Dạo này không khó để bắt gặp cụm từ "tự do tài chính" ở đâu đó. Nó phổ biến đến độ chẳng phải là dân chơi hệ tài chính cũng phải nghe loáng thoáng đôi lần. Nói nôm na, tự do tài chính là nắm quyền làm chủ tài chính của mình.
Nói cách khác, đó là trạng thái mà người ta có ĐỦ tiền để trang trải cuộc sống hay đưa ra những quyết định mà không bị vướng bận về tài chính. Bạn có một dòng tiền đáng tin cậy, cho phép bạn sống cuộc sống bạn muốn; bạn không phải lo lắng những hoá đơn hay khoản chi đột ngột nào đó và chắc chắn, bạn không phải gánh bất kỳ khoản nợ nào;... là những biểu hiện điển hình của tự do tài chính.
Hẳn sẽ có người cho rằng đây chỉ là chuyện trên lý thuyết, là nằm mơ giữa ban ngày. Thực tế thì bất kỳ ai cũng có thể đạt được tự do tài chính, kể cả những người từng lâm vào cảnh nợ nần hay gặp rắc rối về tiền nong. Đương nhiên với một điều kiện là bạn biết đến những bước để tự do tài chính dưới đây và kiên trì thực hiện đến cùng.
Bước 1: Hiểu vị thế tài chính của bản thân
Người ta sẽ không thể tự do tài chính nếu không biết mình đang có gì trong tay, không biết mình đang đứng ở đâu. Vì vậy bước đầu tiên, bạn phải biết rõ ràng về những khoản nợ đang gánh, chi tiêu hàng tháng, thu nhập, tiết kiệm, đầu tư,... nói chung là tất tần tật liên quan đến tài chính cá nhân.
Muốn biết được chi tiết như vậy, không còn cách nào khác là bình tĩnh ngồi xuống và bắt tay vào tính toán. Hãy tính cả những khoản nhỏ nhất và không bỏ sót bất cứ khoản nào, từ thế chấp đến thẻ tín dụng, từ mua trả góp đến vay mọi người, từ tài khoản tiết kiệm đến tiền nhờ người thân giữ hộ.
Sau khi liệt kê đầy đủ thì hãy hít 1 hơi thật sâu để cộng các con số theo từng nhóm, bạn sẽ có bức tranh chi tiết nhất về tình hình tài chính của mình. Ghi nhớ những con số để sử dụng trong những bước tiếp theo nhé!
Bước 2: Viết ra mục tiêu của mình
Ai cũng biết rằng trong bất cứ việc gì, nếu có mục tiêu rõ ràng thì hiệu quả làm việc sẽ tăng lên. Kiếm tiền cũng không ngoại lệ. Và câu hỏi lúc này là: Tại sao bạn cần tiền?
Cho dù đó là trả nợ, mua nhà, đi du lịch, đám cưới, con cái học đại học,... cũng hãy viết ra 5 mục tiêu hàng đầu mà bạn muốn đạt được trong 1, 5, 10 hay 20 năm tới. Đương nhiên các mục tiêu phải cụ thể, thực tế, đo lường được và có thời hạn. Ví dụ, bạn muốn trả hết tiền 1,5 tỷ đã vay ngân hàng để mua nhà trong vòng 2 năm.
Có thể bạn sẽ không hoàn thành mọi thứ trong 1 tháng hay 1 năm nhưng chắc chắn sẽ có nhiều thứ thay đổi nếu có mục tiêu rõ ràng. Thậm chí đôi khi bạn đã quên béng mục tiêu nhưng vẫn làm việc hết sức để đạt được điều đó một cách vô thức. Vì vậy mà biết chính xác mong muốn sẽ giúp thực hiện tự do tài chính dễ dàng hơn gấp nhiều lần.
Bước 3: Theo dõi chi tiêu
Theo dõi chi tiêu là một bước quan trọng trên con đường tiến tới tự do tài chính vì nó khiến bạn có trách nhiệm hơn với tiền của mình. Việc này cũng giúp bạn nhận ra nhiều khoản chi tiêu không cần thiết do bốc đồng, từ đó để có cách hạn chế.
Để theo dõi chi tiêu, bạn chỉ cần lập ngân sách, ghi lại tất cả chi phí và xem xét lại vào mỗi cuối tháng. Rất đơn giản nhưng quan trọng là bạn có đủ kiên trì hay không thôi.
Bonus thêm một gợi ý cho quá trình ghi lại chi phí là bạn có thể thực hiện chúng bằng nhiều cách khác nhau như viết tay, viết note điện thoại, bảng tính excel và 7749 chiếc app chi tiêu tiện lợi và hiện đại nhé!
Bước 4: Trả tiền cho bản thân đầu tiên
"Hãy trả tiền cho bản thân trước" (pay yourself first) là cụm từ phổ biến trong mảng tài chính cá nhân. Cụ thể, bạn tự chuyển ngay một khoản nhất định từ số tiền lương tại thời điểm nhận được vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư, trước khi chi tiêu.
Tại sao ư? Bởi đây chính là số tiền đảm bảo cho tương lai của bạn, tránh rơi vào cảnh rỗng túi, không có tiền trong những lúc ốm đau hay tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra nếu bạn trả cho chính mình 2 triệu mỗi khi nhận lương thì chắc chắn sẽ có 2 triệu để đầu tư vào bản thân, số tiền còn lại được đẩy sang chi tiêu. Ngược lại nếu bạn trả tiền cho bản thân sau khi đã chi tiêu thì số tiền còn lại sẽ chẳng là bao, thậm chí là không có gì.
Bước 5. Chi tiêu ít hơn một cách có lý trí
Có thể bạn chưa biết, tỷ phú Warren Buffett mua một ngôi nhà 5 phòng ngủ với giá 31.500 USD (khoảng 724 triệu đồng) vào năm 1958 và vẫn ở đó đến tận bây giờ. Trong khi với khối tài sản hàng chục tỷ USD, ông ấy hoàn toàn có thể sở hữu những biệt thự lộng lẫy nhất. Nhưng có lẽ tính cách tiết kiệm này là một trong nhiều lý do giúp Warren Buffett thuộc top những người giàu nhất thế giới hiện tại.
Ví dụ này cho thấy rằng, chi tiêu ít hơn thực sự có thể giúp bạn giàu hơn. Tất nhiên nó không có nghĩa là bạn phải sống một cách tằn tiện, khốn khổ mà là hãy chi tiêu một cách thông minh và hợp lý. Bạn nấu ăn tại nhà thay vì ra ngoài ăn mỗi buổi tối, bạn trả các khoản vay đúng hạn để không bị tính lãi cao hơn, bạn dành vài ngày để cân nhắc trước khi mua một món đồ nào đó để tránh tình trạng mua sắm bốc đồng,... Tất cả những việc này giúp bạn tiết kiệm được một khoản đáng kể.
Bước 6. Trả các khoản nợ
Một số người cho rằng đầu tư tiền vào cổ phiếu sẽ khôn ngoan hơn thay vì trả nợ. Nếu bạn là một chuyên gia chứng khoán, điều này có thể đúng nhưng nếu bạn là F0 của thị trường thì hoàn toàn có nguy cơ mắc nợ nhiều hơn. Vậy trước khi vào đâu đó, hãy đem lại cảm giác nhẹ nhõm cho bản thân bằng cách trả hết nợ. Đây cũng là cách giúp dòng tiền trong tương lai của bạn dồi dào hơn, nâng cao xếp hạng tín dụng và đưa bạn đến gần với tự do tài chính hơn.
Có 2 phương pháp trả nợ được nhiều người áp dụng: trả lần lượt từ khoản nợ nhỏ đến khoản nợ lớn hoặc trả khoản nợ có lãi cao nhất đầu tiên. Việc của bạn lúc này là quyết định cách nào phù hợp nhất với bản thân.
Bước 7. Luôn giữ sự nghiệp tiến lên
Tăng thu nhập đồng thời giữ cho mức chi tiêu trong tầm kiểm soát là cách nhanh chóng để đến gần tự do tài chính. Và một trong những cách tăng thu nhập hiệu quả nhất chính là nỗ lực thăng tiến trong sự nghiệp.
Để làm được điều này, chắc chắn bạn phải sở hữu những ưu điểm vượt trội hơn đồng nghiệp như không ngừng học hỏi, có những kỹ năng mềm như tạo dựng mối quan hệ, tiếp nhận ý kiến từ người khác, cân bằng cuộc sống và công việc,...
Bước 8. Tạo thêm nguồn thu nhập
Tự do tài chính không bao giờ là chuyện dễ dàng. Để đạt được điều đó, bạn sẽ phải hy sinh mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu để lao vào công việc.
Cụ thể, các chuyên gia tài chính khuyến khích mọi người nên có khoảng 5 - 7 nguồn thu nhập nếu muốn tự do tài chính. Nếu đang có 1 công việc ổn định thì bạn sẽ cần phải tìm 4 - 6 nguồn thu nhập bổ sung nữa.
Thu nhập bổ sung đến theo 2 cách: chủ động và thụ động.
Thu nhập chủ động là bạn đánh đổi thời gian lấy tiền. Với cách này, bạn bị giới hạn về thời gian bởi ai cũng chỉ có 24 giờ/ ngày. Tuy nhiên ngoài việc chính, bạn có thể nhận thêm những job phụ liên quan đến kiến thức chuyên môn hoặc làm việc part-time như viết lách, trợ lý ảo lái xe công nghệ, shipper, thiết kế, v.v.
Thu nhập thụ động bạn thực hiện công việc đó một lần và để đồng tiền tiếp tục làm việc. Ví dụ thường gặp gồm có bán các khoá học online, podcast, ứng dụng, đầu tư vào cổ phiếu, góp vốn đầu tư, mua nhà/ xe và cho thuê v.v.
Bước 9. Đầu tư
Bước cuối cùng và cũng là bước triển vọng nhất để đạt được tự do tài chính là đầu tư. Một số những nguyên tắc cơ bản là đầu tư càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt để tận dụng sức mạnh của lãi kép và sau đó, tăng các khoản đầu tư mỗi năm với tỷ lệ cao hơn mức tăng thu nhập.
Nhưng cũng đừng quên rằng điều tiên quyết trước khi đầu tư ở bất kỳ lĩnh vực nào là phải có kiến thức. Bạn biết là không dễ gì để làm ra tiền mà, đúng không? Vậy thì đừng để tiền của mình bị thị trường nuốt chửng chỉ vì không có kiến thức nhé!
Lần đầu tiên tại Việt Nam, công chúng sẽ có một chương trình talkshow đặc biệt hàng tuần mang tên "Tự do tài chính" nói về vấn đề quản lý tài chính cá nhân, do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Mục tiêu của chuỗi chương trình này là giải mã bí mật đồng tiền, gợi mở những con đường để giới trẻ tự tin đến gần với tự do tài chính.
Chương trình phát livestream 20h, thứ Sáu hàng tuần trên Fanpage Trung tâm tin tức VTV24, bắt đầu từ ngày 10/12 với 2 vị Guru "khủng" trong giới tài chính - những người đầu tiên góp sức tạo nên thị trường chứng khoán và phát triển khối doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Đặt gạch hóng thôi chứ còn gì nữa!