Mỗi khi một gia đình mới được hình thành, thông thường sẽ dẫn đến sự tồn tại cùng lúc của bốn bậc cha mẹ. Gia đình mới nảy sinh những mối quan hệ quan trọng mới: bố chồng- con dâu, bố vợ - con rể, mẹ chồng- nàng dâu, mẹ vợ - chàng rể.
Điều kỳ lạ là, trong bốn mối quan hệ lớn này, chỉ duy nhất mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu là hay được nhắc tới, thường trực gây mâu thuẫn, kéo dài triền miên như khó dứt.
Sự chăm sóc giữa mẹ và con trai thường đi liền với bản năng chiếm hữu. Chiếm hữu sẽ sinh ra nhu cầu chi phối, áp đặt. Với khả năng quan tâm chân tơ kẽ tóc, đủ chuyện lông gà vỏ tỏi, đi kèm với sự uốn nắn áp đặt theo thói quen của mẹ với con trai từ tấm bé, giờ lại có thêm cả với con dâu, thì gia đình bình yên nào cũng sẽ có lúc nổi cơn bình địa. Cũng vì bản năng chiếm hữu đó mà nhiều khi dẫn đến những bi kịch khó lường.
Elizabeth sinh năm 1904 ở khu phức hợp Jocasta Complex (Mỹ). Bà từng kết hôn trên dưới 20 lần, luôn trong tình trạng nợ nần chồng chất và cặp kè với nhiều người đàn ông để xin tiền.
Năm 1948, sau cái chết của con gái Patty Ann, Elizabeth chuyển đến Santa Barbara, California để sống cùng con trai Frank Duncan, một luật sư thành đạt, người mà Elizabeth coi là trung tâm của vũ trụ..
Theo những người quen, Elizabeth chăm sóc và bao bọc Frank bằng tình yêu ngột ngạt và đầy ám ảnh bởi sự lo lắng rằng một ngày nào đó cậu con trai sẽ rời khỏi vòng tay mình.
Elizabeth Ann Duncan luôn lo sợ một ngày con trai sẽ rời khỏi vòng tay mình
Do thường xuyên cãi vã vì khác nhau về lối sống, Frank quyết định mời mẹ khỏi nhà. Bà Elizabeth tự tử và được cấp cứu tại Bệnh viện Santa Barbara, tại đây, Frank gặp nữ ty tá Olga. Hai người nhanh chóng phải lòng nhau và tiến đến hôn nhân.
Elizabeth cực kì ganh ghét với Olga, bà không muốn ai chen vào cuộc đời của con trai hoặc đúng hơn là chen vào tình cảm giữa hai mẹ con. Elizabeth tuyên bố sẽ không cho phép họ sống cùng nhau. Để xoa dịu mọi chuyện, Frank hằng ngày phải di chuyển qua lại giữa căn hộ của vợ và mẹ. Anh đến thăm vợ vào mỗi buổi tối nhưng luôn về nhà để ngủ với mẹ.
Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dân lên đến cao trào khi Elizabeth tìm mọi cách để tiêu diệt Olga. Sau một lần thất bại, bà đã thuê Luis Moya và Augustine Baldonado để sát hại Olga với mức giá 3.000 USD.
Olga bị nhóm sát thủ siết cổ đến chết rồi vứt xuống hố đã đào sẵn tại công trường, lúc này cô mang thai 7 tháng.
Cảnh sát nhanh chóng phát hiện ra thủ phạm đứng sau cái chết của Olga chính là bà mẹ chồng. Frank cùng luật sư S. Ward Sullivan đã bảo vệ bà mẹ.
Elizabeth bị xử tử hình vào ngày 8/8/1962. "Frank đâu rồi", bà nói câu cuối cùng trong đời.
"Nội chiến" mẹ chồng - nàng dâu: Vai trò của người đàn ông
Người đàn ông bất đắc dĩ trở thành "nguồn cảm hứng" cho những cuộc chiến có khi âm ỉ ngấm ngầm, có khi trực diện. Bởi mẹ thì sợ "mất" con trai mình vào tay con dâu, vợ thì lo mình không được xếp ở vị trí ưu tiên trong sự quan tâm và yêu thương của chồng.
"Chẳng có gì đau đầu bằng hai "bà tướng" trong nhà xung khắc với nhau" - một người chồng nhận xét.
Có thể thấy, khi mẹ chồng - nàng dâu mâu thuẫn, người chồng thường hết sức khổ sở và khó xử. Họ không chỉ phải đứng giữa mẹ và vợ - hai người phụ nữ mình yêu thương nhất, mà còn chịu nhiều sức ép từ phía anh chị em, họ hàng, dư luận. Ngả về bên nào cũng lệch cán cân, bênh vợ sẽ mang tiếng con bất hiếu, còn đứng về phía mẹ sẽ bị dè bỉu là người đàn ông bạc nhược, không bảo vệ được vợ con…
Nhiều anh chồng thậm chí chọn cách đứng ngoài cuộc, để mặc hai người phụ nữ trong gia đình tự xử lý, âm ỉ ngày này qua tháng nọ. Còn họ, để yên thân, không mệt mỏi vì về đến nhà là mặt sưng mày vực, tố tội nhau, sẽ chọn cách "im lặng là vàng".
Nhưng im lặng không thể là vàng, khi trong nhà có nội chiến. Nhất là khi, nguồn cơn của mọi sự xung khắc leo thang giữa mẹ chồng - nàng dâu đều do đàn ông mà ra cả. Hai người phụ nữ ấy đều có tính "sở hữu" rất cao, ai cũng muốn giành người đàn ông về phía mình, và hy vọng người kia sẽ bị "xử lý".
Ảnh minh họa
Để hóa giải hai người từ tư thế đối đầu sang đối thoại, không gì tốt hơn là người đàn ông phải ra tay, chứ không thể coi mình là vô can. Anh ta đã có nhiều năm sống cùng mẹ, hiểu tính cách, nếp nghĩ, trải nghiệm, thói quen, hoàn cảnh… của mẹ chồng để thấu cảm được những diễn biến trong nội tâm của mẹ. Anh ta cũng có tình yêu với vợ, hiểu những cảm xúc buồn bã, đau đớn, tủi thân, ấm ức… của vợ khi bị "tấn công".
Đó không phải là lúc cân nhắc chọn làm "con trai ngoan" hay "người chồng tốt", mà là ở giữa để đánh giá tình hình một cách khách quan, tránh xảy ra căng thẳng và bạo lực gia đình (kể cả bạo lực bằng lời nói). Đó không phải là làm "quan tòa" định lượng ai đúng ai sai trong từng trường hợp, mà phải giải quyết vấn đề từ gốc rễ bằng sự khách quan, trung lập. Tốt nhất là để họ tự nhận ra và có tình cảm với nhau, hoặc ít nhất là "đình chiến" vì gia đình chung.