Lễ cưới đang vui thì chị em bạn dì lên tập yoga, nhảy earobic trên sân khấu

Hình ảnh chị em mặc váy ngắn, nhảy nhót tưng bừng trên sân khấu cưới đôi khi khiến người xem ngượng ngùng.

Mới đây, clip quay lại màn trình diễn aerobic trong một đám cưới thu hút sự quan tâm đặc biệt của dân mạng. Trong clip, các bà, các chị mặc đủ loại trang phục, từ váy ngắn đến váy bó sát, trình diễn những động tác nhảy nhót táo bạo.

Màn nhảy nhót được cho là không phù hợp trong đám cưới

Màn nhảy nhót được cho là không phù hợp trong đám cưới

Không được khen ngợi về độ nhiệt tình, ngược lại, màn trình diễn này nhận phải luồng ý kiến chỉ trích tiêu cực từ dân mạng. Đa phần mọi người đều cho rằng, nhảy aerobic chỉ nên diễn ra ở phòng tập chứ không nên trình diễn ở sân khấu đám cưới. 

Mai Nhung chia sẻ: "Mình rất ghét kiểu nhảy nhót lố lăng này. Vui vẻ cũng nên đúng nơi, đúng chỗ chứ đám cưới của người ta mà lên nhảy tưng tưng, vừa xấu, vừa gây khó chịu cho người đi ăn tiệc".

Nguyễn Phương cũng cho rằng, nhảy aerobic trên sâu khấu cưới là không phù hợp, đặc biệt là trong trang phục "lố nhố" như trong clip. Đây không phải lần đầu cô nàng được xem màn trình diễn khó hiểu như thế này trong đám cưới. Với tư cách là một vị khách đến dự tiệc, cô rất dị ứng với những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" như vậy.

"Cái mình thích chưa chắc người khác đã thích. Nói tóm lại, làm gì, mặc gì cũng phải phù hợp với môi trường, hoàn cảnh. Không nên làm loạn ngày vui của người ta như vậy", Phương nói.

Màn trình diễn yoga trên sân khấu cưới từng khiến dân tình xôn xao

Màn trình diễn yoga trên sân khấu cưới từng khiến dân tình xôn xao

Cách đây không lâu, một video quay lại màn biểu diễn yoga trong đám cưới cũng được dân mạng chia sẻ rộng rãi. Trên sân khấu cưới, các cô gái trẻ mặc đồ tập bó sát, trình diễn yoga với những động tác uốn dẻo. Dù thể hiện được kỹ thuật yoga điêu luyện nhưng đa phần mọi người đều cho rằng, màn biểu diễn đó không phù hợp với một nơi như sân khấu cưới. Một số người để lại bình luận, dù là yoga chỉ nên trình diễn ở phòng tập hay hoạt động thể dục, không nên xuất hiện ở những bữa tiệc trọng đại như thế này. 

Chuyện bạn bè cô dâu, chú rể, bà con làng xóm, hai bên họ hàng… hát hò, nhảy nhót góp vui trong đám cưới không còn xa lạ. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, cô dâu, chú rể phải may mắn lắm mới được bạn bè, người thân “quẩy” nhiệt tình trong ngày vui. Thế nhưng, không phải lúc nào các tiết mục văn nghệ ấy cũng được chào đón theo hướng tích cực.

Mai Hạnh (27 tuổi) tổ chức đám cưới vào đầu tháng 4/2024. Hạnh kể, đám cưới của cô hoàn toàn suôn sẻ cho đến khi một nhóm bạn thân của mẹ chồng cô lên sân khấu nhảy aerobic.

Mẹ chồng cô ngoài 50 tuổi. Bạn bè của bà cũng tầm hơn 40 tuổi trở ra. Màn nhảy aerobic trong đám cưới không phải là tiết mục chuẩn bị trước mà hoàn toàn tự phát nên từ trang phục đến các động tác đều “lố nhố” như nồi lẩu thập cẩm.

“Các bà, các mẹ người mặc váy hoa, người mặc váy ngắn… nhảy nhót tưng bừng trên sân khấu, mạnh ai nấy nhảy khiến mình là cô dâu còn thấy lúng túng chứ chưa nói gì quan khách. Có người còn phải quay mặt đi vì ngượng ngùng”, Hạnh kể.

Mai Hạnh biết, thay vì dè bỉu, phán xét thì nên cảm ơn sự nhiệt tình của nhóm bạn mẹ chồng. Thế nhưng, cô vẫn cảm thấy màn nhảy nhót quá lố ấy không hề phù hợp trong ngày vui con trẻ.

Ngọc Hiệp (32 tuổi) từng tham dự nhiều đám cưới của người thân, bạn bè nhưng anh vẫn luôn cảm thấy khó hiểu khi chứng kiến những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” lố bịch của các cô, các chị.

Hiệp kể, anh từng xem những cô gái mặc sexy nhảy “bằng cả tính mạng” trên sân khấu, bất chấp bên dưới là những vị khách đáng tuổi cha chú đang theo dõi. Anh cũng từng thấy cảnh các bà mẹ mặc áo dài, hai tay túm hai tà áo nhảy nhót tưng bừng trong ngày vui của con cái.

Hiệp cho rằng, dẫu gì cũng là ngày trọng đại của cô dâu, chú rể, nếu muốn gửi quà bằng các tiết mục văn nghệ thì nên có sự chuẩn bị trước, đảm bảo đủ thẩm mỹ chứ không nên có hành động nhảy múa phản cảm.

“Mình từng tận mắt chứng kiến chuyện một cô gái ăn mặc gợi cảm, lên sân khấu nhảy ưỡn ẹo giữa dàn thanh niên làng. Bạn trai cô gái thấy vậy lên kéo tay xuống, cô gái không xuống, đôi bên cãi vã, mắng chửi nhau. Nhóm thanh niên làng có men rượu vào, quay sang hầm hè người bạn trai kia, thế là xô xát xảy ra. Ngày vui của cô dâu, chú rể bỗng dưng trở nên hỗn loạn”, Hiệp kể lại.

Lệ Trang (28 tuổi) cho rằng, góp vui trong hôn lễ của cô dâu, chú rể bằng những tiết mục văn nghệ là chuyện tốt, thế nhưng nên giữ chừng mực để cả bản thân và người xem không thấy bối rối.

“Hội chị em hay các cô, các bà nhiều lúc lố dữ, cứ thấy đám cưới là lên nhảy hùng hục, bản thân cho rằng thế là góp vui mà không biết khách ngồi bên dưới đôi khi không thích nhìn. Người nhảy không ngại mà người xem lại ngại. Mình nghĩ, trong đám cưới mọi người chỉ nên hát hò, nhảy múa nhẹ nhàng cho vui chứ đừng nhảy aerobic, tập yoga hay nhảy dân vũ trên sân khấu. Làm gì cũng phải đúng nơi, đúng chỗ”, Trang chia sẻ.

Dù được gọi là ngày vui nhưng đám cưới vẫn ưu tiên sự trang nhã, lịch sự. Bởi vậy, để tránh khiến cô dâu, chú rể bối rối, các quan khách nên góp vui một cách phù hợp và có chừng mực.