Làm sao gỡ rối mối quan hệ giữa mẹ phong kiến- vợ “dâu Tây”

Nỗi khổ lớn nhất trong cuộc đời Hùng là ngày nào cũng phải dàn xếp chuyện mẹ chồng - nàng dâu.

Làm sao gỡ rối mối quan hệ giữa mẹ phong kiến- vợ “dâu Tây” - 1

Mẹ Hùng không thể hoà hợp với nàng dâu Tây (Ảnh minh hoạ)

Phút lỡ lời của vợ “châm ngòi” cuộc chiến

Trong buổi họp mặt gia đình ngày giỗ ông nội, vợ Hùng hồn nhiên đứng giữa nhà cao giọng nói: “Cưới được em là phúc lớn của gia đình anh”. Chỉ vì câu nói nửa đùa nửa thật ấy mà đến giờ cha mẹ, họ hàng anh vẫn nhất quyết yêu cầu con trai hoặc là bỏ vợ, hoặc là bắt cô ấy phải mời cha mẹ đến nhà chồng có lời xin lỗi vì không dạy dỗ được con gái mình.

Nhưng khổ nỗi, ai quen biết vợ chồng Hùng đều biết, vợ Hùng là người cá tính, cô ấy không bao giờ chấp nhận việc “mời phụ huynh” tham gia mấy yêu cầu này. Ngay sau khi bị gia đình chồng lên lớp, trách mắng, Nga-vợ Hùng vẫn giữ khuôn mặt lạnh lùng, khó coi.

Vốn dĩ, Nga không thể hoà hợp với gia đình chồng. Nga xuất thân từ gia đình giàu có, được cha mẹ chiều chuộng từ nhỏ, lại là con gái một nên tính cách có hơi ngang bướng và luôn cho mình là nhất, là đúng. Cô ấy cùng gia đình định cư ở nước ngoài từ lâu nên tính cách có phóng khoáng, thế nhưng trái lại với Nga, gia đình Hùng rất gia giáo, vẫn còn lưu truyền tính phong kiến, luôn coi trọng lễ nghi.

Chính vì biết điều đó nên trước khi quyết định cưới cô ấy Hùng đã phải đấu tranh tư tưởng cũng như tìm đủ mọi cách để được gia đình chấp thuận. Cưới vợ nhưng sợ sống chung với cha mẹ sẽ xảy ra mâu thuẫn, nên Hùng đành phải viện cớ lý do công việc để hai vợ chồng ra ở riêng. Chỉ có làm như vậy mới tránh được va chạm giữa con dâu và gia đình chồng.

Còn nhớ, sau 5 năm du học trở về nước, lúc ra đón Hùng ở sân bay, cha mẹ, anh chị em họ hàng đã ngỡ ngàng vì Hùng mang theo một cô gái về nước. Buổi đầu tiên gặp mặt cha mẹ Hùng đã kịch liệt phản đối chuyện tình yêu của Hùng và Nga, lý do ban đầu là cách ăn mặc, đi lại, ăn nói của cô ấy không hợp mắt. Khi đó Hùng cũng giải thích và nói: “Ở phương Tây người ta coi đây là nét văn hóa, cô ấy sống ở đó lâu năm nên không thể thay đổi ngày một ngày hai được, dần dần con sẽ khuyên cô ấy…”.

Vì thương con trai nên sau bao lần to tiếng cuối cùng cha mẹ Hùng cũng chấp thuận hôn lễ. Nào ngờ mới cưới nhau được thời gian ngắn, gặp nhau được đôi ba lần, kể cả ngày Tết, Hùng cũng chỉ dám dắt vợ về quê ngày mùng Một để tránh được những bất đồng làm cả nhà mất vui. Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, đang mừng thầm vì gần 1 năm kết hôn mọi sự vẫn lành, sau bao lần lễ tết đưa vợ về quê nhưng mọi chuyện đều suôn sẻ, nào ngờ ngay trong ngày giỗ nội, cơ sự lại ra vậy.

Bế tắc vì không biết giải quyết thế nào?

Trước khi về quê chuẩn bị giỗ nội ở nhà bác cả, Hùng đã dặn đi dặn lại vợ về cách ăn mặc, nói năng, đi lại… Ngỡ tưởng cô ấy gật đầu đồng ý để êm mọi chuyện, nào ngờ tính tình khó sửa, trong khi cả nhà đang vui vẻ nói đến chuyện dâu con trong họ thì cô ấy lại cao giọng nói giữa nhà: “Cưới được em là phúc lớn của gia đình anh”.

Ngỡ ngàng trước câu nói của con dâu mẹ Hùng cau mày nói: “Là dâu con trong nhà ăn nói phải kiêng nể, cô xem nhà tôi có phúc gì từ khi cô về làm dâu? Hay chỉ là cái phúc thiên hạ ban cho. Cô ra đường không nghe thiên hạ nói gì à? Họ nói dòng họ Đinh này có phúc quá nên mới có cô con dâu không biết trên, biết dưới, ăn mặc thoáng đãng… Cô xem phúc ở đâu???”. Chỉ thế thôi vậy mà Nga đùng đùng nổi giận, lại còn đứng dậy cãi nhau tay đôi với mẹ chồng. Cảm giác như trời đang sập xuống đầu Hùng, lúc ấy choáng váng quá anh chỉ trông thấy vợ mình vẫn khăng khăng cãi lời mẹ chồng.

Biết là vợ lỡ lời nhưng Hùng lại không thể nghĩ được hậu quả lại nghiêm trọng đến vậy. Bây giờ giữa vợ và gia đình Hùng biết phân xử sao? Phải nói thêm là vợ Hùng tuy ngang ngược nhưng thật sự cô ấy là người phụ nữ tốt, cả đời chỉ biết đến chồng, thông minh, hoạt bát, tự lập. Giá mà mỗi bên chịu nhịn nhau một chút thì tốt biết bao. Giá như gia đình Hùng nghĩ câu nói đó là câu nói đùa, hay vợ Hùng biết ăn nói hơn chút nữa thì cơ sự đã không ra nông nỗi này.