Vợ tôi hơi chút lại dỗi dằn, dọa ly hôn. (Ảnh minh họa)
Chúng tôi cưới nhau gần một năm rưỡi mà chưa có con khiến cả hai gia đình nội ngoại đều rất nóng ruột, chúng tôi cũng vậy. Trong thời gian này, không dưới 3 lần cô ấy đòi ly dị vì những lý do bột phát. Rồi chúng tôi cũng nhận được tin vui, cô ấy có thai, cả hai bên nội ngoại họ hàng đều mừng, tuy nhiên trong thời gian mang thai lại xảy ra khá nhiều mâu thuẫn.
Tính tôi hơi khô khan, không hay thể hiện tình cảm kiểu như vuốt ve bụng vợ, nói chuyện với con trong bụng. Khi hay tin vợ siêu âm con trai tôi rất vui mừng nhưng cũng không có thói quen thể hiện niềm vui của mình. Tính tôi thế biết làm sao được?
Vì thế, cô ấy lại suy nghĩ lung tung và đã nói rằng "nếu không vì có thai thì em đã li dị anh rồi". Sao mà hai tiếng “li dị” được cô ấy mang ra sử dụng một cách đơn giản và dễ dàng đến thế, dễ như hai từ “chia tay” khi chúng tôi đang mới hẹn hò với nhau vậy.
Nhìn lại mình, tôi thấy mình cũng không đến nỗi nào, một công chức nhà nước có ngoại hình dễ nhìn, luôn hết mình vì công việc, luôn được đồng nghiệp quý mến, không hút thuốc lá, không nhậu nhẹt quá đà, không trai gái, luôn tham gia các hoạt động thể thao như cầu lông chẳng hạn, trước đây cô ấy cũng tham gia với tôi. Tôi luôn tìm niềm vui trong công việc. Với mọi việc đều có hướng giải quyết tích cực, không vì buồn phiền chán nản mà suy nghĩ hay làm những việc không hay.
Vợ tôi cũng là một người tốt, tuy hơi ích kỷ, quá bộc trực, muốn là phải được và luôn nghĩ là mình đang sống hy sinh cho người khác. Cuộc sống của chúng tôi ổn nếu nhìn từ bên ngoài: có một cậu con trai kháu khỉnh, nhà cửa khang trang, công việc ổn định. Vậy mà không hiểu sao cô ấy cứ hơi tí lại đòi ly hôn?
Thí dụ như lần gần đây nhất là tuần trước cô ấy đã viết đơn ly hôn đề nghị tôi ký, chỉ vì trong khi cho con ăn cô ấy nổi nóng mắng là bé khó ăn do bà và dì quá nuông chiều. Tôi đã không kìm được nóng giận mắng vợ một câu: "Không đút cho con ăn được thì đứng dậy để tôi đút ".
Còn rất nhiều, rất nhiều lý do khác nữa như cô ấy luôn cằn nhằn to tiếng với mẹ tôi chỉ vì bà chưa cho bé uống sữa, với em gái tôi khi không chịu cho cháu về nhà cô ấy chơi cuối tuần, hoặc khó chịu khi tôi quá thương con gái cô khi nó bị ngã.
Nhiều lúc tôi cũng muốn buông xuôi, nhưng nghĩ lại con tôi còn quá bé. Mặt khác tôi cũng rất sợ mẹ tôi buồn. Tôi đã không ký vào tờ đơn của cô ấy viết sẵn và cũng đã nói thẳng với cô ấy nếu như khi yêu nhau hai từ "chia tay" không có trong tôi thì sau khi cưới nhau hai từ "ly dị" cũng không bao giờ có trong tôi.
Tôi rất buồn khi nhận thấy đã làm mẹ tôi phải phiền lòng. Tôi phải làm gì để cô ấy từ bỏ ý định ly hôn, không bao giờ nói đến hai từ đó nữa?
Trung Thành (Hà Nội)
Chuyên gia tâm lý Trịnh trung Hòa trả lời:
Bạn thân mến!
Thống kê cho thấy, những đôi vợ chồng trẻ ly hôn sau khi đứa con đầu ra đời được một vài năm chiếm tỷ lệ không nhỏ. Bởi vì từ khi có con nhỏ, vợ chồng phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trước đây. Đứa trẻ đòi hỏi sự chăm sóc, chiếm mất rất nhiều thời gian của cha mẹ.
