Dưới đây là những đặc điểm của các gia đình hạnh phúc
Gia đình hạnh phúc không đổ lỗi cho nhau
Để đạt được sự hòa thuận trong gia đình, điều quan trọng chính là tăng tình đoàn kết và hạn chế tối đa việc đổ lỗi cho nhau.
Có hai người hàng xóm sống cạnh nhau, nhà bên này lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, còn nhà bên kia thì thường xuyên cãi vã. Một ngày, gia đình hay cãi vã hỏi người trong gia đình yên ấm: "Bí quyết nào mà nhà anh hòa thuận thế?". Người kia trả lời: "Gia đình tôi không cãi nhau, vì nhà có quá nhiều người xấu". Theo ông lý giải, nhà ông ai cũng không hoàn hảo, ai cũng có lúc sai sót và gây ra rắc rối, vậy nên bất kể ai sai, các thành viên không đổ lỗi cho nhau, mà chân thành xem xét lại bản thân và sửa đổi sai lầm, cùng nhau giải quyết vấn đề.
Trong gia đình, khi hai người cãi vã để tìm đúng sai, họ vô tình giống như cùng kéo căng một sợi dây về hai phía, và một lúc nào đó, sợi dây đứt, tình cảm cũng tan vỡ theo. Việc đổ lỗi có thể là một thói quen cửa miệng, nhưng sẽ làm cho đối phương khó chịu, gây tổn thương, thậm chí khơi dậy ham muốn công kích phía bên kia, thay vì ý thức nhận lỗi. Sự thật là, việc đổ lỗi không giúp giải quyết triệt để vấn đề.
Một gia đình hạnh phúc, cũng như mọi gia đình khác, ngày ăn ba bữa cơm, tối cũng phải rửa bát, dọn nhà. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, các thành viên sẽ xoắn lại với nhau như dây thừng, thay vì rẽ nhánh.
Đoàn kết giống như mái nhà của một ngôi nhà. Nhờ mái nhà vững chãi, mưa gió, bão tố rồi cũng sẽ đi qua mau chóng.
Ảnh minh họa.
Các thành viên luôn làm tròn trách nhiệm của bản thân
Mỗi thành viên trong gia đình đều có nghĩa vụ và trách nhiệm riêng. Với các con phải có nghĩa vụ đi học, ngoan ngoãn, hiểu thảo với ông bà, bố mẹ. Vợ và chồng cùng nhau làm việc, chăm sóc, nuôi dạy con cái, báo hiếu cha mẹ.
Nếu mỗi thành viên trong gia đình đều làm tốt trách nhiệm của mình thì những người còn lại mới có thể yên tâm để phát triển những việc khác. Hãy nghĩ đơn giản như việc con cái ngoan ngoãn, học giỏi thì cha mẹ mới toàn tâm toàn ý phát triển sự nghiệp để mang lại cho con một cuộc sống đầy đủ hơn.
Ngoài ra, mỗi thành viên trong gia đình đều phải biết cách tự chăm sóc bản thân. Khi làm được điều đó, bạn sẽ biết cách trân trọng những giá trị của mình, tự tin, yêu đời hơn và lan tỏa niềm hạnh phúc đến những người xung quanh.
Hãy dành thời gian nhiều hơn để quan tâm đến sức khỏe, tinh thần của mình bằng cách tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm đẹp, tập thể dục... Chỉ khi nào bạn yêu thương, trân trọng chính mình thì bạn mới nhận được sự trân trọng của người khác.
Quan điểm giống nhau về giáo dục con cái
Không có cảnh kẻ đánh người bênh con. Cũng không kỳ vọng ở con cái quá nhiều. Do xác định đúng mục tiêu dạy con, nên họ không thất vọng vì con mà cả hai cùng tìm thấy niềm vui và gắn bó với nhau hơn trong việc nuôi dạy con. Và chính vì thế mà con cái các gia đình hạnh phúc thường ngoan, biết yêu quý cả bố và mẹ.
Cùng làm việc nhà
Vấn đề chia sẻ việc nhà trong mỗi gia đình tưởng chừng như là một việc rất đơn giản nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình. Chia sẻ việc nhà cùng nhau là cách chúng ta thể hiện tình cảm của mình dành cho đối phương một cách thiết thực nhất.
Phụ nữ thường bị quy kết cho cái nghĩa vụ và trách nhiệm là chăm lo việc nhà, và trong con mắt của đàn ông việc nhà hiển nhiên thuộc về đàn bà. Chính bởi cái suy nghĩ lệch lạc đó mà rất nhiều ông chồng thường có thái độ thờ ơ với việc nhà, họ thường phó mặc cho người phụ nữ. Dẫn đến chị em phụ nữ cảm thấy bực bội và phẫn nộ với thái độ vô trách nhiệm, dửng dưng đó của chồng. Vợ chồng mà ngay đến chuyện san sẻ việc nhà còn không muốn chia sẻ cùng nhau thì liệu còn cùng nhau làm được chuyện gì nữa? Đừng nói đến là cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình.