Nhiều người nghĩ rằng làm dâu hào môn là được ăn sung mặc sướng, có cơm bưng nước rót tận miệng, chẳng mấy khi phải động tay vào làm gì. Thế nhưng, không phải ai làm dâu hào môn cũng được đối xử như trân châu, ngọc báu, và chị M (41 tuổi, sống tại TP.HCM) không may là một trường hợp như vậy.
Đến với chương trình Người thứ 3, chị M cho biết năm 18 tuổi khi chị ở Đà Lạt, chị đã gặp được chồng. Anh hơn chị 5 tuổi, sinh ra trong một gia đình giàu có với 6 anh chị em ở TP.HCM. Sau 6 năm yêu xa, cả hai chính thức về chung một nhà.
Vì chồng là con cả nên chị M bỗng từ một người bệnh vặt thường xuyên trở thành dâu trưởng trong nhà. Chị phải quán xuyến tất cả mọi thứ trong gia đình chồng, rồi dần dần đánh mất bản thân, trở thành osin không lương trong nhà chồng từ lúc nào không hay.
Trong suốt những năm làm dâu, chị chưa từng ra tiệm cắt tóc, cũng chưa từng mua một bộ quần áo mới, tất cả đều là đồ mẹ chồng cho thì mặc. Thế nhưng sự hi sinh, tần tảo của chị được đổi lại bằng sự phản bội của chồng, sự thờ ơ của gia đình nhà chồng. Chị hoàn toàn bị lép vế, không có tiếng nói trong gia đình hào môn ấy.
Chị M kể, khi chị mang thai con đầu lòng, chị về nhà ngoại dưỡng thai. Khi cái thai được 8 tháng, chị về lại nhà chồng. Những tưởng đó sẽ là ngày cả gia đình đoàn tụ vui vẻ, nào ngờ lại là khoảnh khắc chị biết tin chồng mình có người phụ nữ khác bên ngoài.
Chị M chia sẻ cuộc hôn nhân của mình trong chương trình Người thứ 3.
Cả hai sống chung với nhau như vợ chồng trong lúc chị dưỡng thai ở nhà ngoại, cô nhân tình kia đã có thai khoảng 4 tháng. Đáng nói nhất chính là thái độ của mẹ chồng, bà ủng hộ anh vì cho rằng “đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường”. Thậm chí, bà còn lén chị “cưới giấu” vợ bé cho con trai.
Oái ăm thay, cô nhân tình kia cũng chỉ là “nạn nhân”. Khi bắt đầu yêu đương, cô ta không hề biết anh đã có vợ, mãi sau khi có thai mới biết anh đã có gia đình. Hay biết sự thật, cô gái đó đã không cho nhà anh nhận cháu, đồng thời cắt đứt mối quan hệ với anh.
Không còn đường lui, anh buộc trở về quỳ gối van xin vợ tha thứ. Vì không có công ăn việc làm, vì đứa con chưa chào đời, mà hơn tất cả là sợ điều tiếng của người đời về việc “gái bỏ chồng” nên chị M đành ngậm đắng nuốt cay ở lại nhà chồng.
Thế rồi chỉ 7-8 tháng sau, khi chị M mang thai bé thứ 2, anh vẫn “ngựa quen đường cũ” ngoại tình. Trong quãng thời gian mang thai, anh đối xử với chị rất tệ bạc. Chị thèm ăn cơm tấm, anh nói chị đòi hỏi, thậm chí không ít lần dùng vũ lực với chị khiến chị sinh sớm 3 tuần.
Sau khi sinh con, chị mới phát hiện chuyện chồng ngoại tình. Đáng nói cô ta cũng đang mang thai khoảng 4-5 tháng và tỏ vẻ ngơ ngác không biết anh đã có vợ con. Không đánh ghen, không làm ầm ĩ, chị M chỉ biết ngồi đó mà khóc khi đối diện với “tiểu tam” đang mang giọt máu của chồng mình.
Không chỉ vậy, anh còn sa vào cờ bạc, rượu chè, đánh đập chị thậm tệ. “Có lần chỉ vì mấy trăm nghìn mà anh đánh tôi thậm tệ. Anh dùng chân đá tới tấp vào người tôi, trên tay anh còn có con dao, hai con thấy vậy thì ôm chân bố cầu xin đừng đánh mẹ nữa nhưng anh vẫn không dừng lại. Tôi cầu cứu bố chồng thì ông ấy giả lơ: “Nó không dám giết mày đâu, không phải lo đâu”. Ký ức kinh hoàng đó có lẽ cả đời này tôi không bao giờ quên được”, chị M khóc khi nhớ lại.
Nhưng rồi chị vẫn cắn răng sống tiếp những ngày tháng địa ngục, chờ khi nào dành dụm đủ tiền để bước ra ngoài và mang theo hai đứa con. Tuy nhiên sau đó chị vẫn phải đề nghị ly hôn khi trong tay chưa có gì, vì không thể chịu được những trận đòn roi của chồng được nữa.
Chị nói chuyện với mẹ chồng, và chính bà là người làm đơn ly hôn cho anh chị như để “đã cái nư”, vì nghĩ rằng chị không dám ly hôn thật. Tới khi ra tòa thật, nhà chồng lại chửi rủa chị thậm tệ, thậm chí đổ vấy cho chị ngoại tình. Đối mặt với đông đủ 12 thành viên nhà chồng tại tòa, chị chỉ có một mình nên chỉ biết khóc.
May mắn, chị gặp được vị thẩm phán tốt bụng và cô ấy đã giúp chị giành được quyền nuôi hai con. Hậu ly hôn, chồng cũ vẫn tới quậy phá, chửi bới chị là thứ lăng loàn, bỏ chồng đi theo trai, thậm chí dọa nạt không để chị sống yên ổn.
Tới hiện tại, cuộc sống của chị M đã ổn định hơn khi có công ăn việc làm và tự kiếm ra tiền. “Hai con của tôi rất ngoan và nghe lời tôi. Tôi mong các bạn trẻ sau này nếu gặp phải câu chuyện giống tôi thì hãy mạnh dạn đứng lên, bảo vệ quyền lợi mà mình đáng được nhận. Không có gì là mình không làm được, chỉ là mình có dám làm hay không thôi”, chị M nhắn nhủ trong chương trình Người thứ 3.