Tôi thuộc tuýp người thẳng tính, có gì nói nấy. Tôi không quen kiểu sống nịnh bợ, trước mặt thì khen hết lời nhưng sau lưng thì lại chê bai, nói xấu đủ điều. Chính điều này khiến tôi không được lòng nhiều người, nhất là những người ưa nịnh.
Tuy nhiên, suốt 25 năm qua, tôi vẫn sống như vậy và bản thân không thấy có vấn đề gì to tát. Tôi không quan tâm người khác nghĩ về mình như thế nào, miễn bản thân không làm điều xấu, không làm gì phạm pháp, không vi phạm chuẩn mực đạo đức là được.
Thế nhưng, nhiều lần, bố mẹ, gia đình và những bạn bè chơi thân với tôi luôn khuyên tôi cũng nên thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Họ không bảo tôi sống giả tạo nhưng muốn tôi khéo léo hơn để tránh mất lòng trong một số trường hợp, nhất là sau này khi tôi về nhà chồng.
Ảnh minh họa
Khi ấy, tôi thấy mọi việc đơn giản. Song từ ngày lập gia đình và sống chung với đại gia đình nhà chồng, tôi thấy cuộc sống của tôi đang thật sự có vấn đề.
Tôi lấy chồng là con cả trong gia đình có hai anh em trai. Trước khi tôi về làm dâu, gia đình nhà chồng có 3 thế hệ cùng chung sống bao gồm bà nội chồng, bố mẹ chồng và hai anh em chồng tôi.
Lúc cưới tôi về, mọi thứ dường như không có quá nhiều xáo trộn. Chỉ là chồng tôi tách phòng với em trai. Chúng tôi được sửa sang lại một phòng cũ để làm phòng tân hôn cho hai vợ chồng. Còn các phòng khác trong nhà vẫn giữ nguyên.
Ban đầu, tôi vô tư không suy nghĩ quá nhiều tôi thuộc dạng dễ tính, sống ở đâu cũng được, miễn là vui. Hơn nữa, do tính chất công việc của tôi đi làm từ sáng đến tối, nhiều lúc lại phải tăng ca nên tôi nghĩ sẽ tránh được phần lớn thời gian chạm mặt với bà và bố mẹ chồng. Như thế cũng sẽ hạn chế mâu thuẫn phát sinh trong gia đình.
Tuy nhiên, tôi nghĩ là một chuyện nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Buổi sáng, mẹ chồng yêu cầu tôi dậy từ 6 giờ để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Vốn là đứa không giỏi "nữ công gia chánh" nên tôi đã thẳng thắn thú nhận với mẹ chồng điều đó.
Tôi cũng rất cầu thị nói mẹ chồng chỉ bảo thêm cho mình hoặc hôm nào tôi không nấu được, tôi sẽ phụ trách đi mua đồ ăn sáng cho cả nhà. Ai thích ăn món gì, tôi đều sẽ mua đáp ứng.
Thế nhưng, mẹ chồng nói điều đó là không thể xảy ra trong gia đình bà vì suốt mấy chục năm qua, bà nội chồng tôi chỉ ăn đồ ăn nấu tại nhà, không có chuyện mua đồ ăn ở ngoài.
Bữa sáng đã bất ổn, đến bữa tối tôi cũng không yên với bà nội chồng. Vừa ngồi vào mâm cơm, tôi bị bà chỉnh từ tư thế ngồi, cách cầm đũa đến việc mời mọi người trước khi ăn. Trước đây tôi hay có thói quen mời gộp chung cả nhà nhưng bà nội chồng yêu cầu tôi phải mời riêng từng thế hệ, theo thứ tự ông bà, bố mẹ rồi mời đến chồng. Thậm chí tôi phải mời cả em chồng ăn cơm dù tôi là bề trên. Lý do là vì tôi là phái nữ phải tôn trọng đàn ông, con trai trong nhà.
Tôi không khó khăn gì chuyện mời mọc nhưng trước cách giáo huấn có phần "trọng nam khinh nữ" đó, tôi cũng không phục mà nói lại bà mấy câu về quan điểm bình đẳng nam nữ của mình. Vậy là tôi bị bà nội chồng quy chụp là hỗn láo, cháu dâu dám cãi lời dạy bảo của bà.
Đó chưa phải tất cả. Kể từ lần làm phật ý ấy, tôi luôn bị bà nội chồng soi mói đủ đường. Tôi đi làm mặc váy dài đến đầu gối nhưng lại bị bà của chồng bắt vào thay vì lý do phụ nữ có chồng không được mặc hở hang, người ngoài sẽ đánh giá gia đình bà không biết dạy con dạy cháu.
Tôi tăng ca đi làm về muộn, bà nội chồng ngồi sẵn ở phòng khách giáo huấn tôi phụ nữ quan trọng nhất là gia đình, còn đi làm kiếm tiền chỉ là phụ. Bà yêu cầu tôi "báo cáo" kế hoạch sinh cháu đích tôn cho gia đình trong khi tôi mới "chân ướt chân ráo" về đến nhà chồng chưa đầy một tháng.
Tôi chỉ mới nói tôi cũng có công việc, có đam mê nên không muốn từ bỏ, còn chuyện con cái là vấn đề riêng của hai vợ chồng, lúc nào kinh tế ổn định, chúng tôi sẽ có kế hoạch sinh con. Nào ngờ vừa dứt lời, bà nội chồng gằn giọng nói tôi không làm tròn bổn phận nàng dâu trong nhà.
Trước mặt chồng tôi, bà tỏ ý trách móc cháu trai không biết chọn vợ, cưới một đứa không biết điều về làm loạn trong nhà. Nói gì cũng cãi, bảo gì cũng không nghe.
"Nếu vợ cháu đã muốn sống theo ý mình thì bà nghĩ nhà này không thích hợp cho nó ở đây. Cháu nên xem xét lại cuộc hôn nhân của mình và cân nhắc đến việc tìm người vợ phù hợp hơn".
Trước câu nói vô lý của bà nội chồng, tôi định lên tiếng nhưng bị chồng ngăn cản. Anh khuyên tôi nên nhẫn nhịn. Anh không muốn tranh cãi xảy ra trong nhà vì bà nội đã lớn tuổi.
Tôi dù làm theo lời chồng nhưng trong lòng ấm ức không yên. Theo mọi người, tôi nói với bà nội chồng như thế có gì là sai không mà bà lại bắt chồng tôi phải bỏ vợ?