Ánh mặt trời lặn chiếu qua cửa sổ bệnh viện, chiếu lên giường của bố, khuôn mặt nhợt nhạt của ông được ánh nắng hắt lên trở nên tươi tỉnh, có sức sống hơn đôi chút. Tôi ngồi ở mép giường, nắm chặt tay bố và thầm cầu mong một phép màu sẽ xảy ra, nhưng đã chẳng có phép màu nào cả…
Cuối năm ngoái, bố tôi bất ngờ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Tin này như sét đánh giữa trời quang khiến cả gia đình suy sụp, chìm trong đau buồn.
Hôm đó khi tôi đang chăm sóc bố trong bệnh viện thì bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ. Đầu bên kia điện thoại là một giọng nói vừa quen vừa xa lạ vang lên:
- Minh à, là chú Toại đây. Nghe nói bố cháu bị bệnh nhập viện. Bố cháu nằm ở bệnh viện nào, phòng nào đấy để chú đến thăm.
Tôi bất ngờ khi chú ruột tôi gọi tới. Vì một số xích mích, bố tôi và chú đã từ mặt nhau 10 năm nay, hai gia đình không còn liên lạc với nhau nữa. Bây giờ chú đột ngột xuất hiện nên tôi mới ngạc nhiên như vậy.
Cuối năm ngoái, bố tôi bất ngờ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. (Ảnh minh họa)
Không lâu sau, chú đến bệnh viện, trên tay cầm một chiếc chăn bông cũ kỹ. Chú bước đến bên giường bố tôi, nhẹ nhàng nói:
- Anh ơi, em biết anh luôn nhớ đến em, em cũng rất hối hận về chuyện năm đó. Chiếc chăn này là mùa đông năm đó anh đã mua cho em, nay em để lại cho anh, hy vọng nó có thể giúp anh cảm thấy ấm áp hơn một chút.
Bố tôi im lặng, mắt luôn hướng ra ngoài cửa sổ chứ không nhìn chú.
Nhìn chiếc chăn cũ, tôi thực sự tức giận. Nghe bố từng kể, ông bà nội xưa rất nghèo nên bố đã từ bỏ cơ hội vào đại học, đi làm nuôi chú tôi ăn học. Mùa đông năm đó, bố tới thăm chú. Thấy chú nằm ngủ không đủ ấm, bố đã vét hết những đồng tiền cuối cùng trong túi để mua cho bố chiếc chăn tốt nhất, ấm nhất.
Ấy vậy mà sau này chú lại trở mặt với gia đình, thậm chí đòi về bán đất của tổ tiên để lại để lấy vốn làm ăn kinh doanh. Vì chuyện này mà ông nội tức tới đổ bệnh rồi qua đời. Từ đó trở đi, bố tôi và chú không còn nhìn mặt nhau nữa.
Bẵng đi 10 năm, giờ chú đã thành công, có cuộc sống khá giả đủ đầy. Thế nhưng khi đến gặp bố tôi, chú chẳng nói được mấy câu, cũng chẳng cho đồng nào mà chỉ đưa chiếc chăn cũ năm xưa bố mua cho chú. Càng nghĩ tôi càng tức, cảm thấy bị xúc phạm, coi thường nên muốn vứt chiếc chăn đó đi ngay tức khắc.
Càng nghĩ tôi càng tức, cảm thấy bị xúc phạm, coi thường nên muốn vứt chiếc chăn đó đi ngay tức khắc. (Ảnh minh họa)
Nhưng khi tới trước cổng bệnh viện, tôi gặp một người vô gia cư đang co ro bên vệ đường nên đã đưa chiếc chăn đó cho ông ấy. Chiếc chăn tuy cũ nhưng vẫn thơm tho, sạch sẽ và lành lặn, nó giúp được người khác âu cũng là một chuyện tốt.
Người vô gia cư cầm chăn rời đi với vẻ mặt biết ơn. Tuy nhiên không lâu sau, ông ấy hoảng sợ chạy lại, dúi chiếc chăn bông vào tay tôi nói:
- Anh bạn trẻ, anh cầm lại chiếc chăn này đi, bên trong có thứ gì đó! Tôi không dám nhận đâu.
Tôi bối rối mở chăn ra, bên trong là một bức thư và một tấm thẻ ngân hàng. Trong thư viết:
- Anh à, em xin lỗi anh vì chuyện năm đó. Anh có thể tha thứ cho em không? Bao năm qua em luôn gìn giữ chiếc chăn anh tặng, muốn đến gặp anh nói lời xin lỗi nhưng vì cái tôi cá nhân, vì xấu hổ, vì sợ anh không tha thứ nên cứ lần lữa mãi. Em thực sự biết sai thật rồi. Trong tấm thẻ này có 500 triệu, hy vọng có thể giúp anh vượt qua thời điểm khó khăn này. Mật khẩu là dòng mật mã anh và em hay chơi hồi nhỏ, anh còn nhớ chứ?
Đọc lá thư cho bố nghe, mắt ông nhòe lệ. Còn tôi có đôi chút xấu hổ vì đã hiểu lầm chú. Bố nhanh chóng bảo tôi gọi cho chú và lúc đó tôi đã biết ông tha thứ cho chú.
Bố tôi tuy không qua khỏi, không có phép màu nào giúp ông hồi phục. Nhưng chí ít trong những ngày cuối đời của bố, bố và chú đã làm lành, bố được đồng hành cùng chú tới lúc nhắm mắt xuôi tay.
Đến nay, tôi vẫn giữ chiếc chăn cũ đó. Một là để nhớ bố, hai là để nhắc nhở bản thân hãy trân trọng mối quan hệ gia đình, trân trọng những người trước mặt. Với những người thân yêu, có gì khúc mắc nên hóa giải chứ không nên biến thành thù hận, vì nó chỉ khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều thời gian để yêu thương, khiến chúng ta đau khổ hơn mà thôi.