Vợ chồng tôi kết hôn 3 năm vợ mới mang thai. Khỏi phải nói tôi vui mừng và hạnh phúc cỡ nào. Mẹ tôi cũng rất vui vì sắp có cháu nội sau khoảng thời gian dài mong ngóng.
Lần đầu tiên vợ đi siêu âm, cô ấy không nói với chồng, mà chỉ mang phiếu siêu âm về. Ngắm nhìn đứa con chưa thành hình, tôi vui đến mất ngủ, ngày nào cũng mang ảnh siêu âm của con ra xem.
Từ khi mang thai, vợ tôi cũng được cưng chiều không cần phải động tay làm việc gì cả. Trước đó cô ấy vốn đã nghỉ việc nên đợt này chỉ ở nhà dưỡng thai và nghỉ ngơi.
Mấy tháng sau đó, vợ tôi đều đi siêu âm một mình lúc chồng đi làm, rồi mang hình ảnh siêu âm về cho tôi xem. Dù trước đó tôi đã dặn vợ hôm nào có lịch siêu âm thì báo trước để tôi xin nghỉ về sớm đưa vợ đi.
Vợ tôi thì cư xử khá bất thường. (Ảnh minh họa)
Ban đầu tôi không nghĩ ngợi nhiều nhưng dặn đi dặn lại mà cô ấy vẫn quên thì tôi bắt đầu lấy làm lạ. Phụ nữ có thai lúc nào chẳng muốn được chồng đưa đi khám thai, vừa ấm áp tình cảm lại có cảm giác an toàn. Song vợ tôi thì cư xử khá bất thường.
Hôm vừa rồi, theo như ngày vợ thông báo mang thai thì cô ấy đã có bầu được 4 tháng. Tháng này chưa thấy vợ đưa phiếu siêu âm nên tôi kiên quyết bảo vợ lên xe để mình chở đi khám. Vợ tôi lúng túng bảo cô ấy đang mệt hẹn hôm sau sẽ đi nhưng ngày tiếp theo tôi có cuộc họp quan trọng, sợ là không có thời gian. Ngoài ra thấy thái độ của vợ khả nghi, tôi ép cô ấy đi bằng được.
Đến phòng khám thai, vợ bài xích không muốn vào khiến tôi càng tin cô ấy có điều giấu giếm mình. Khả năng duy nhất chỉ có thể là vợ giả mang thai lừa chồng mà thôi. Nếu đã vậy thì phải siêu âm để có bằng chứng, cô ấy không thể chối cãi được nữa.
Chắc cô ấy lấy ảnh siêu âm trên mạng chỉnh sửa lại. Vợ tôi dáng người hơi đậm nên cũng có chút bụng mỡ. Bình thường mang thai 4 tháng chưa thấy bụng nhiều nên tôi cũng chẳng nghi ngờ gì.
Vậy nhưng kết luận của bác sĩ lại khiến tôi phải bàng hoàng:
“Vợ anh không có thai nhưng cô ấy đang có dấu hiệu bị trầm cảm, anh cần phải đưa vợ đến chuyên khoa để thăm khám thật kỹ và có các biện pháp điều trị thích đáng, tránh tình trạng bệnh nặng thêm”.
"Có thể người bệnh phải chịu một áp lực nặng nề trong thời gian dài nên mới nảy sinh hành động giả mang thai. Mà trong hoàn cảnh của vợ anh thì rất có thể vì áp lực chưa mang thai được. Gia đình cần động viên an ủi người bệnh và đồng hành cùng cô ấy chứ không phải là gây áp lực", những lời bác sĩ nói vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.
3 năm vợ chồng chưa sinh được con, tôi cũng rất buồn nhưng biết rằng vợ còn buồn hơn vì nguyên nhân ở phía cô ấy. Do vậy ngoài mặt tôi luôn tỏ vẻ thoải mái để vợ khỏi tủi thân.
Cách đây gần một năm, vợ tôi nghỉ hẳn ở nhà theo yêu cầu của mẹ tôi. Bà muốn con dâu tập trung vào việc chữa trị để mang thai. Tất nhiên ở nhà thì cô ấy làm nội trợ, cơm nước. Mẹ tôi cũng về hưu rồi, mẹ chồng nàng dâu đụng mặt nhau cả ngày. Tôi đi làm tối mới về, nhiều hôm tăng ca về muộn nên cũng không biết chuyện ở nhà thế nào.
Tôi đi làm tối mới về, nhiều hôm tăng ca về muộn nên cũng không biết chuyện ở nhà thế nào. (Ảnh minh họa)
Nhưng bây giờ vợ tôi sinh bệnh ra thế này, điều đó có nghĩa ngày thường cô ấy đã phải chịu áp lực rất lớn từ mẹ chồng. Càng nghĩ tôi càng thấy ân hận và thương vợ vô hạn. Khi trước mẹ bảo vợ nghỉ việc, tôi cứ nghĩ làm vậy là tốt cho vợ nhưng hóa ra là hại cô ấy.
Cả ngày quay cuồng với bốn bức tường, không được đi làm gặp gỡ giao lưu bạn bè, lại chịu sự chỉ trích từ mẹ chồng vì chưa sinh được con, từ ấy mà sinh bệnh. Tôi đỏ mắt vì ân hận. Khi trước tôi đã hứa với bố mẹ vợ sẽ mang lại hạnh phúc cho cô ấy...
Tuy nhiên chuyện đã xảy ra rồi, giờ có trách móc mẹ cũng không giải quyết được gì. Tôi chỉ băn khoăn không biết phải làm thế nào trong thời gian sắp tới. Hai vợ chồng thuê nhà ra ngoài ở để cô ấy thoải mái tư tưởng, khi nào khỏi bệnh thì đi làm lại? Nhưng bỏ mẹ lại một mình tôi cũng không đành lòng vì bà chỉ có mình tôi là con trai. Tôi nên làm thế nào mới vẹn đôi đường?