Chị Ng. không kiềm chế được đã đánh con gái (Ảnh minh hoạ)
Chị Ng. và chồng vốn gặp khó khăn trong vấn đề sinh con, sau khi chạy chữa mãi, họ mới có một cô con gái tên H.. Bởi vậy, chị Ng. cưng chiều H. vô cùng, chỉ cần con thích thứ gì, vợ chồng chị không hề tiếc tiền. Vì thương con, yêu con, nên chị Ng. cứ nghĩ cho con nhiều tiền, chu cấp cho con đầy đủ là làm tròn nghĩa vụ của người làm cha, làm mẹ. Nhưng chị đâu ngờ, chính sự nỗ lực của anh chị đã đẩy đứa trẻ vào cuộc sống thiếu thốn tình yêu thương từ lúc nào không hay biết.
Hằng ngày, chị Ng. và chồng đi làm từ sáng sớm tới 8-9h đêm mới về. Trong khi đó, H. được mẹ cho tiền chi tiêu thoải mái nên bữa sáng và bữa trưa em ăn cơm ở trường, còn bữa tối đã có mẹ đặt đồ ăn sẵn. Cũng vì không có thời gian dành cho nhau nên chị Ng. đã bỏ qua giai đoạn dậy thì quan trọng của con.
Và rồi, từ những câu chuyện cuộc sống, từ báo chí đưa tin, chị Ng. dần nhận ra sự vô tâm của mình. Từ khi con bước vào lớp 10, chị bắt đầu thay đổi, chị dành nhiều thời gian quan tâm con hơn, nhưng H. vốn quen “một mình” nên chưa có cơ hội mở lòng “tâm sự” với mẹ. Cho tới một hôm khi soạn phòng ngủ của con, chị Ng. tá hoả khi phát hiện bao cao su trong cặp xách học thêm của H., không cần hỏi con, lắng nghe con, chị Ng. đã tát con hai cái như trời giáng. Bị mẹ đánh bất ngờ, H. oà khóc và nhốt mình trong phòng tắm suốt đêm.
Biết mình sai, chị Ng. vô cùng ân hận. Những ngày sau đó, gia đình chị Ng. vô cùng căng thẳng. Phải tới khi nhờ tới chuyên gia tâm lý tư vấn cho cách “gỡ rối” chị Ng. mới nhận được sự tha thứ của con gái.
Cũng từ đây, chị Ng. mới biết con gái chị có tình cảm yêu đương với một bạn trai cùng lớp. Tuy nhiên, cả hai chưa hề vượt qua giới hạn. Trước những tò mò thầm kín về tuổi mới lớn, cả hai không ít lần có ý định "vượt rào”. Cũng may, chị Ng. phát hiện sớm và có định hướng đúng đắn cho con trong tình yêu đầu đời.
Hiện tại, con gái chị Ng. đã hoàn toàn mở lòng và tâm sự với mẹ. Vợ chồng chị Ng. cũng đã rút kinh nghiệm và dành nhiều thời gian bầu bạn, trò chuyện với con trong cuộc sống. Đôi khi, chỉ một chút nóng nảy, lỡ lời của cha mẹ cũng khiến con trẻ rơi vào tuyệt vọng và đường cùng không lối thoát.
Qua câu chuyện của chị Ng., chuyên gia tâm lý Trần Ly (Vũng Tàu) cho rằng, không ít bậc cha mẹ đã “vô tâm” không quan tâm tới cảm xúc của con, hành động nóng vội như đánh con, chửi rủa con là cách giáo dục ngược.
“Ngay khi biết có quan hệ yêu đương sớm, nhiều cha mẹ không kiềm chế được mà đánh con, chửi con, có người còn ném cặp xách, sách vở và tuyên bố “không học được thì nghỉ”. Đây là cách giáo dục phản khoa học, dễ khiến đứa trẻ bị tổn thương và khó mở lòng tâm sự với cha mẹ về những vấn đề mình đang gặp phải”, vị chuyên gia nhận định.
Theo chuyên gia Trần Ly, cha mẹ hãy gần gũi chia sẻ với con như những người bạn, để con mở lòng chia sẻ về những rung động đầu đời- (Ảnh minh hoạ)
Từ đây, chuyên gia Trần Ly đưa ra cách “gỡ rối”, để con không bất ngờ, không hoảng loạn các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, thẳng thắn nói chuyện với con. “Nghiêm khắc có, nhẹ nhàng có, đây là cách để con có thể dễ dàng chia sẻ với cha mẹ. Nếu ngay lúc đó, con chưa sẵn sàng, cha mẹ hãy bình tĩnh chờ con “sắp xếp lại câu chuyện” và “chia sẻ” với cha mẹ lúc nào con cảm thấy ổn. Đừng vội vàng ép con phải “khai ra sự thật” khi con chưa biết bắt đầu từ đâu. Hãy là những người cha, người mẹ hiện đại, tân tiến và hãy làm bạn cùng con”, chuyên gia Trần Ly đưa ra cách xử lý.