Khi tôi học lớp 5, bố mẹ chia tay nhau. Mẹ lấy người đàn ông khác, rồi sinh được 2 em. Tôi sống với bố và ông lấy người phụ nữ có con trai hơn tôi 4 tuổi.
Lúc đầu, tôi không ưa người mẹ kế chút nào nhưng sống cùng nhau, tôi thấy bà đối xử công bằng giữa 2 đứa trẻ. Mỗi khi bà mua quần áo hay đồ ăn cho con riêng thì cũng mua cho tôi. Anh em tôi mà đánh nhau, bao giờ bà cũng đứng ra tìm hiểu đúng sai, rồi khuyên bảo từng đứa, không bao giờ thiên vị con nào. Chính sự công bằng và đạo đức của mẹ kế đã thu phục được đứa trẻ ngang bướng là tôi.
Để nuôi 2 anh em tôi khôn lớn, được học hành tử tế, mẹ làm việc rất vất vả. Hằng ngày, mẹ dậy sớm đi chợ đầu mối lấy trái cây về nhà bán. Công việc của bà lúc nào cũng diễn ra từ 3h sáng đến 8h đêm. Bố tôi làm việc hành chính nhàn hạ hơn nhưng ông không bao giờ giúp bà việc nhà. Mẹ vừa bán hàng, vừa phải lo cơm nước và dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc 3 bố con tôi. Công việc vất vả là thế nhưng không bao giờ mẹ kế kêu than nửa lời.
Chính sự cam chịu, chăm chỉ làm việc và sống đạo đức của mẹ mà bà được bố tôi và ông bà nội nể trọng. Bà nội kể:
“Sau khi bố con lấy vợ mới, toàn bộ tiền lương ông đều đưa cho mẹ kế giữ. Khi chung sống với mẹ đẻ của con thì bố chỉ đưa cho vài triệu để chi tiêu sinh hoạt bởi mẹ con chi tiêu rất hoang phí nên không tin tưởng giao tiền”.
Chính sự công bằng và đạo đức của mẹ kế đã thu phục được đứa trẻ ngang bướng là tôi. (Ảnh minh họa)
Tôi và anh Trung đều học đại học, sau khi ra trường, tôi xin được công việc tốt lương cao. Còn anh ấy công việc bấp bênh, tiền làm ra không đủ nuôi bản thân. 1 năm anh có thể thay đổi 3 - 4 chỗ làm, thời gian làm lâu nhất ở công ty là nửa năm, ngắn nhất là 2 ngày. Anh Trung từng nói:
“Anh không thích làm công ty bởi vì gò bó và bị chèn ép. Anh muốn ra ngoài mở quán hát karaoke nhưng không có vốn nên ý tưởng chưa thực hiện được”.
Một tháng trước anh Trung xin bố mẹ 1 tỷ để làm ăn nhưng ông bà không cho, anh giảm xuống còn 500 triệu. Anh nói sẽ thuê nhà để mở quán karaoke, sau này có tiền sẽ trả nợ ông bà sau.
Anh Trung nói thẳng:
“Nếu mẹ không cho tiền làm ăn con sẽ ở vậy, ăn bám ông bà cả đời”.
Trước sức ép của con trai, mẹ kế buộc phải thú nhận sự thật:
“Bố mẹ kiếm được bao nhiêu tiền dồn hết vào nuôi các con ăn học. Hiện tại, cả gia tài còn mỗi 500 triệu, mẹ đang bị ung thư dạ dày giai đoạn 2. Vì thế mẹ phải để tiền chữa bệnh không thể cho con nào được nữa”.
Một tháng trước anh Trung xin bố mẹ 1 tỷ để làm ăn nhưng ông bà không cho, anh giảm xuống còn 500 triệu. (Ảnh minh họa)
Dù mẹ kế không muốn đi bệnh viện nhưng tôi lo cho sức khỏe của bà và ép đi khám bằng được. Sau khi làm vài xét nghiệm, bác sĩ nói mẹ kế sức khỏe rất tốt không có bệnh tật gì, về nhà ăn uống và tập thể dục đều đặn là được.
Vừa bước ra khỏi phòng khám, mẹ kế đã nói tất cả sự thật với tôi:
“Mẹ không bị bệnh gì hết, chỉ vì Trung đòi xin tiền nên buộc phải dùng "khổ nhục kế" để cho anh ấy không còn ý nghĩ xin tiền của bố mẹ nữa. Nếu con xin tiền làm ăn thì mẹ cho, bởi con chín chắn và làm việc luôn có kế hoạch. Còn Trung làm việc nôn nóng, hấp tấp toàn nghĩ cái trước mắt, không có kế hoạch lâu dài. Làm kinh doanh phải mềm mỏng, nói năng lịch sự lễ phép. Còn Trung thì nóng nảy việc gì cũng nổi đóa và đổ lỗi cho người khác, không chịu nhận cái sai về bản thân. Chính vì thế mẹ không tin tưởng giao khoản tiền lớn cho anh con làm kinh doanh".
Tôi sợ nếu anh Trung mà phát hiện mẹ kế không bị bệnh hiểm nghèo, anh sẽ làm khổ bà nhiều hơn. Gia đình tôi phải làm gì để giúp anh ấy có công việc ổn định đây?