Cùng chồng vượt qua tai nạn kinh hoàng
“Khi yêu nhau, hai người có thể rất lãng mạn, mãnh liệt nhưng khi đã là vợ chồng thì chỉ cần đơn giản và thực tế. Chữ yêu bây giờ chuyển thành chữ thương nhiều hơn, chỉ cần bình yên nắm tay người đi giữa nhân gian là đủ”.
Đó là điều Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (25 tuổi, quê Thanh Hóa) rút ra được sau 2 năm yêu, 5 năm bước vào hôn nhân và 8 tháng đồng hành cùng chồng sau tai nạn kinh hoàng.
Tiến Lực và Ánh Nguyệt kết hôn sau 2 năm yêu nhau
Ánh Nguyệt và Lưu Tiến Lực (31 tuổi, quê Ninh Bình) kết hôn vào năm 2019. Cặp đôi có cuộc hôn nhân êm đềm bên cô con gái 4 tuổi.
Nguyệt vẫn nhớ những năm tháng bình yên trước đây, khi cả hai cùng làm chung công ty. Lực làm tại xưởng, Nguyệt làm ở bộ phận văn phòng. Mỗi chiều tan ca, Nguyệt đợi chồng trước cổng công ty, cả hai chở nhau về, cùng đi chợ, nấu ăn, làm việc nhà và chơi với con. Khoảng thời gian đó, Nguyệt luôn mãn nguyện với cuộc hôn nhân của mình.
Đêm 14/11/2023, trên đường đi chơi cầu lông về, khi chỉ còn cách nhà mấy trăm mét, Lực gặp tai nạn kinh hoàng.
“Lúc ấy là 23h, nghe tin chồng gặp nạn, mình bàng hoàng, chân tay bủn rủn. Đưa chồng vào viện, mình vẫn hy vọng anh bị nhẹ, điều trị vài ngày là được về. Nào ngờ, bác sĩ nói, nguy cơ tử vong của anh là 90%”, Nguyệt kể.
Tiến Lực bị chấn thương sọ não nặng. Bác sĩ quyết định mổ gấp và nói Nguyệt cần chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất. Lúc này, chỉ có hai vợ chồng ở viện, Nguyệt phải quyết định mọi chuyện, làm tất cả thủ tục. Dù bàng hoàng, Nguyệt vẫn không rơi giọt nước mắt nào, bình tĩnh xử lý mọi việc.
Tiến Lực phục hồi kỳ diệu sau tai nạn
3 tiếng ngồi bên ngoài chờ đợi bác sĩ phẫu thuật cho chồng là khoảng thời gian khó khăn nhất Nguyệt từng trải qua. Ca phẫu thuật thành công nhưng tỉ lệ tử vong của Lực vẫn là 60%.
Một ngày sau ca phẫu thuật, bác sĩ thông báo Lực bị phù não nặng, vùng tổn thương rộng, tỉ lệ sống thực vật là rất cao.
Nhìn chồng nằm giữa đống dây dợ, suy nghĩ của Nguyệt hỗn loạn. Cô nuối tiếc những ngày tháng bình yên trong quá khứ, hoang mang về tương lai vô định. Một tuần đó là khoảng thời gian suy sụp nhất của cô.
Thế nhưng, khi ở bên cạnh chồng, Nguyệt vẫn chỉ kể những chuyện vui. Nguyệt tin rằng, dù chồng đang trong tình trạng thực vật thì vẫn nghe được lời vợ nói. Mỗi ngày trôi qua, cô cầu mong chồng giữ được sự sống, không cần biết sau này anh thế nào.
Nguyệt tìm hiểu các bài tập thụ động tay chân, giúp chồng thay đổi tư thế nằm để cơ thể không bị ảnh hưởng. 7 ngày sau ca phẫu thuật, Lực tỉnh lại, chỉ mở được một mắt, phản xạ chậm.
Những ngày sau đó, Lực hồi phục tốt, có thể tự thở rồi tự ăn, dù chỉ là vài thìa cháo loãng. Lực được chuyển xuống khoa hồi phục chức năng và hành trình phục hồi bắt đầu từ đây.
