Tôi đang suy nghĩ miên man về một dự án khủng sắp bắt đầu chạy của mình với niềm háo hức xen lo lắng vì còn chút nghi ngại thì vợ mang xoài đến bảo:
- Anh tạm dừng việc lại ăn chút hoa quả rồi làm tiếp.
Tôi bảo vợ để đấy, nhưng nàng nài tiếp bảo ăn luôn kẻo xoài bổ rồi để lâu mất ngon.
Đang lúc loay hoay tìm giải pháp cho những lo lắng, tôi vụt nghĩ trong vô thức: "Đĩa xoài có quan trọng bằng dự án 5 tỷ đồng không…" May mà tôi kịp "tỉnh" không vuột ra miệng, mà nói mấy câu "quay đầu" để kết nối lại với vợ.
Suýt nữa vì đĩa xoài mà mất kết nối với vợ. (Ảnh minh họa)
Tâm sự với mấy cậu bạn thân, chúng tôi đều nhận ra rằng dù nói ra hay lẳng lặng "thể hiện thái độ", thì vẫn luôn có sự so sánh về công lao đóng góp và quyền lực giữa cánh đàn ông với vợ mình. Chúng tôi luôn nghĩ mình là trụ cột gia đình, làm những công việc quan trọng hơn vợ, gánh vác những trách nhiệm nặng nề hơn vợ, có nhiều áp lực hơn vợ… Và rồi tự cho mình một quyền lực nào đó cao hơn vợ.
Tôi có hai bạn thời đại học kết hôn khi gia đình hai bên đều khó khăn, bản thân hai bạn vừa ra trường nên cũng chưa có công ăn việc làm ổn định. Những năm tháng đầu tiên của đời sống hôn nhân của họ thật ngọt ngào. Họ đùm bọc nhau, làm chỗ dựa cho nhau, chia sẻ mọi khó khăn với nhau, cùng đặt những mục tiêu để phấn đấu.
Vài năm sau họ đã vươn lên một cuộc sống khá giả. Một lần tôi gặp bạn, sau khi tay bắt mặt mừng bạn ủ rũ và thở dài chán nản thốt lên:
- Tôi đi làm vất vả kiếm bao nhiêu tiền mang về, vợ mỗi việc ăn rồi đẻ mà cũng không xong.
Hóa ra bạn đã có hai con gái, nhưng bạn kỳ vọng có thằng con trai nối dõi... mà vợ không đẻ được. Tôi không biết nói gì, nhưng đắng lòng vì cách nghĩ của bạn.
Nếu nhìn tổng quan bức tranh đời sống gia đình chúng ta sẽ nhận ra không có một đóng góp nào là công lao của riêng một người, không có niềm vui nào là của riêng một ai tạo ra, và cả lỗi lầm nào đó thì cũng không thuộc "bản quyền" của riêng chồng, hay vợ… Trong gia đình, mỗi thành viên đều thông phần với nhau trong tất cả những kết quả, cũng như thực trạng gia đình.
Nếu đàn ông cho rằng mình kiếm được nhiều tiền là nền tảng quan trọng cho hạnh phúc gia đình, nên có quyền lực hơn vợ thì hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Ai thức đêm thức hôm canh từng giấc ngủ của con để bạn được yên thân ngủ một mình một giấc từ tối đến sáng?
- Ai mang nặng đẻ đau chăm lo con cái để bạn toàn tâm toàn ý cho công việc và sự nghiệp của mình?
- Ai nấu những bữa ăn, cân nhắc chi tiêu, quán xuyến nhà cửa, đối nội đối ngoại với gia đình hai bên… để bạn thảnh thơi trên con đường chinh phục các mục tiêu của mình?
- Ai lo đưa con đi học, đón con về nhà, lo chuyện tắm rửa ăn uống ngủ nghỉ của con… để bạn tung tăng đi học những khóa học phát triển bản thân, nghệ thuật nuôi dạy con cái, chữa lành này nọ… để bạn ngồi đó so sánh tầm quan trọng của dự án nhiều tỷ của bạn với đĩa xoài yêu thương của vợ, như tôi đã từng?
Chúng ta luôn phải ghi nhận và biết ơn tất cả những gì mà bạn đời của mình đã làm, đồng thời cũng cần ghi nhận những giá trị và đóng góp của mình cho gia đình. (Ảnh minh họa)
Nếu phải đổi ngược lại các vai trò cho nhau, liệu cánh đàn ông có dám? Bạn nghĩ vợ bạn không biết kiếm tiền? Vợ bạn không muốn phát triển bản thân? Vợ bạn không biết đi xây dựng quan hệ để kiếm hợp đồng?... Không chỉ bạn mới có ước mơ, không chỉ bạn mới có sứ mệnh, không chỉ bạn mới gánh những trách nhiệm quan trọng của gia đình...
Theo tôi, nếu thiếu đi một yếu tố nào đó, một vai trò nào đó, một sự hiện diện nào đó trong gia đình thì mọi sự đều không vẹn toàn. Người ta thường nói "của chồng công vợ" là vậy. "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" có vai trò quan trọng như nhau, ai cũng tạo ra những giá trị không thể so sánh.
Bởi bạn lấy chuẩn nào, điểm tựa nào để cân đo đong đếm? Nếu bàn tay bạn ký được những hợp đồng trăm tỷ mà bạn thiếu đi bàn tay ân cần của người vợ và con bạn thiếu đi bàn tay yêu thương của người mẹ, bạn cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn không?
Trong một "diễn biến" ở chiều ngược lại, cũng có những người đàn ông chịu "rút lui" về làm hậu phương, ở nhà đảm nhận chuyện coi sóc nhà cửa, chăm lo con cái, để cho người phụ nữ của mình được bước ra ngoài, phát triển sự nghiệp…; và rồi trường hợp này cũng dễ rơi vào mắc kẹt nếu người phụ nữ không thấu hiểu rồi lại so sánh chồng mình với mình, hoặc với những ông chồng khác.
Là vợ chồng nếu đủ yêu thương sẽ không còn so sánh. Là một gia đình vợ chồng đều cần nương tựa vào nhau, bổ khuyết cho nhau, mỗi người một vai trò riêng để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Mỗi người cần chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình, không ai quan trọng hơn ai, bởi không có nền tảng này thì sẽ không có kết quả kia.
Vì thế, chúng ta luôn phải ghi nhận và biết ơn tất cả những gì mà người bạn đời của mình đã làm, đồng thời cũng cần ghi nhận chính mình vì những giá trị và đóng góp của mình cho gia đình. Khi thông suốt những điều đó, chúng ta sẽ làm mọi việc bổn phận của mình trong thảnh thơi, bình an cùng với tình yêu chứ không phải trong nỗi sợ hay sự phân bì, so sánh.