Người phụ nữ lái xe hơn 30km mang đồ đến cho vợ cũ của chồng.
Theo thông tin được đăng tải, vào 7h ngày 10/1 vừa qua, một người phụ nữ giấu tên ở Từ Châu (Giang Tô, Trung Quốc) đã lên đường mang món cháo mừng ngày lễ Laba đến cho chị Tần (vợ cũ của chồng cô) và con gái của chị Tần với chồng sau.
Được biết, Laba là môt ngày lễ truyền thống của Trung Quốc được tổ chức vào ngày thứ 8 của tháng 12 theo Âm lịch. Trong ngày này, người Trung Quốc thường ăn món cháo Laba được nấu từ gạo, các loại hạt ngũ cốc và hoa quả khô.
Chị Tần và chồng trước (tức chồng người phụ nữ giấu tên) có với nhau một cậu con trai. Sau khi ly hôn, hai người thống nhất quan điểm “không có duyên làm vợ chồng thì làm bạn bè”. Đứa con trai sau đó đã chọn sống cùng bố và mẹ kế.
Tuy không phải đứa con do chính mình sinh ra, người phụ nữ giấu tên đã chăm sóc cậu bé rất tốt, không khác nào con ruột. Một nhà ba người sống hạnh phúc bên nhau, chưa từng xảy ra mâu thuẫn, cũng không có những chuyện mẹ kế - con chồng như thường thấy.
Đặc biệt, mối quan hệ giữa người phụ nữ với vợ trước của chồng cũng rất tốt đẹp. Hai người thường xuyên đến nhà thăm hỏi nhau, tình cảm thân thiết tới mức người ngoài nhầm tưởng là “chị em ruột”. Con gái của chị Tần với chồng sau cũng vô cùng yêu quý người phụ nữ, thường gọi cô là mẹ nhỏ.
“Vợ của chồng cũ tôi là một người rất tốt. Mặc dù đã ly hôn nhưng quan hệ đôi bên vẫn rất hòa hợp. Điều này rất có lợi cho sự phát triển tâm lý của con cái. Bản thân tôi cũng rất cảm động khi thấy cô ấy đối xử tốt với tôi như vậy. Đây cũng coi là một kiểu duyên phận”, chị Tần kể về vợ mới của chồng cũ.
Sau khi được đăng tải, đoạn video ghi cảnh “vợ mới đến thăm vợ cũ” lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Hành động và cách sống đẹp của hai cô vợ mới và vợ cũ nhận được nhiều lời khen từ mọi người.
“Đây chính là kỳ tích của nhân gian. Người mới và người cũ có thể đối xử tốt với nhau như vậy quả thật là điều hiếm hoi”, một cư dân mạng để lại bình luận.
Một người khác đoán: “Anh chồng này chắc chắn là một người rất tốt và ‘thấu tình đạt lý’. Đây cũng chính là tiền đề cho mối quan hệ chị em thắm thiết của hai người phụ nữ”.
Một dân mạng lại viết: “Hy vọng quan hệ của những người trưởng thành đều có thể hòa bình như vậy. Tâm sinh lý của con cái cũng không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi vấn đề bố mẹ ly hôn, gia đình ly tán”.
Cách đây không lâu, cư dân mạng xứ Trung từng được dịp xôn xao trước câu chuyện người đàn ông 16 năm chăm sóc chồng cũ của vợ.
Cụ thể, vào năm 2005, anh Zhao Jinglong ở Tùng Dương, Lệ Thủy, Chiết Giang yêu và kết hôn với chị Zhou Yuying – người phụ nữ đã có một đời chồng. Chồng cũ của chị là anh Liu Haojin, 21 năm trước gặp tai nạn rơi từ tầng ba xuống khi đang làm việc.
Cú ngã khiến anh Liu bị liệt nửa dưới cơ thể, không tự chủ vệ sinh. Gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai chị Zhou. Anh Liu đã nhiều lần chủ động đệ đơn ly hôn, thậm chí nghĩ đến việc tự tử khi thấy mình làm vợ đau khổ.
Tuy nhiên, chị Zhou khẳng định dù có lấy chồng mới cũng sẽ đưa anh Liu và con gái theo. Tới khi quen biết và nảy sinh tình cảm với anh Zhao, chị vẫn giữ suy nghĩ đó. Hai người làm đám cưới khi anh Zhao hứa xem chồng cũ của chị Zhou như anh trai và con gái chị cũng là con mình.
Kể từ đó, anh Zhao hết lòng chăm sóc chồng cũ của chị Zhou, đồng thời chú tâm làm ăn. Sau vài năm làm việc chăm chỉ, anh Zhao và chị Zhou đã trả hết số tiền vay để điều trị cho anh Liu, ngoài ra còn xây được một ngôi nhà ba tầng. Cuộc sống của bốn người có nhiều thay đổi nhưng lời hứa chăm sóc anh Liu vẫn nguyên vẹn.
Sống với gia đình mới của vợ, anh Liu đã gạt bỏ sự ngại ngùng, tự ti, dần trở nên vui vẻ. Nhờ sự giúp đỡ của hội người khuyết tật, anh mở một quán trà để chủ động hơn trong cuộc sống.