3 khách Tây làm đề thi Tiếng Việt cho học sinh lớp 5 ở Việt Nam, tự tin nói dễ ợt nhưng đọc đáp án mà "toát hết mồ hôi"

Sau vụ này, khách Tây lại càng thêm thấm thía, đúng là "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam".

Là một ngôn ngữ ai học cũng than trời vì khó, Tiếng Việt không chỉ giàu nhạc điệu, hình ảnh, ngữ nghĩa mà nếu muốn dùng đúng thì phải hợp hoàn cảnh và lối sống. Rất nhiều người nước ngoài đã học chắc kiến thức Tiếng Việt, tưởng rằng có thể tự tin dùng mọi nơi nhưng vẫn có những hiểu lầm ngớ người. Bên cạnh đó còn tạo ra những tình huống dở khóc dở cười.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần giao tiếp vì Tiếng Việt còn có vô vàn những điều mới mẻ thách thức cả những người Việt, nên chắc chắn gây ra không ít khó khăn với khách nước ngoài. Trong số đó, có thể kể đến hệ thống các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ của nước ta. Bởi không chỉ dừng lại ở mặt hiểu nghĩa, các câu này đa phần là ví von, ẩn dụ, nhân hoá... nên nếu ai chưa từng nghe qua sẽ khó biết được.

Mới đây trong một video với chủ đề "Giải đề thi Tiếng Việt lớp 5", cả 3 nhân vật đều là những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, vốn tiếng Việt của họ khá tốt, nhưng khi đối mặt với các câu thành ngữ, tục ngữ thì... lại khá khó khăn.

Câu hỏi 1

Mở đầu bằng câu hỏi tìm từ trái nghĩa đã khiến 3 khách mời hoang mang (Nguồn: Hàng Xóm Tây)

Ở câu đầu tiên là tìm từ trái nghĩa với từ "hạnh phúc, với các lựa chọn là: Túng thiếu/bất hạnh/gian khổ/phúc tra. Với câu hỏi này, nếu như vị khách mời nam áo vàng quả quyết cho rằng đáp án là B, thì hai người còn lại đoán là đáp án C vì những từ còn lại nghe khá lạ lẫm.

Tuy nhiên, đáp án chính xác là B - "bất hạnh". Anh chàng áo vàng rất vui vì mình đã đoán đúng vì nếu như "hạnh phúc" là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó thì trái nghĩa với nó phải là một điều làm mình cảm thấy đau khổ khi không may gặp phải điều rủi ro. Và "bất hạnh" chính là lựa chọn đúng đắn.

Câu hỏi 2

Câu hỏi điền từ vào câu thành ngữ làm khó 3 vị khách nước ngoài

Câu tiếp theo độ khó được nâng lên khi yêu cầu phải điền từ còn thiếu với câu: "Hẹp nhà ... bụng", với các lựa chọn là: nhỏ/rộng/to/tốt. Với câu thành ngữ này, cả 3 người đều quả quyết khẳng định là đáp án D, vì từ "tốt bụng" họ được gặp hằng ngày và thấy hợp lý.

Tuy nhiên, đáp án chính xác phải là B - "rộng bụng". Cả ba người đều ngỡ ngàng trước đáp án này vì thấy cả 2 đều có nghĩa là: Nhấn mạnh lòng tốt và sự bao dung đối với người khác (dù bản thân còn khó khăn vất vả). Nhưng trong câu này, từ đúng phải là từ trái nghĩa với từ "hẹp", vì câu sử dụng phương pháp đối lập.

Câu hỏi 3

Ở phần thi đoán nhanh, các vị khách đã có màn đoán bừa cực hài hước

Sang đến những câu tiếp theo, tình hình trả lời của 3 khách mời cũng không khá khẩm hơn là bao vì trả lời câu nào, đều trật lất câu đó. Vì không tìm được từ thích hợp cho câu trên nên vị khách nước ngoài điền luôn là "Ghét cho đồ ăn ngon", khiến nhiều cư dân mạng dở khóc dở cười.

Câu Đúng: "Thương cho roi cho vọt/Ghét cho ngọt cho bùi" 

=> Ý nghĩa: Đây là câu tục ngữ mà ông cha nhắn nhủ về cách giáo dục con cái. Dạy con cái thì cần phải nghiêm khắc, sử dụng đòi roi để mong con cái tốt hơn. Còn ghét sẽ nói những câu ngọt bùi để nâng đỡ, tâng bốc khiến cho bạn không thấy được khuyết điểm của mình.

Câu hỏi 4

3 khách Tây làm đề thi Tiếng Việt cho học sinh lớp 5 ở Việt Nam, tự tin nói dễ ợt nhưng đọc đáp án mà toát hết mồ hôi - Ảnh 4.

Nguồn: Hàng Xóm Tây

Câu tiếp theo, anh khách nước ngoài có màn trả lời cũng... hợp lý phết đấy chứ. Tuy nhiên đáp án không thể hoà vốn thế được. Câu đúng sẽ là: "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ".

=> Câu tục ngữ mang hàm ý rất sâu sắc: Khi trong gia đình, trong tập thể có một người gặp chuyện không may thì những người còn lại cũng lo lắng không yên. Câu tục ngữ này đã phản ánh rất trung thực đời sống tinh thần tình cảm biết quan tâm, chia sẻ những buồn vui nỗi buồn của người Việt Nam. Điều đó được thể hiện rất rõ trong đời sống hàng ngày.

3 khách Tây làm đề thi Tiếng Việt cho học sinh lớp 5 ở Việt Nam, tự tin nói dễ ợt nhưng đọc đáp án mà toát hết mồ hôi - Ảnh 5.

Nguồn: Hàng Xóm Tây

Đến gần lúc kết thúc, cả ba vị khách vẫn chưa trả lời đúng được câu nào và bắt đầu nản chí. Câu "Không thầy đố mày làm nên" cũng nối tiếp chuỗi sai toàn tập của họ khi không có thầy với ba vị khách lại là... "đố mày nói Tiếng Việt". Câu trả lời cũng có ý đúng nhưng xét về câu này thì lại sai mất rồi.

=> Ý nghĩa câu tục ngữ: Nếu như không có người thầy định hướng đúng đắn, dạy dỗ và chỉ bảo cho ta từng bước đi thì ta sẽ không bao giờ có cơ hội đạt được tới thành công. Câu tục ngữ như một lời thách thức "đố mày" đồng thời cũng là lời răn dạy mang tính khẳng định vị trí, vai trò của người thầy đối với sự thành đạt của người học trò.

Chắc hẳn với nhiều người Việt thì những câu này vô cùng đơn giản vì đã được nghe qua, học qua nhiều lần. Nhưng người nước ngoài chủ yếu học giao tiếp, các nghĩa của từ nên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy toàn trả lời trật lất nhưng các từ mà 3 vị khách nước ngoài đưa ra hoàn toàn hợp lý, chỉ là Tiếng Việt quá phong phú mà thôi. Vì vậy, với ngôn ngữ này, học không bao giờ là đủ đâu đấy.

Nguồn: Hàng Xóm Tây

https://ahadep.com/3-khach-tay-lam-de-thi-tieng-viet-cho-hoc-sinh-lop-5-o-viet-nam-tu-tin-noi-de-ot-nhung-doc-dap-an-ma-toat-het-mo-hoi-20220408115130489.chn