Tôi cảm thấy bố chồng đích thị là "bà mẹ chồng" thay thế. (Ảnh minh họa)
Ngày mới yêu chồng tôi bây giờ, tôi vẫn luôn lo lắng về việc phải sống chung với mẹ chồng tương lai. Bởi tôi đã từng được nghe, chứng kiến nhiều bạn bè của mình khổ sở khi phải sống chung với mẹ chồng. Chồng tôi khi đó đã ra sức an ủi tôi là mẹ anh hiền lành và cũng sẽ không phải sống chung vì nhà có 2 anh em.
Tôi vẫn luôn lo sợ cho tới khi về ra mắt nhà chồng. Hôm đó, tôi phụ mẹ chồng nấu cơm. Trong lúc làm thịt rang tôi không may để thịt cháy. Tới lúc dọn cơm mọi người hỏi ai nấu món thịt đó thì mẹ chồng nhanh nhảy nhận cứu nguy cho tôi. Sau lần ấy, tôi cảm thấy rất vui. Mọi lo lắng về mẹ chồng tương lai của tôi tan biến. Quả thực về làm dâu trong gia đình suốt thời gian qua, tôi luôn cảm thấy mình may mắn vì đã có một người mẹ chồng tâm lý.
Thế nhưng với bố chồng thì lại khác. Ông là người khá kiệm lời. Tôi ít được tiếp xúc với bố chồng hơn vì gia đình nhà chồng ở xa. Mẹ chồng còn thường xuyên lên chơi với gia đình tôi. Cũng bởi vậy mà tôi không hiểu hết được con người của ông.
Hai năm lấy chồng nhưng Tết này là Tết đầu tiên tôi về nhà chồng ăn Tết. Năm đầu tiên chồng tôi bị ốm đúng dịp Tết nên cả nhà không về quê. Những ngày qua ở quê chồng ăn Tết, tôi mới hiểu hơn về bố chồng của mình.
Tôi chưa từng thấy người đàn ông nào lại nhỏ mọn, thích chỉ đạo như vậy. Ông tính hà tiện và rất giỏi bới lông tìm vết để làm khó mọi người. Mỗi khi ngồi ăn cơm hay uống trà là ông lại đưa chén/bát lên ngửi xem rửa có sạch không, có còn mùi nước rửa bát…
Thời tiết những ngày ăn Tết ở quê chồng năm nay thật sự rất lạnh. Trời rét căm căm, bát đĩa ăn dầu mỡ bám chặt rất khó rửa. Nhà bố mẹ chồng không có nước nóng để rửa bát cũng chẳng có gang tay, tôi mới đun một nồi nước để rửa. Vậy mà bố chồng tôi nhìn thấy vậy liền nói tôi hoang phí. "Trời lạnh dưới 10 độ mà người ta còn ra đồng cấy, có tí bát này mà bày vẽ đun nước nóng rửa. Chỉ được cái hoang phí là tài" – bố chồng tôi nói.
Mẹ chồng tôi nói đỡ: "Ông làm gì mà phải nói thế. Trời lạnh thế này bát đầy dầu mỡ, con nó rửa bằng nước nóng cũng sạch hơn mà bát cũng khô hơn. Ông cứ để đấy cho con nó làm". Thấy mẹ chồng tôi nói vậy, bố chồng tôi bước vào phòng khách rồi đóng sầm cửa lại khiến tôi giật bắn người.
Chồng tôi đi chúc Tết về, ông liền nói với chồng tôi rằng: "Cái Hoài nó càng ngày càng hỗn đấy, thằng Sinh xem mà dạy bảo lại vợ đi nhé đừng để tôi phải nói nhiều". Tôi chẳng hiểu vì sao bố chồng tôi lại nói với tôi như vậy. Bởi từ ngày về làm dâu tuy không sống cùng bố mẹ chồng nhưng tôi luôn quan tâm, lo cho ông bà từng thứ nhỏ nhất. Chưa khi nào tôi làm phật ý bố mẹ chồng.
Chỉ mấy ngày ở Tết quê chồng, tôi thật sự choáng váng và thấy thương mẹ chồng khi phải sống cùng với một người đàn ông khó tính, ghê gớm vậy. Tôi cảm thấy bố chồng đích thị là "bà mẹ chồng" thay thế. Nhưng cái kiểu ghê gớm của đàn ông còn đáng sợ, hãi hùng gấp nhiều lần đàn bà. Ngay Tết đầu tiên về quê chồng mà bố chồng tôi đã khiến tôi có cái nhìn thiếu thiện cảm về ông.