Vợ chồng chị Thảo - anh Hùng cưới nhau đã 3 năm, nhưng họ không mấy khi trò chuyện vui vẻ với nhau quá 5 phút. Chị đi xem bói, ông thầy phán là do hai vợ chồng "khắc khẩu", nhưng không thể bỏ nhau được, mà cứ "ông chẳng bà chuộc" cả đời. Nguyên nhân cãi nhau nhiều vô cùng, ví như nhà có khách, chị Thảo than thở nhiều việc cơ quan, về nhà lại túi bụi chuyện cơm nước, con cái nên chẳng có thời gian đi thăm thú họ hàng, bạn bè. Anh chồng nghe vợ nói thế thì quên cả nhà có khách, hùng hổ mắng vợ là khó tính, lắm lời. Thế là chị Thảo cũng "bốc hỏa", kêu: "vợ nhờ việc gì cũng chần chừ, chậm chễ, hoặc làm qua quýt cho vợ ngứa mắt lần sau khỏi nhờ..." và khách trở thành ngòi nổ cho cuộc khẩu chiến mới của họ.
Đã có những trường hợp cãi nhau để lại hậu quả lớn, như cặp vợ chồng cuối xóm nhà chị Thảo - anh Hùng. Bố mẹ vợ ly hôn, chị vợ mang nỗi đau trong mình nhưng cố gắng để không đi vào vết xe của mẹ.
Chồng chị biết "yếu điểm" của vợ, nên mỗi khi cãi vã lại lôi mẹ vợ ra để mỉa mai. Đỉnh điểm là khi em gái chị vợ bị gia đình người yêu không chấp nhận hôn nhân vì có bố mẹ ly hôn, anh chồng đã không thông cảm, còn châm chọc: "Mẹ em bỏ chồng nên nhà trai sợ là phải". Đang buồn vì chuyện em gái, nghe chồng nói vậy, chị vặc lại bảo nhà chồng bố mẹ không ly hôn, nhưng em trai hút chích, nghiện ngập, bố cũng rượu chè be bét, tốt đẹp gì đâu! Hậu quả là họ đưa đơn ra tòa.
Đã có những cặp khắc khẩu làm tổn thương nhau tới mức phải ly hôn. Ảnh minh họa.
Chuyện hai vợ chồng không hợp nhau khoản ăn nói là bình thường trong hôn nhân, so với những lo toan cơm áo gạo tiền thì không lớn. Nhưng nếu không biết kiềm chế, dùng từ ngữ thô tục, bạo lực... để sự khắc khẩu được tự tung tự tác, không biết nghĩ đến cảm xúc của đối phương, mà chỉ nhằm thỏa mãn sự hiếu thắng và ý muốn của bản thân thì khắc khẩu trở thành kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình, khiến cuộc sống gia đình như địa ngục, không thể nhìn mặt nhau nữa.
Để tránh khắc khẩu, hai vợ chồng cần biết:
1. Chấp nhận sự khác biệt: Hai vợ chồng sinh ra ở 2 môi trường khác nhau, giáo dục khác nhau… và có những người bạn và người thầy cũng khác… nên cách tư duy và nhìn nhận sự việc, cách đối nhân xử thế cũng rất khác nhau - khiến đối phương không hài lòng. Nhưng đã yêu thương nhau thì hãy chấp nhận điều đó, cách yêu luôn cả những điểm chưa hoàn hảo ở "nửa kia".
2. Không đòi hỏi bạn đời thay đổi: Những thói quen ăn uống, sở thích, lịch sinh hoạt… có thể tự thay đổi. Nhưng quan điểm sống và hệ giá trị cốt lõi thì vĩnh viễn không thể nào thay đổi được. Vì thế đừng ép buộc hay đòi hỏi đối phương phải thay đổi, mà bạn hãy thay đổi trước, và thế giới xung quanh cùng "nửa kia" sẽ thay đổi theo bạn (nếu bạn chấp nhận).
Dù không đồng tình với lý lẽ của bạn đời cũng đừng vội phản ứng ngay mà xúc phạm nhau. Ảnh minh họa.
