Hơn 1 năm kết hôn, chị Uyên Hallier (28 tuổi, TP. HCM) đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên ông xã Enrico Hallier (34 tuổi, Đức) tại Đức. Tổ ấm nhỏ của chị Uyên vừa chào đón thành viên mới đến với gia đình. Mặc dù sống riêng với gia đình nhà chồng nhưng hơn 1 năm qua chị Uyên luôn được bố mẹ chồng bảo bọc, yêu thương, chăm sóc như con gái ruột ở nơi xa xứ.
Chị Uyên và ông xã.
Trước khi lấy chồng sang Đức, chị Uyên là phóng viên tại TP.HCM. Chị và anh Enrico quen nhau trong một lần anh sang xử lý nhà máy nước ngọt bị hỏng nặng ở Việt Nam. Khi đó, chị đến đây phỏng vấn viết bài và có cơ hội gặp anh. Cả 2 chào hỏi vài câu, kết bạn Facebook với nhau nhưng cũng chẳng liên lạc gì vì chị Uyên đã có người yêu và sẽ đính hôn vào đầu năm tới. Tuy nhiên, như sự sắp đặt của ông trời, chị và bạn trai dừng lại vào đầu năm 2018 và cuối năm 2018, anh Enrico gửi tin nhắn chúc mừng Giáng sinh đến chị. Chính bởi tin nhắn này đã bắt đầu câu chuyện tình yêu của cả 2.
Chưa bao giờ nghĩ sẽ lấy chồng Tây và rời khỏi Việt Nam nhưng sau khi nhận được lời tỏ tình của anh và sự tư vấn của bạn thân, chị Uyên đã suy nghĩ lại về việc cho anh Enrico một cơ hội. Đặc biệt, như một sự trùng hợp trong giai đoạn đó, hãng nước ngọt ở Việt Nam liên tục hư khiến anh Enrico phải bay về Việt Nam công tác thường xuyên nên cả 2 có thời gian chính thức hẹn hò trực tiếp.
“Đến đầu năm 2019 hãng nước ngọt ở Úc hư và mình cũng đến Úc. Chúng mình lại hẹn hò ở Úc. Điều bất ngờ là anh cầu hôn mình ở Úc. Trong khi anh tranh thủ làm giấy tờ, mình tranh thủ học tiếng Đức để có A1 hoàn tất giấy tờ kết hôn. Sau 2,5 tháng mình thi đậu tiếng Đức và hoàn thành giấy tờ kết hôn. Đám cưới của mình diễn ra ở cả Việt Nam và Đức với đầy đủ gia đình, người thân”, chị Uyên chia sẻ.
Mẹ chồng sang Việt Nam ở 1 tháng dự lễ cưới của vợ chồng chị.
Đám cưới diễn ra ở Việt Nam là lần đầu tiên chị Uyên được gặp bố mẹ chồng. Đối với chị Uyên, câu chuyện của chị giống như cổ tích, ông xã và gia đình rất tốt khiến chị có mơ cũng không nghĩ tới. Trái với những lo sợ lần đầu tiên ra mắt, sự thân thiện của mẹ chồng và câu nói “Mẹ sẽ coi con như con gái của mẹ” làm chị xúc động. Và khi sang Đức, bố mẹ còn giúp đỡ chị hòa nhập với cuộc sống những ngày đầu ở đây.
“Lúc làm lễ cưới ở Việt Nam, mẹ chồng bay sang ở chung với mình một tháng. Mẹ giới thiệu nước Đức, văn hoá và nói sẽ yêu thương mình đúng nghĩa như một người con. Mẹ cưng mình như con gái, ôm nhau và đi bơi cùng nhau. Khi sang Đức, mẹ giúp mình làm quen, bảo mình việc đầu tiên phải học tiếng, việc thứ hai là phải học bằng lái ô tô ở Đức vì ở Đức không có xe máy như Việt Nam. Mẹ nói giỏi tiếng và biết lái ô tô rồi mình có thể làm gì mình muốn, đi đâu mình thích và bắt nhịp cuộc sống rất dễ dàng”, chị Uyên cho hay.
Không chỉ quan tâm, mẹ chồng chị còn vô cùng lãng mạn. Ngày chị sinh con đầu lòng, cả gia đình chồng lái xe đến nhà chờ chị đẻ ở bệnh viện về. Trong những dịp quan trọng, cả gia đình lại quây quần bên nhau chờ đợi động viên chia sẻ. Khi chị sinh xong, mẹ chồng còn tặng lắc chân có chữ vô cực với ý nghĩa tình yêu vô cùng to lớn và mãi mãi, rồi bà không ngần ngại tự mang lắc chân cho chị.
Bố mẹ giúp chị làm quen với cuộc sống ở Đức.
Bà mua tặng chị lắc chân và đeo cho chị.