“Anh Lực nặng 75kg, mình phải nhờ người hỗ trợ mới có thể đỡ anh ngồi vào xe lăn. Hành trình gian nan nhưng mình luôn có niềm tin anh sẽ hồi phục”, Nguyệt tâm sự.
Một tháng 20 ngày sau ca phẫu thuật, Lực nói được từ đầu tiên. Nguyệt nhớ như in ngày hôm ấy, cô đưa anh cầm chiếc vợt cầu lông để tăng phản xạ, bởi cầu lông là môn thể thao anh yêu thích. Lực có thể phe phẩy chiếc vợt, tự giơ được cánh tay phải lên cho vợ mặc áo. Thế rồi, Nguyệt thấy Lực rơi nước mắt.
“Mình nhận ra anh đã có nhận thức, liền hỏi: ‘Anh có biết em là ai không?’. Anh ấy trả lời ‘Có’. Một từ có rất nhỏ cũng đủ khiến mình xúc động. Hôm ấy, mình ngồi một góc hành lang òa khóc”, Nguyệt kể.
Hành trình hồi phục kỳ diệu
Kể từ tháng thứ 4 sau ca phẫu thuật, một mình Nguyệt đồng hành bên chồng. Mỗi ngày, Nguyệt cùng chồng đi qua 5 phòng kỹ thuật, thực hiện 5 bài tập phục hồi khác nhau, tổng số lần nâng lên nâng xuống khoảng 40 lần.
Tiến Lực được vợ hỗ trợ hết mình trong hành trình hồi phục
Vất vả là vậy nhưng Nguyệt vẫn thấy may mắn vì chồng phục hồi tốt, có thể đi tiểu một cách tự chủ. Trước đó, mọi hoạt động vệ sinh cá nhân, cô đều phải hỗ trợ chồng.
Sau ca ghép sọ, Lực được chuyển về bệnh viện ở Thanh Hóa tập phục hồi chức năng. Nguyệt tiếp tục đồng hành cùng chồng, cùng anh phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nguyệt khoe, sau 8 tháng điều trị, giờ đây Lực đã có thể chống gậy đi lại, tinh thần minh mẫn, lạc quan. Anh đã có thể tự chủ mọi việc như ăn uống, vệ sinh cá nhân, chơi cùng con gái. Vợ chồng Nguyệt cũng đã được về nhà, chuẩn bị trở lại Ninh Bình, bắt đầu một cuộc sống bình thường.
Nguyệt gọi 8 tháng qua là một hành trình kỳ diệu khi chồng có thể vượt qua cửa tử và hồi phục như hiện tại. Sau biến cố lớn, vợ chồng Nguyệt càng thêm gắn kết vì đã hiểu rõ thế nào là “vợ chồng hoạn nạn có nhau”.
Nguyệt dần đưa tổ ấm của mình trở lại cuộc sống bình thường
Trong quá trình chăm sóc chồng, Nguyệt chia sẻ những clip, hình ảnh của cả hai lên mạng xã hội. Cô xem đây là cách lưu giữ kỷ niệm để sau này nhìn lại, họ càng quý trọng hơn những giây phút bình yên.
Nguyệt không ngờ, clip của mình lại được mọi người quan tâm, yêu thương như vậy. Cô đọc cho chồng nghe những lời động viên, khích lệ của mọi người để anh có thêm động lực tập luyện phục hồi.
“Mình từng thấy bản thân bất hạnh, nhưng rồi lại thấy mình quá may mắn khi chồng hồi phục được như hôm nay. Phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng mình tin gia đình mình có thể vượt qua”, Nguyệt chia sẻ.
Tiến Lực tâm sự, anh thương vợ khi 8 tháng qua, vợ vì anh mà thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, đến bữa cơm cũng phải ăn trong vội vàng.
Anh mong bản thân sớm hồi phục, để trở thành chỗ dựa vững chãi cho vợ và con gái nhỏ. Trải qua biến cố, anh càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.