3. Yêu thương vô điều kiện: Hãy yêu thương nhau vô điều kiện và không đưa ra bất cứ một mong cầu hay đòi hỏi nào. Hãy cảm thông và bao dung với nhau, cùng nhau nhìn về một hướng đó là hạnh phúc chứ đừng quay vào nhìn nhau để soi mói khuyết điểm của người kia. Hãy yêu và dành sự quan tâm cho bạn đời theo cái cách mà họ muốn và cần chứ không phải theo cách mà bạn muốn.
4. Tôn trọng, lắng nghe: Bản lĩnh của một người là biết lắng nghe. Cho dù bạn có không hiểu hay không đồng tình với những lý lẽ của bạn đời thì cũng đừng vội phản ứng ngay, hãy để cho họ được giãi bày hết. Hãy lắng nghe bằng thái độ tôn trọng, tuyệt đối không được hạ bệ hay xúc phạm đối phương. Có thể với bạn quan điểm đó là sai, phản khoa học… nhưng với sự hiểu biết và góc nhìn của đối phương nó lại là đúng. Khi yêu nhau thật lòng thì sự đúng sai không quan trọng bằng hạnh phúc.
5. Hãy biết điểm dừng: Cuộc sống hôn nhân sẽ thật tẻ nhạt nếu chúng ta không bao giờ nói gì với nhau, không bao giờ tranh luận gì, mỗi người theo đuổi những mối bận tâm riêng của mình. Những cuộc tranh cãi sẽ là thứ gia vị tuyệt vời của hôn nhân nếu cả hai biết điểm dừng đúng lúc. Chúng ta hãy hơn thua với người ngoài đừng hơn thua với gia đình của mình. Đừng để những cuộc tranh cãi nảy lửa dẫn đến bạo lực thậm chí là xa nhau.
Tranh cãi luôn mang xu hướng tiêu cực nhiều hơn. Ảnh minh họa.
Nếu tranh cãi luôn mang xu hướng tiêu cực nhiều hơn, người nói không có người nghe, ai cũng "nhảy bổ" vào miệng người khác – thì tranh luận có khác.
Tranh luận là đưa ra những lý lẽ để thuyết phục đối phương, theo một chiều hướng tích cực và lành mạnh. Trong hôn nhân vợ chồng tranh luận có nhiều tác dụng, như giải quyết mâu thuẫn, tăng niêm tin, có được tiếng nói chung, thể hiện sự quan tâm góp ý giúp đối phương trở nên tốt hơn, hòa hợp hơn… và cùng nhau vượt qua mọi chuyện, những bất mãn được chia sẻ với nhau sẽ giúp xây dựng mối quan hệ vững chắc hơn…
Nhưng tranh luận cũng phải có nghệ thuật 'thiện chiến' chứ không 'tuyên chiến', không đi quá giới hạn làm tổn thương đối phương. Và dù căng mấy cũng phải nghĩ là chỉ giải quyết vấn đề, giúp hai người hiểu nhau hơn chứ không phải dẫn tới 'chiến tranh lạnh'. Nhiều khi vợ dùng vũ khí dịu dàng, thậm chí là... nước mắt lợi hại đã khiến chồng mềm lòng.
Tranh luận giúp xả bỏ bực bội, biến cơn giận thành "cuộc yêu" mãnh liệt. Ảnh minh họa.
Dù tranh luận, hay trãnh cãi cũng ảnh hưởng tới tỉ lệ hạnh phúc, đã có nghiên cứu cho thấy hơn 50% những người tham gia cuộc khảo sát thành công trong hôn nhân phụ thuộc vào mức độ tranh luận giữa hai vợ chồng.
Có những cặp tranh luận nhiều hơn 1 lần mỗi tuần sẽ giúp cho sự giao tiếp cởi mở hơn giữa hai người - khiến mỗi lần cãi nhau xong họ lại chiều và thương nhau hơn. Đó là do sau khi xả hết những bực bội hai vợ chồng giải phóng lượng lớn Endorphin - chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ - tạo cảm giác tích cực, khỏe hơn, cảm xúc tốt gia tăng, mâu thuẫn được hòa giải, cơn giận lập tức biến đổi thành ham muốn, khiến cuộc yêu trở nên mãnh liệt hơn.
Trong hôn nhân thế nào cũng xảy ra những va chạm về mặt ngôn từ. Hãy tĩnh tâm lắng nghe một cách kiên nhẫn, phản hồi một cách tôn trọng thì có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc.