Cách đây hơn 1 năm, tôi sinh 3 tự nhiên, cả ba đứa trẻ đều chào đời khỏe mạnh nên gia đình hai bên mừng lắm, bởi ông bà nội ngoại đều thích đông con cháu. Sau sinh, cũng may có mẹ đẻ ở gần nên qua chăm con giúp tôi, còn bố mẹ chồng ở xa thì liên tục tiếp tế đồ ăn từ quê lên.
Khi các con gần được 1 tuổi, chị dâu ở nước ngoài sắp sinh nên mẹ tôi lại bay sang đó chăm chị dâu, giữ cháu nội. Các con còn quá nhỏ để đi nhà trẻ, thuê bảo mẫu lại tốn kém, mà tôi nghỉ làm trông con thì gánh nặng kinh tế sẽ đổ dồn lên chồng, như vậy không đủ chi phí trang trải sinh hoạt hàng ngày. Suy đi tính lại, vợ chồng tôi đành phải nhờ mẹ chồng lên chăm cháu hộ để tôi đi làm.
Mẹ chồng tuy thuần tính nhưng cả đời chưa chưa bước chân ra khỏi lũy tre làng nên khi lên thành phố chăm cháu, tôi và mẹ thường xuyên xảy ra xích mích vì bất đồng lối sống, từ nếp ăn nếp ở đến việc chăm sóc cháu. Chẳng hạn như nhà có máy tiệt trùng, máy hâm sữa thì bà toàn dùng nước sôi tráng bình sữa. Nhà có máy giặt, máy sấy mẹ lại toàn giặt tay.
Hay nhà có đèn đuổi muỗi, kem bôi muỗi cho cháu mà bà toàn quên. Biết rằng một người chăm sóc 3 đứa trẻ không hề dễ dàng, nhưng trước đây mẹ tôi chăm 3 cháu đâu xảy ra những chuyện thế này. Cho nên về thấy con bị muỗi cắn mấy đốt trên người, hay các con giành đồ chơi cào nhau trầy mặt, tôi không khỏi xót con, khó tránh khỏi có những lúc nặng lời với mẹ chồng. Mẹ không nói gì, chỉ ừ ừ gật gật rồi sau vẫn quên.
Tôi và mẹ chồng thường xuyên xung đột về cách chăm con, chăm cháu. (Ảnh minh họa)
Nháy mắt, mẹ chồng đã ở đây chăm con hộ tôi được nửa năm. Mẹ chưa được nghỉ ngày nào. Rồi một chuyện xảy ra đã khiến tôi thay đổi thái độ với mẹ chồng.
Hôm đó tôi đi làm về sớm. Đến nhà thì thấy mẹ chồng đang lúi húi nấu ăn trong bếp, bà lấy 3 đoạn dây dài buộc vào chân các con tôi, đầu dây bên kia quấn quanh bụng mình. Ba thằng nhóc ngoan lắm, ngồi yên xem bà nấu nướng. Thấy tôi đứng ở cửa, mẹ vội vàng tháo dây ở chân ra cho các cháu rồi giải thích:
- Không phải mẹ trói chân trói tay chúng nó đâu. Mẹ nấu ăn nên không trông chừng mấy đứa được, sợ chúng nó bò lung tung vớ phải cái này cái nọ nguy hiểm nên đành phải làm vậy. Nhà bếp hơi bẩn một tí nhưng chút nữa mẹ nấu ăn xong tắm cho chúng là sạch sẽ ngay.
Tôi chưa từng nghĩ đến việc mẹ chồng đã phải vất vả chăm sóc bọn trẻ một mình như vậy. Thậm chí mẹ còn phải làm thế này để trông chừng 3 đứa trẻ khi đang nấu ăn.
Về nhà thấy cảnh tượng trong bếp tôi thấy hối hận vì trước đây luôn khó chịu với mẹ chồng. (Ảnh minh họa)
Ngẫm lại lúc nào vợ chồng tôi về đến nhà cũng có cơm canh nóng hổi, nhà cửa bừa bộn nhưng đến tối mẹ chồng dọn chút là xong. Quan trọng nhất là 3 đứa con sạch sẽ, được ăn uống đầy đủ, tối về gặp bố mẹ chỉ lo đùa giỡn. Tính ra số lần tôi cho con ăn, tắm cho con tính trên đầu ngón tay, vì tính chất công việc chủ nhật tôi cũng không có ngày nghỉ.
Mẹ vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ phàn nàn lấy một lời, còn tôi chỉ biết trách móc mà không biết thông cảm hay làm bớt việc cho mẹ đỡ vất vả. Cũng nửa năm nay mẹ chưa được về quê thăm bố lấy một lần, kể cả ngày lễ Tết, có lẽ sắp tới tôi sẽ xin nghỉ phép thêm vài ngày để đưa cả gia đình cùng về quê trong dịp lễ.
Hôm sau tôi mua cho mẹ bộ quần áo rồi thủ thỉ nói lời xin lỗi với mẹ. Mẹ cười xòa hiền từ bảo: “Người già niềm vui duy nhất là được quây quần bên con cháu, các con không chê mẹ phiền, nhà quê là tốt rồi. Giữa mẹ con, người nhà với nhau không phải nói mấy câu khách sáo như vậy!”.
Ngẫm lại, tôi thật may mắn khi có một người mẹ chồng tốt như vậy. Chắc rơi vào nhà khác có lẽ nhà cửa đã ầm ĩ, mẹ chồng nàng dâu xung đột tới mức không ở được với nhau nữa rồi.