Hết thời gian nghỉ sinh, quay trở lại công ty thấy có nhiều thay đổi không còn phù hợp với bản thân, tôi quyết định nghỉ việc để ở nhà chăm con một thời gian, sau tìm việc khác. Khi đó tôi nghĩ, thu nhập của chồng mình khá cao, có thể thoải mái lo chi phí sinh hoạt trong nhà nên vợ ở nhà 1, 2 năm cũng không thành vấn đề. Song lúc đã chính thức nghỉ việc, sống phụ thuộc tài chính chồng, tôi mới nhận ra mọi thứ không đơn giản như vậy.
Chồng tôi ra ngoài rộng rãi, phóng khoáng với bạn bè. Ngược lại, đối với vợ, anh lại chi li, tính toán từng đồng. Trước đây khi tôi còn đi làm, mỗi tháng anh sẽ góp thêm với vợ 6 triệu để lo chi tiêu. Khi nghỉ việc, tôi bàn lại:
“Ngày trước sinh hoạt phí gia đình chủ yếu dùng lương của em. Giờ em không có thu nhập, anh phải đưa thẻ lương của anh cho vợ chủ động chi trả các khoản”.
Chồng tôi ra ngoài rộng rãi, phóng khoáng với bạn bè. Đối với vợ, anh lại chi li, tính toán từng đồng. (Ảnh minh họa)
Vậy nhưng chồng tôi lý luận rằng:
“Anh không thể đưa hết thẻ lương cho em được. Tiền của anh còn phải lo nhiều viêc. Trước mỗi tháng anh đưa em 6 triệu, giờ anh tăng lên 8 triệu là được rồi. Em là phụ nữ phải biết khéo co kéo. Không phải cứ muốn tiêu bao nhiêu là bắt chồng đưa ngần ấy”.
Tôi thừa hiểu những “việc khác” anh nói cần lo chính là mời bạn bè đi ăn uống, bia rượu. Vui lên sẵn sàng đứng dậy bao hóa đơn có khi lên tới 2, 3 triệu, anh không tiếc. Ngược lại mỗi lần vợ bảo thiếu tiền chợ, giục đưa thêm, anh lại khó chịu trách móc:
“Tiền chứ có phải lá cây đâu mà cô cứ yêu cầu là tôi lại hái đưa ngay được”.
Tôi bực quá, nhắc anh đãi bạn không tiếc tay, với gia đình lại so đo đong đếm nhưng anh trả lời bằng thái độ thách thức:
“Tiền tôi kiếm được, tôi muốn tiêu thế nào là quyền tôi. Cô đã ăn bám còn đòi hỏi. Không biết điều, tôi cắt hết xem lúc ấy cô xoay xở kiểu gì?”.
Tôi nói nặng, nói nhẹ với chồng đủ cả mà mười lần nói chuyện cãi nhau cả mười. Sau tôi chán, tự nhủ lòng chấp nhận nín nhịn thêm 1 thời gian, khi nào con lớn, tìm được công việc phù hợp đi làm lại, mọi thứ sẽ quay về quỹ đạo cũ.
Song hôm trước, đi chợ thấy có cửa hàng bán sầu riêng chín cây ngon quá, tôi ghé vào mua 1 quả vì cũng lâu rồi không ăn. Không ngờ, đi làm về, chồng tôi thấy liền hỏi vợ mua hết bao nhiêu tiền. Nghe tôi bảo 400k, mặt anh biến sắc, ném mạnh chiếc cặp xách xuống ghế, rồi quát tháo:
“Cô giỏi thật, ở nhà ăn bám chồng lại dám mua quả sầu riêng ba bốn trăm nghìn ăn. Vợ người ta giỏi giang, làm kinh tế giỏi hơn chồng, vẫn ăn tiêu tiết kiệm. Đằng này cô không kiếm ra tiền, lại chỉ nghĩ cách tiêu hoang, phá hoại. Tôi đúng là vô phúc mới lấy phải loại vợ như cô”.
Thái độ của chồng khiến tôi thất vọng, hụt hẫng vô cùng. (Ảnh minh họa)
Thái độ quá đáng của chồng khiến tôi hụt hẫng vô độ, cảm giác tủi thân, thất vọng tới không từ ngữ nào tả hết. Để anh nói xong, tôi lên tiếng:
“Anh nghĩ 8 triệu anh đưa cho vợ 1 tháng to thế hay sao? Chỉ riêng tiền bỉm sữa của con đã hết gần nửa số đó, chưa kể tới điện nước, đối nội đối ngoại, thi thoảng anh còn sai biếu bố mẹ anh mua thuốc thang tẩm bổ. Anh tính xem 8 triệu ấy đã âm chưa? Bao ngày tháng nay, ngày 3 bữa cơm anh ăn là bằng tiền tôi kiếm đó”.
Miệng nói, tay tôi mở điện thoại cho chồng xem tin nhắn chuyển khoản của ngân hàng, mỗi tháng đều đặn 10 triệu, khiến anh ngây người. Chẳng là từ hôm nghỉ việc ở nhà chăm con, tôi tranh thủ cộng tác làm parttime nên vẫn có thu nhập. Biết sự thật rồi, chồng tôi mặt chuyển từ đỏ sang tím tái vì xấu hổ với vợ. Từ hôm ấy, tôi thực hiện “chiến tranh lạnh”, mặc cho anh hạ giọng năn nỉ nhận sai nhưng tôi mặc kệ.