Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi thuê nhà sinh sống và làm việc trên thành phố, còn bố mẹ tôi cùng mẹ chồng đều ở quê. Bố chồng thì mất rồi, mẹ chồng ở quê cùng với em trai chồng tôi.
Cách đây 5 tháng, bà bỗng đòi lên sống chung. Trong khi con tôi đã đi nhà trẻ, lúc trước con còn nhỏ chúng tôi cũng từng ngỏ ý đón bà lên trông bé giúp để tôi đi làm nhưng bà không chịu.
Thực ra chúng tôi không đồng tình lắm khi bà lên ở cùng. Không phải vì vợ chồng tôi chối bỏ trách nhiệm với mẹ mà bởi vì vẫn ở nhà thuê rất chật chội, điều kiện không tốt. Ngoài ra bà vẫn khỏe, chưa cần người chăm sóc kề cận. Hơn nữa nhà cửa dưới quê cũng rộng rãi đàng hoàng, em trai chồng vẫn độc thân chưa kết hôn. Thực sự việc đón bà lên sống cùng chưa phải thời điểm thích hợp.
Thực sự việc đón bà lên sống cùng chưa phải thời điểm thích hợp. (Ảnh minh họa)
Nhưng mẹ chồng khăng khăng đòi như vậy, chúng tôi cũng đành chiều theo ý bà. Và 5 tháng sống chung với mẹ chồng, tôi chỉ có thể tổng kết bằng một câu, đó là tôi gầy đi 6 kg.
Thực sự mẹ chồng gây cho tôi rất nhiều áp lực. Bà không hề giúp đỡ tôi bất kỳ việc gì từ nhà cửa cho tới con cái. Thôi thì chuyện đó tôi cũng không cần vì chẳng có bà thì tôi vẫn phải làm. Thế nhưng mẹ chồng liên tục săm soi, xét nét, chê bai và mắng mỏ con dâu đủ điều từ những thứ nhỏ nhất. Chẳng những vậy bà còn đòi hỏi đủ thứ trong khi điều kiện của vợ chồng tôi vẫn chưa dư dả.
“Không có tôi thì làm gì có chồng cô bây giờ, trách nhiệm của anh chị là phải báo hiếu tôi đầy đủ. Con cái có ăn đói mặc rách cũng phải báo hiếu bố mẹ đàng hoàng”, đó chính là những câu cửa miệng của mẹ chồng tôi, là phương châm trong cách bà đối xử với con cái. Bà không cần biết con cái vất vả, thiếu thốn ra sao, mà chỉ quan tâm đến những đòi hỏi và yêu sách của mình. Nếu không đáp ứng được thì bà sẽ mang chữ hiếu ra để trách móc và chúng tôi thì không cãi lại được nửa lời.
Đến lúc này thì chúng tôi đã hiểu tại sao mẹ chồng lại một mực đòi lên ở cùng. Vì bà cho rằng sống trên thành phố sung sướng. Bà phải hưởng thụ chứ không thể ở quê chịu khổ được.
Hôm nọ, mẹ chồng đòi chúng tôi cho bà 50 triệu để bà đi du lịch với hội mấy người bạn mới quen. 50 triệu là hơn 2 tháng lương của cả 2 vợ chồng tôi cộng lại. Vợ chồng tôi mấy năm nay còn chẳng dám đi du lịch vì muốn dồn tiền mua nhà. Ăn uống, chi tiêu và cả mua sắm cho con đều tiết kiệm.
Thật sự bỏ ra 50 triệu đi du lịch quá xót ruột. Chưa nói chúng tôi đã phải chiều theo yêu sách của mẹ chồng nhiều lần trong 5 tháng qua. Tôi bảo bà hay là để khi khác, vì giờ chúng tôi còn khó khăn. Ai ngờ mẹ chồng hất đổ mâm bát rồi chỉ thẳng mặt mắng tôi hỗn láo, muốn biến chồng thành đứa con trai bất hiếu.
Hôm sau mẹ chồng giận dữ cầm sổ tiết kiệm rồi về quê. (Ảnh minh họa)
Chồng tôi từ phòng ngủ đi ra, anh bỗng đưa cho mẹ chồng 1 thứ, đó chính là cuốn sổ tiết kiệm mà vợ chồng tôi chắt bóp mấy năm nay, hy vọng mua được 1 căn nhà vừa tiền làm tổ ấm.
- Chỗ này có 500 triệu, mẹ cầm lấy đi, con báo hiếu mẹ. Rồi mẹ về quê sống cho thoải mái, mẹ thích làm gì thì làm. Nếu nói về trách nhiệm thì nghĩa vụ của con là báo hiếu cha mẹ nhưng cũng là nuôi con của con khôn lớn, trưởng thành. Hai trách nhiệm này phải song hành và thực tế là được pháp luật quy định như nhau mẹ nhé.
Chồng tôi bảo cuốn sổ đó là anh báo hiếu mẹ, còn từ bây giờ anh sẽ dồn tâm sức thực hiện trách nhiệm nuôi dạy con cái. Mẹ chồng nghe xong mà tái mét mặt. Tôi cũng không ngờ chồng lại kiên quyết và cứng rắn đến thế.
Hôm sau mẹ chồng giận dữ cầm sổ tiết kiệm rồi về quê. Chồng tôi bảo từ bây giờ anh sẽ không đáp ứng yêu cầu nào của mẹ nữa. Biết là sẽ bị bà đi khắp nơi nói xấu nhưng anh mặc kệ, nếu không thì những đòi hỏi của bà chẳng biết bao giờ mới chấm dứt.
Tôi tiếc tiền quá, bao công sức vợ chồng gom góp. Nhưng có lẽ như vậy cũng tốt phải không các chị em, vì từ giờ tôi sẽ được yên. Xử lý như chồng tôi có ổn không? Liệu từ giờ chúng tôi đã thật sự thoát khỏi mẹ chồng?