Chị Uyên thổ lộ, trong gia đình Đức sống tình cảm yêu thương bảo vệ nhau giống như gia đình truyền thống Việt Nam giúp chị có cảm giác thân thuộc. Đối với chị, cuộc sống làm dâu ở Đức vô cùng nhẹ nhàng, cuối tuần nào cả nhà chị cũng quây quần ăn thịt nướng, uống bia Đức nói chuyện cho vui.
Sau khi kết hôn, mặc dù ở riêng nhưng bố mẹ chồng vẫn luôn nhắn tin, hỏi han chị. Khi chồng đi công tác, họ đưa chị về nhà chơi cho đỡ buồn. Ở nhà chồng, bố mẹ làm tất cả công việc nhà không cho chị động chân động tay, thậm chí giặt luôn cả quần áo cho chị.
“Lúc mình ở nhà bố mẹ chồng, mẹ mua đồ ăn để tủ lạnh cho mình thích ăn gì thì ăn, quần áo, đồ lót của mình mẹ giặt và phơi gấp lại đem lên phòng cho. Mẹ chồng đối xử với mình như 1 người con của mẹ chứ không phải là con dâu, mình cảm nhận được điều mẹ làm và quan tâm theo cách của mẹ. Chính mẹ cho mình cảm giác như đang sống trong một gia đình Việt Nam đầy ấm áp”, chị Uyên tâm sự.
Bố mẹ chồng giúp chị cảm thấy ấm áp khi ở xa quê.
Phong tục làm dâu Đức là độc lập tự do, bố mẹ chỉ cho lời khuyên chứ không can thiệp vào cuộc sống riêng con cái nên chị Uyên không gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, ngày Giáng sinh, Tết Tây ở đây cũng giống như Tết truyền thống Việt Nam nên chị cảm thấy rất thân thuộc. Khó khăn nhất với chị chỉ là chưa giỏi tiếng Đức, nói tiếng Đức như người bản địa để có thể bàn chuyện sâu, đùa giỡn với các thành viên trong gia đình khi tụ họp.
“Ở Đức Giáng sinh là lễ lớn nên tất cả các thành viên sẽ lái xe đưa vợ con về nhà ông bà ăn Giáng sinh và ăn Tết Tây. Sau đó mua quà đóng gói cẩn thận để dưới gốc cây thông trong nhà đến đúng đêm Giáng sinh sẽ mở. Cả ngày thì chuẩn bị rượu, bia và đồ ăn Đức như bánh mì, các món truyền thống, thịt nướng ... Mọi người vui chơi, ăn uống quây quần cùng nhau rất vui. Gia đình mình không đi nhà thờ hoặc đi ra đường vào dịp Giáng sinh vì bố mẹ muốn thời gian đó quây quần bên con cháu. Điểm này giống như Tết truyền thống Việt Nam nên mình không thấy cô đơn chút nào. Thậm chí, sau đó mình còn được ăn 2 cái Tết, về Việt Nam đón Tết”, chị Uyên cho hay.
Làm dâu ở Đức, bố mẹ chồng không hề dạy hay nói với chị điều gì nhưng nhìn nề nếp gia đinh, từ cách sống của bố mẹ chị học được rất nhiều điều. Dẫu tuổi đã già nhưng bố mẹ chị luôn dành sự ngọt ngào, gọi nhau là em yêu. Khi tranh luận, bố chồng cùng vẫn gọi mẹ chồng chị bằng từ em yêu. Bố chồng còn hay chải đầu, sấy tóc cho mẹ chị khi tắm xong. Chính những điều đó đã giúp vợ chồng chị học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống hôn nhân.
"Trong gia đình chồng mình, từ lớn đến bé nếu ai đó làm việc lớn hay bé cho nhau điều phải nói lời cảm ơn. Lúc qua mình nói anh nhà đưa cho cái áo khoác, bố mẹ nói con phải nói lời cảm ơn, người nhận phải nói tiếng Đức là Danke schön, người đưa phải nói Bitte schön. Mình thấy từ người lớn đến con nít trong nhà đều thế. Điều nhỏ này ở gia đình Việt Nam bây giờ rất ít nghe thấy.
Còn con nít dưới 15 tuổi trong gia đình muốn làm gì đó thì luôn phải hỏi ý kiến bố mẹ trước. Bố mẹ nói không thì chúng sẽ không làm. Mình thấy cách dạy con và con cái vâng lời rất hay. Đây không phải là mệnh lệnh mà là hỏi ý kiến, phân biệt đúng sai và vâng lời", chị Uyên chia sẻ những điều mình học hỏi được từ bố mẹ chồng.
Theo chị Uyên, làm dâu Tây thoải mái nhất vì văn hoá ở đây không can thiệp cuộc sống riêng của con cái. Mặc dù không phải làm dâu nhưng theo chị nếu yêu thương, tôn trọng bố mẹ chồng và yêu thương chồng, chăm lo cho gia đình nhỏ của mình tốt thì chuyện làm dâu không còn là vấn đề đáng lo ngại.