Thiếu giao tiếp có thể khiến cả hai bối rối và gây ra những hiểu lầm (Ảnh minh họa)
1. Bạn cắt đứt các mối quan hệ khác
Khi bắt đầu mối quan hệ, bạn muốn dành mọi khoảnh khắc cho người ấy nên ngừng liên lạc với những người bạn cũ. Ngoài bỏ bạn bè, bạn thậm chí có thể chuyển đổi công việc, chuyển đến một quốc gia khác hoặc ít quan tâm tới những người thân của mình. Khi đó, người ấy có thể mất hứng thú với bạn vì bạn trở thành cái bóng của con người cũ của bạn.
Hãy nhớ rằng các mối quan hệ bền chặt luôn có một mức độ độc lập nào đó, vì vậy hãy cố gắng phân chia thời gian rảnh của bạn theo quy tắc 50-30-20, nghĩa là không quá 50% với người yêu, 30% với bạn bè - gia đình và 20% cho chính bạn.
2. Chấp nhận những hành vi không tốt
Người ấy thiếu tôn trọng không gian riêng của bạn, đùa quá trớn, dọa chia tay, muốn bạn thay đổi ngoại hình theo ý mình, hung hăng, luôn trễ hẹn, dán mắt vào điện thoại trong những buổi hẹn hò, bỏ qua những ý kiến của bạn... Nếu bạn cứ bỏ qua những hành động này, một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra rằng mình đã mất quá nhiều thời gian và công sức vào một người đối xử tệ với mình.
Bạn chỉ cần thể hiện mong đợi của mình một cách lịch sự, chẳng hạn như: “Em không thể chịu được việc anh luôn trễ hẹn”. Nếu mọi việc không được cải thiện, bạn cũng đừng tiếc mối quan hệ này.
3. Liên tục so sánh với người yêu cũ
Không ai thích thú việc người yêu thường xuyên nhắc về tình cũ thậm chí so sánh với mình. Điều này sẽ phá hỏng mối quan hệ của bạn. Ngoài ra, nếu bạn liên tục đánh giá người ấy với người yêu cũ có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang tạo ra những tiêu chuẩn quá cao và thiếu tôn trọng người khác.
Bạn nên nhớ một nguyên tắc vàng, đó là không bao giờ nói về người cũ cho đến khi bạn cảm thấy an toàn trong mối quan hệ hiện tại của mình.
4. Hai người không nói chuyện với nhau
Nhiều người tin rằng, đối phương thực sự có thể đọc được suy nghĩ của họ. Thật không may, điều đó không đúng và đây là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất mà nhiều người mắc phải. Thiếu giao tiếp có thể khiến cả hai bối rối và gây ra những hiểu lầm. Và bất kỳ cảm giác tiêu cực nào nếu không được giải quyết sẽ biến thành sự căm ghét theo thời gian.
Để kéo dài mối quan hệ, bạn hãy thành thật với đối phương, nói ra những gì bạn đang tìm kiếm và cũng đừng quên lắng nghe họ nói.
5. Lý tưởng hóa người yêu
Khi yêu, nhiều người quên rằng ai cũng đều có thể sai lầm và nhìn mọi thứ thành màu hồng. Họ coi đối phương là người hoàn hảo. Điều này sẽ khiến bạn thất vọng trong tương lai.
Đừng đặt ra những kỳ vọng phi thực tế cho người yêu. Thay vào đó, bạn hãy chú ý đến cách họ đối xử với người khác như bạn bè, gia đình, nhân viên phục vụ tại nhà hàng… Điều này sẽ cho bạn thấy con người thật của họ.
6. Bạn giả vờ là một người khác
Ai cũng muốn tốt đẹp trong mắt người kia, vì vậy chúng ta cứ phải cố đóng vai một người khác. Tuy nhiên, điều này không thể tồn tại mãi mãi. Giữ bí mật và nói dối người ấy ngay từ đầu sẽ khiến bạn nói dối nhiều hơn. Nếu mối quan hệ của bạn dựa trên sự dối trá, có thể nó sẽ sụp đổ.
Nguyên tắc xây dựng một mối quan hệ lành mạnh là sự trung thực, tin tưởng, tôn trọng và hiểu biết. Bạn không cần phải cố tạo vỏ bọc hoàn hảo cho mình.
7. Luôn kiểm soát đối phương
Ghen tuông, cố gắng kiểm soát hành vi của người ấy và liên tục kiểm tra xem họ đang làm gì là dấu hiệu cho thấy bạn thiếu tin tưởng vào người ấy. Người ấy có thể cảm thấy rằng bạn đang cố gắng kiểm soát họ và không chia sẻ những điều quan trọng của họ cho bạn biết. Kết quả là, họ sẽ dần dần rời xa bạn.
Đừng có ý định gửi tin nhắn vào lúc 2h sáng chỉ để xem người yêu đang làm gì và cũng đừng “khủng bố” điện thoại của họ khi họ không trả lời tin nhắn của bạn ngay lập tức. Hãy nhớ rằng bạn không phải là cha mẹ của họ và họ cũng đã là một người trưởng thành.
8. Cố tình bỏ qua những khác biệt lớn
Khi yêu, hầu hết mọi người đều bỏ qua những khác biệt quá lớn về quan niệm sống, mục tiêu sống, hoàn cảnh sống... và rồi phải hối tiếc về sau.
Đó là yếu tố rất quan trọng cho một mối quan hệ lâu dài và lành mạnh. Để khiến hai bên không phải thất vọng, bạn hãy dành thời gian để thảo luận về những điều này trước khi bước vào mối quan hệ.
9. Bạn quá lụy tình
Khi yêu, bạn luôn muốn ở bên người ấy mọi nơi mọi lúc. Người ấy có thể cảm thấy bạn quá phụ thuộc, lụy tình hay như thể bạn đang cố bám lấy họ, thậm chí dù họ lừa dối bạn. Mọi người cần không gian và bạn nên hiểu điều đó. Vì vậy, nếu bạn thực sự muốn kéo dài mối quan hệ, bạn hãy là người tự tin và độc lập trước người ấy.
10. Bạn muốn đẩy nhanh tiến độ
Điều này có thể gây áp lực không cần thiết cho một mối quan hệ mới và khiến cho đối phương sợ hãi. Bên cạnh đó, bạn sẽ bỏ lỡ tất cả những điều nhỏ mà đáng nhẽ ra bạn có thể tận hưởng khi bắt đầu mối quan hệ.
Hai bạn cần thực sự hiểu nhau. Buổi hẹn hò đầu tiên, cuộc tranh luận đầu tiên, chuyến đi chơi đầu tiên cùng nhau… bạn hãy tận hưởng hết mọi thứ và khám phá tính cách của đối phương.