộc đời".

Trong bộ phim "Ba mươi chưa phải là hết" của Trung Quốc – một bộ phim truyền hình gây tiếng vang trong nửa đầu 2020, nhân vật nữ chính Chung Hiểu Cần đã nói: "Ai cũng muốn trú mưa, tránh gió, vậy thì ai là bến đỗ?".

Khi hai người bước vào hôn nhân, tức là cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, đảm nhận những vai trò khác nhau để gìn giữ mối quan hệ bền vững. Thế nên, những cuộc hôn nhân chỉ một phía chịu trách nhiệm, nửa kia vẫn tiêu diêu đeo đuổi mục tiêu riêng mình, thì rất nhanh chóng, mối quan hệ ấy sẽ tan vỡ.

Theo tiến sĩ Caryl Rusbult – nhà tâm lý học tại Đại học Kentucky, Mỹ: "Lý do vì sao một mối quan hệ rất khó bền khi một trong hai phía không còn nỗ lực, là do sự tiêu cực của một người khiến người kia cũng bắt đầu phản ứng tiêu cực. Khi điều đó xảy ra, thật khó để cứu vãn mối quan hệ".

Không hiểu rõ điều mình cần

Nhiều người nghĩ rằng hôn nhân sẽ vận hành tự động. Họ không có một tầm nhìn cho cuộc hôn nhân, không biết mình cần gì ở nó.

Hệ quả là thường xuyên stress trong việc duy trì mối quan hệ, tỏ ra cáu gắt vì những điều rất nhỏ.

Đáng buồn là những điều không đáng đó lại có thể khiến hôn nhân đổ vỡ. Vì vậy, hãy nhìn mọi thứ ở một tầm xa hơn, bỏ qua những điều không đáng để hướng đến sự hạnh phúc lâu dài, giữ gìn đại cục.

Hãy bỏ ra vài phút mỗi ngày để suy nghĩ về những điều trên và điều chỉnh nếu có thể. Chia sẻ với bạn đời nhiều hơn để cùng nhau tạo nên sự kết nối ngày càng mạnh mẽ. Những điều đó sẽ cho bạn một cuộc sống hôn nhân bền vững.

6 dấu hiệu vợ giỏi chuyện ấy, cái thứ 3 đơn giản nhưng đúng 100%
Theo Phương Nghi (t/h) (Gia đình & Xã hội)