Tôi sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn. Mẹ mất khi tôi mới lên 8 tuổi, còn bố là người đàn ông cứng nhắc và ít nói. Một năm sau khi mẹ tôi mất, bố tái hôn. Mẹ kế không ác độc, nhưng sống chung dưới một mái nhà, chúng tôi chưa từng thân thiết, luôn có một khoảng cách vô hình.
Không chỉ mẹ kế, tôi cũng cảm thấy bố có phần lạnh nhạt hơn với tôi kể từ khi ông tái hôn. Bố ít khi nhìn thẳng vào mắt tôi. Mỗi lần tôi ốm, mẹ kế đến đưa thuốc, còn bố chỉ hỏi một câu duy nhất: “Đỡ chưa?” rồi đi mất. Câu hỏi đó, theo tôi suốt tuổi thơ, như một thứ tình thương méo mó không dám gọi tên.
Năm 18 tuổi, tôi lên Hà Nội học đại học bằng học bổng. Bố đưa tôi ra bến xe, đứng từ xa nhìn theo, không một cái ôm, không một lời dặn dò. Sau đó, tôi cố gắng học hành, tự nuôi mình suốt 4 năm đại học chứ không dám nhờ vả bố và mẹ kế nữa. Sau này tốt nghiệp rồi đi làm, tôi đều gửi chút tiền về quê vào dịp lễ Tết như một cách giữ lại sợi dây mong manh mang tên “gia đình”.
Cho đến một ngày giữa tháng 5, tôi nhận được điện thoại từ hàng xóm ở quê bảo bố tôi bị tai biến, phải nhập viện gấp. Bố tôi khi đó đã đổ bệnh được nửa năm, bao nhiêu tiền trong nhà đều vét hết mua thuốc cho ông. Giờ lại cần phẫu thuật, nhà lấy tiền đâu ra chứ?
Tôi không nghĩ ngợi, rút 300 triệu bắt xe quay về quê ngay trong đêm.
Nhận được cuộc gọi báo tin bố nằm viện, tôi vội vàng bắt xe về quê. (Ảnh minh họa)
Khi đến nơi, bệnh viện đã lên đèn. Cánh cửa phòng bệnh nơi bố tôi nằm khép hờ, ánh sáng vàng nhạt hắt ra. Tôi bước đến, định đẩy cửa thì sững lại khi nghe thấy giọng bố khàn đặc từ bên trong.
- Nó không phải con tôi. Tôi không cần nó lo.
Tim tôi chững lại. Tôi đứng chết lặng ở ngưỡng cửa. Một khoảng im lặng kéo dài, rồi giọng mẹ kế vang lên, nhỏ hơn:
- Sao ông nói thế. Mà nó đang trên đường về quê rồi mà.
- Nó về thì cứ bảo tôi không muốn gặp nó. Tôi không muốn nợ ân tình của nó. Nó cũng không cần chịu trách nhiệm với một người xa lạ như tôi.
Tôi lặng người, toàn thân lạnh toát. Từng câu ông nói như một mũi dao cắm vào tim tôi. Tại sao ông lại nói tôi không phải là con ruột của ông? Chẳng trách bao năm qua ông luôn đối xử lạnh nhạt với tôi. Tôi không vào phòng, chỉ đóng tiền viện phí cho bố rồi chuyển khoản phần còn lại vào số tài khoản của mẹ kế.
Xong xuôi mọi việc, tôi rời bệnh viện trong cơn mưa lất phất mà lòng nặng trĩu.
Tôi lặng người, toàn thân lạnh toát khi nghe được cuộc trò chuyện của bố và mẹ kế. (Ảnh minh họa)
Một tháng sau, tôi nhận được một lá thư tay từ mẹ kế.
“Con à, có lẽ bây giờ con đã biết chuyện con không phải là con ruột của bố rồi phải không? Thực ra, bố con biết chuyện này từ khi con lên 5 tuổi. Tuy nhiên, vì thương con và thương mẹ con, ông ấy chọn im lặng và nuôi con khôn lớn. Ông ấy bình thường trông có vẻ thờ ơ với con thế thôi, chứ thực ra rất quan tâm con. Những đêm con ốm, hay khi con đi thi đại học, ông ấy lo lắng đến mất ngủ cả đêm. Khi con đi xa nhà rồi, ngày nào ông ấy cũng ngóng trông điện thoại của con.
Nhưng ông là người kiêu hãnh, ít nói nên mới không gọi điện. Ông chưa từng ngừng dõi theo con, luôn lên mạng xã hội ngắm ảnh con. Mỗi khi ai nhắc đến con, ông lén mỉm cười.
Thực ra đêm con về, bố con biết con đứng ngoài cửa nên ông ấy cố tình nói ra sự thật để con buông bỏ. Ông ấy không muốn con phải khổ vì ông ấy. Nhưng dì thấy thế này mãi không ổn nên hôm nay mới viết lá thư này để giải thích rõ mọi việc. Tình cảm không cần máu mủ mới sâu đậm. Và bố con chưa bao giờ ngừng coi con là máu thịt".
Tôi đọc đi đọc lại lá thư đến ướt nhòe. Hóa ra, ông biết. Hóa ra, ông chọn cách lùi lại, để tôi sống đời nhẹ gánh. Hóa ra, thứ tình cảm mà tôi nghĩ là lạnh nhạt, lại là một dạng yêu thương cao cả nhất, hi sinh mà không đòi hỏi hồi đáp.
Đọc lá thư mẹ kế gửi mà lòng tôi nặng trĩu. (Ảnh minh họa)
Tôi lập tức trở về quê. Căn nhà cũ đã tróc vài mảng sơn, sân vắng. Bố đang ngồi ngoài hiên, mắt hướng ra cánh đồng mùa gặt. Thấy tôi, ông khựng lại, ánh mắt đầy xáo trộn.
Tôi ngồi xuống cạnh ông, không nói gì. Một lúc sau, ông cất giọng, không nhìn tôi:
- Bố cảm ơn con.
Tôi nghẹn ngào đáp:
- Con là con trai của bố mà, đó là việc con nên làm.
Ông quay sang nhìn tôi lần đầu tiên sau bao năm. Đôi mắt vẫn đục và sâu như ngày tôi còn bé, nhưng hôm nay, tôi thấy trong đó có sự ấm áp mà mình từng khao khát. Ông chậm rãi giơ tay lên, đặt lên vai tôi:
- Con trai của bố... về rồi thì ở lại ăn bữa cơm. Mẹ con nấu món con thích đấy.
Tôi không thể kìm được nước mắt. Hóa ra, có những người không cho bạn tất cả, nhưng âm thầm giữ bạn cả một đời. Hóa ra, tình cha không nằm ở huyết thống, mà nằm ở những tháng năm lặng thầm, khắc khoải. Hóa ra, chỉ cần một cái về nhà là đủ để mọi tổn thương được tha thứ.