Hôn nhân lục đục vì chồng thất nghiệp và cách ứng xử của vợ không phải ai cũng làm được

Chuyên gia tâm lý cho rằng, người chồng thất nghiệp không chỉ đơn thuần mất đi nguồn thu nhập mà giai đoạn này có thể khiến hôn nhân lục đục, gặp nhiều bất trắc.

Hôn nhân lục đục khi chồng thất nghiệp

Hơn tháng nay, vợ chồng chị Linh San (Hà Nội) luôn trong tình cảnh căng thẳng vì vợ chồng xảy ra cãi vã. Mọi thứ xuất phát từ việc chồng chị thất nghiệp ở nhà do dịch bệnh COVID – 19 vừa qua. Chưa thể thích ứng với tình hình mới khiến gia đình chị lâm vào mâu thuẫn.

Chị San làm kế toán còn chồng chị lại làm hướng dẫn viên trong một công ty du lịch. Khi dịch bệnh xảy ra, ngành của chồng chị bị ảnh hưởng nhiều nhất vì không có khách du lịch đến Việt Nam và các tour cũng hủy. Chồng chị phải nghỉ việc không lương, đến giờ anh vẫn chưa đi làm lại được.

Gia đình bắt đầu lao đao khi chồng không có việc làm mà "mồm ăn núi lở", tiền đóng học cho con… Chị sốt ruột lo lắng vì không có thu nhập, tiền chi tiêu, tiền thuê nhà lấy từ số tiền dành dụm trước đây của gia đình cũng hết. Một mình đi làm phải xoay sở rất nhiều khoản trong nhà khiến chị San trở lên khó tính.

Về nhà mà thấy anh nằm là chị tức mình, cáu giận vô cớ. Chị bắt đầu thất vọng về chồng, luôn so sánh với người đàn ông khác. Anh thì tự ti, chán nản vì vợ hay nhắc nhở, nói bóng gió này nọ… Nhiều khi anh không muốn về, tụ tập bạn bè cho qua ngày. Vợ chồng chiến tranh ngay cả việc nhỏ nhất.

Hôn nhân lục đục vì chồng thất nghiệp và cách ứng xử của vợ không phải ai cũng làm được - 1

Ảnh minh họa

Cuộc sống gia đình anh Lê cũng rơi vào chiến tranh lạnh kể từ khi thất nghiệp ở nhà. Anh làm việc cho một tổ chức phi chính phủ. Khi công việc đang bình thường, tổ chức dừng hoạt động, anh rơi vào thất nghiệp. Lần đó, anh kiếm được công việc khác ở một công ty nhanh chóng nên không có vấn đề gì. Lần này, anh lại rơi vào một trong những người bị công ty cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng dịch bệnh.

Anh đã đi xin ở một số đơn vị khác nhưng không phù hợp với khả năng, lương lại quá thấp nên bắt buộc phải đợi tiếp cơ hội việc làm mới. Thời gian này, anh rơi vào khủng hoảng tâm lý vì bị vợ không ngừng chỉ trích, đay nghiến. Lúc nào mở miệng ra chị cũng kêu "tiền – tiền" với anh rồi bảo "anh cần phải thay đổi tính đi mới có công việc lâu dài được"… Anh có cảm giác mình chẳng còn là gì trong mắt vợ. Hôn nhân lục đục khi vợ chồng thường xuyên chiến tranh.

Ứng xử khi chồng thất nghiệp ra sao?

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, người chồng thất nghiệp không chỉ đơn thuần mất đi nguồn thu nhập mà giai đoạn này hôn nhân có thể gặp nhiều bất trắc. Hôn nhân lục đục vì chồng thất nghiệp không phải là hiếm.

Những người đang đi làm bình thường bỗng thất nghiệp thường rơi vào trạng thái hụt hẫng, cô đơn. Ở người phụ nữ có lẽ nhẹ nhàng hơn, dễ được chấp nhận cảnh tạm thời ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái. Còn ở người đàn ông, tâm lý này càng nặng nề hơn, khó chấp nhận vì xưa nay đàn ông vẫn được coi là trụ cột kinh tế gia đình. Đàn ông vẫn luôn coi công việc là sự thể hiện bản lĩnh, giá trị bản thân. Thất nghiệp với họ thấy thất bại còn lớn hơn cả nỗi lo lắng về thu nhập.

Hệ lụy kéo theo sẽ nhiều, người đàn ông thường không thoải mái, tự ti khi phải sống dựa vào tài chính của vợ. Nếu người vợ lại không khéo léo mà dằn vặt chồng về vấn đề tiền nong, mắng nhiếc chồng vô dụng, rồi so sánh với "chồng người ta"… rất dễ là "đốm lửa" gây mâu thuẫn gia đình, đẩy cuộc hôn nhân vào bi kịch. Điều tối kị nhất là việc người vợ đổ lỗi mọi việc là do chồng.

Theo các chuyên gia tâm lý, giai đoạn chồng thất nghiệp là giai đoạn nhạy cảm đòi hỏi sự yêu thương, khéo léo ứng xử của người vợ hơn bao giờ hết để vượt qua. Người chồng có thành công hay không, sự quan tâm của người vợ đóng góp không nhỏ.

Trong cuộc sống không phải lúc nào mọi việc đều suôn sẻ. Có thể vì một lý do nào đó, vợ hoặc chồng rơi vào khó khăn, thất nghiệp. Khi đó, cả hai cần là chỗ dựa tinh thần cho nhau. Sự cảm thông, sẻ chia chính là sức mạnh vượt qua tất cả. Điều quan trọng là người vợ nên cho chồng biết rằng cho dù có việc làm hay không thì vẫn luôn yêu thương, tôn trọng họ.

Ngoài ra, người vợ cần đối diện với thực tế thiếu hụt tài chính của gia đình lúc này. Theo đó, tập cho mình thói quen chi tiêu khác với bình thường. Hãy cân đối lại, tập trung vào các chi tiêu thiết yếu, tiết giảm vào những nhu cầu giải trí, mua sắm, du lịch… không cần thiết với mục tiêu tiết kiệm cho gia đình.

Thất nghiệp là điều không một ai mong muốn, nhưng đó không có nghĩa là dấu chấm hết. Mọi thứ đều sẽ có thể giải quyết. Bình tĩnh để đối diện với sự hụt giảm tài chính là điều cần thiết trong lúc này. Khi nhìn nhận được vấn đề, người vợ sẽ thông cảm với chồng hơn để động viên, cùng chồng vượt qua và ngay người chồng cũng bớt bi quan, không buông xuôi khi gặp khó khăn nhất thời.