Ngày mới cưới nhau, tôi rất hài lòng về con người chồng nhưng sống chung nhà, tôi mới nhận ra anh có tính cực kỳ xấu đó là khôn lỏi. Mỗi khi làm việc gì phải có lợi ích anh mới làm, còn không thu được gì thì từ chối ngay.
Cái tính khôn lỏi ăn sâu vào tâm trí của chồng nên anh tính toán với cả những người ruột thịt. Trong 4 anh em ruột thì mỗi chồng tôi được ăn học đàng hoàng tử tế nên là người khá giả nhất. Những lần giỗ bố chồng, tôi gợi ý anh bỏ ra vài triệu để anh em không phải góp nhưng chồng gạt phắt đi. Anh bảo bố là chung, mọi người đều phải có trách nhiệm góp tiền vào mà giỗ, việc gì phải “ôm rơm nặng bụng”.
Biết chồng có tính xấu, tôi không muốn các con mình học theo nên mỗi khi anh ấy làm điều gì sai tôi đều phải uốn nắn để không đi sai đường. Thế nhưng anh rất bảo thủ luôn cho bản thân là đúng không sai gì hết.
Năm trước, lúc sức khỏe mẹ chồng yếu, bà bảo gửi chồng tôi 3 cây vàng phòng lúc ốm đau nhưng biết bản thân sắp mất, không dùng đến nữa nên muốn anh ấy chia cho mỗi anh em 1 ít. Khi đó mọi người bận lo lắng cho sức khỏe của mẹ nên không ai quan tâm đến số vàng.
Mẹ mất được 1 tháng thì em gái chồng hỏi chồng tôi về số vàng và muốn anh ấy giao ra để chia cho mỗi người 1 ít. Anh bảo bà lẩm cẩm, sắp chết nên nói linh tinh, đưa cho anh có 3 chỉ vàng, thế mà lúc hấp hối đòi 3 cây. Biết mẹ nói sai nhưng anh không muốn nói ra sợ mẹ buồn.
Tôi thường nhắc nhở anh, thế nhưng anh rất bảo thủ luôn cho bản thân là đúng không sai gì hết. (Ảnh minh họa)
Tôi và mọi người đều không biết mẹ có bao nhiêu vàng giao cho chồng tôi giữ. Bà nói lúc sức khỏe yếu, đầu óc không được minh mẫn nên chúng tôi cũng chẳng biết được ai nói thật ai nói dối.
Không có người đối chứng, bác cả không muốn anh em mâu thuẫn bất hòa vì số vàng đó nên không truy cứu đến cùng. Với tính tham lam của chồng, chỉ muốn vơ vét cho bản thân, tôi tin chắc là mẹ có gửi 3 cây vàng nhưng anh nói ít đi để khỏi bị mất. Sau vụ đó, tôi thấy con người của chồng thật đáng sợ, nhiều lúc muốn bỏ nhưng vì các con nên phải nhẫn nhịn.
Tuần vừa rồi, bác cả gọi vợ chồng tôi về họp gia đình để chia đất. Bác cả định chia đất của bố mẹ làm 4 phần bằng nhau nhưng chồng tôi không muốn chia cho 2 em gái. Anh bảo con gái lập gia đình theo nhà chồng nên không được chia đất.
Tôi bảo lúc bố mẹ mất, chồng tôi bắt 2 em gái chịu phần chi phí tang lễ như anh trai. Năm vừa rồi xây lăng cho bố mẹ, chồng tôi cũng chia đều chi phí cho các em gái chịu. Vậy mà khi chia đất, chồng tôi không chia cho các em là không được.
Tuy điều kiện kinh tế khó khăn nhưng các em chồng từ chối nhận đất và nói để lại hết cho anh cả quản lý. Thấy các em không nhận đất, tôi nói sau này không về quê sống, nếu được chia đất cũng chỉ để bán như thế sẽ mất đất của tổ tiên.
Tôi bảo lúc bố mẹ mất, chồng tôi bắt 2 em gái chịu phần chi phí tang lễ như anh trai. (Ảnh minh họa)
Suốt 10 năm bố mẹ chồng ốm đau chỉ có bác cả chăm sóc, còn chúng tôi chưa phục vụ ông bà được ngày nào. Thế nên, chồng để lại đất cho bố con bác cả xây nhà trồng cấy và không ai được bán đất là tốt nhất.
Những lời tôi nói được mọi người tán thành nhưng chồng bảo tôi là dâu, không có quyền hành gì nên im lặng mà nghe, đừng can thiệp vào chuyện của nhà nội. Chồng tôi vẫn muốn chia làm 2 phần, các em gái không đồng tình và nói sẽ nhờ pháp luật can thiệp.
Thấy anh em cãi nhau về chuyện đất đai rất gay gắt, không ai chịu ai, thế là bác cả đành phải đứng ra giảng hòa và hoãn việc chia đất vô thời hạn.
Lúc trở về nhà, tôi ngồi nói chuyện thẳng thắn với chồng và khuyên anh sống phải có đạo đức để con cái noi theo.
Nào ngờ chồng quắc mắt lên nói là những việc anh ấy làm cũng chỉ vì vợ con và mong tôi bớt càm ràm hay “ăn cây táo rào cây sung”. Tôi muốn chồng trở thành người đàn ông tốt với anh em và mọi người xung quanh nhưng không biết phải khuyên bảo thế nào nữa?