Hãy dành nhiều thời gian quan tâm đến vợ hơn. (Ảnh minh họa)
Người vợ không đi làm được, kinh tế cũng kém đi. Vợ cảm thấy cô đơn buồn tủi vì chồng đi vắng suốt ngày. Chính vì thế hai người không còn thời gian và sức lực chăm sóc cho mối quan hệ tình cảm vợ chồng. Có thể ý muốn ly hôn của cô ấy chỉ là bột phát như bạn nói chứ không phải là suy nghĩ chín chắn.
Bởi vì người phụ nữ có con đi bước nữa đâu phải dễ dàng và chắc gì đã tìm được người chồng tốt hơn bạn? Không nghiện hút, không cờ bạc, trai gái, không bạo hành. Tuy nhiên bạn vẫn nên nhìn lại bản thân và điều cần làm không phải là đòi cô ấy thay đổi mà chính bạn phải thay đổi.
Tôi công nhận bạn có nhiều ưu điểm nhưng bạn cần nhận ra mình có một nhược điểm lớn là tuy bạn yêu vợ và có trách nhiệm với gia đình nhưng bạn thiếu một kỹ năng cơ bản mà người vợ nào cũng cần, đó là kỹ năng thể hiện tình yêu với vợ.
Dù bạn có yêu vợ đến mấy nhưng thiếu kỹ năng đó cũng không thể làm người vợ hạnh phúc. Ngày nay chỉ cần hôn nhân không hạnh phúc người ta đã thất vọng và muốn ly hôn rồi. Bạn không thể nói “tôi không bao giờ ly hôn” thì hôn nhân của bạn sẽ bền vững mãi mãi.
Ngày nay chỉ cần một trong hai người không muốn chung sống nữa là người ta đã có thể đơn phương ly hôn rồi. Cho nên muốn hôn nhân bền vững bạn phải xem vì sao vợ bạn muốn ly hôn và bạn có thể làm gì để cô ấy từ bỏ ý định đó?
Vì thế bạn nên dành thời gian trò chuyện hỏi han vợ. Nếu bạn đi làm về lại quây vào con, không quan tâm gì tới vợ thì thử hỏi cô ấy vui với ai? Trò chuyện với ai? Tâm trạng sẽ buồn phiền sinh ra cáu gắt, nảy sinh cả mâu thuẫn với mẹ chồng. em chồng. Bạn đã tự nhận là người đàn ông ít bộc lộ tình cảm, đúng như vợ bạn đã trách. Vậy bạn phải sửa chữa điều đó.
Người mẹ nào cũng thích âu yếm con nhưng suốt ngày ở nhà với đứa trẻ chưa biết gì, ai cũng mong có người trông con cho một lúc để tắm gội, ra ngoài gặp gỡ mọi người. Hiểu được nhu cầu đó, đi làm về bạn cố gắng bảo vợ để anh chơi với con một lúc nào? Sáng dậy hỏi vợ xem đêm con quấy, em có ngủ được không? Hỏi han vợ ở nhà có buồn không em? Ăn thế có đủ sữa không? Có hợp khẩu vị em không? Khi con ngủ, trò chuyện với vợ một lúc với vẻ ân cần âu yếm như khi xưa bạn từng làm.
Những cử chỉ ân cần như thế rất dễ làm phụ nữ cảm động. Điều vợ bạn chán nhất ở bạn là không có những lời nói và cử chỉ âu yếm như xoa bụng vợ khi có thai chẳng hạn. Tôi nghĩ rằng tất cả những việc đó không có việc nào vượt quá khả năng của bạn, chỉ có điều bạn có muốn thay đổi từ một người ít bộc lộ tình cảm thành người chồng sống chan hòa với vợ không?
Nếu bạn làm được như thế, tôi tin chắc vợ bạn sẽ không nghĩ đến ly hôn và quan hệ vợ chồng sẽ dần trở lại tốt đẹp. Còn nếu bạn nói “tôi chỉ có thể thôi”, khẳng định là bạn không bao giờ ly hôn nhưng cũng không thay đổi gì hết thì bạn đã đẩy cuộc hôn nhân đến chỗ bế tắc không lối thoát.
Như vậy là tôi đã tìm ra hướng giải quyết mà bạn hoàn toàn có thể làm được, phần còn lại phụ thuộc vào quyết tâm của bạn thôi nhưng tôi tin là bạn sẽ vượt qua được. Chúc bạn thành công!