Nhận nuôi đến khi các con trưởng thành
Vài tháng trở lại đây, căn nhà trọ cũ trên phố An Ninh (phường Quang Trung, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bỗng đầy ắp tiếng cười. Đây là tổ ấm mà anh Đỗ Văn Dương (SN 1989) và vợ là chị Kiều Thị Thu Lý (SN 1990) dựng lên khi đang nhận nuôi 7 trẻ mồ côi.
"Các cháu đều là người dân tộc Mông, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vợ chồng tôi nhận nuôi đỡ đầu tới khi các cháu học xong, khôn lớn. Sau đó các cháu có thể về quê hương và theo đuổi ước mơ của mình, chúng tôi không chuyển giấy tờ để nhận hẳn các cháu làm con nuôi", chị Lý chia sẻ.
Vợ chồng anh Dương, chị Lý đều cùng các con sinh hoạt văn nghệ trước khi đi ngủ
Về cơ duyên nhận nuôi các cháu, anh Đỗ Văn Dương cho hay, vợ chồng anh vốn là những người kém may mắn. Bản thân anh đã mất mẹ, vợ anh còn thiệt thòi hơn khi mất cả bố và mẹ. Sau nhiều năm kết hôn, 2 người vẫn chưa có con nên khi nhận nuôi các cháu, anh chị đều coi như con ruột.
Dù kinh tế không dư dả với công việc bán vịt quay, nhưng 2 người thường xuyên theo đoàn từ thiện tại các tỉnh miền núi. Năm 2016, anh Dương tình cờ được biết về hoàn cảnh của anh em Thào Văn Mình (SN 2003) và Thào A Sình (SN 2004) ở huyện Ha Hang (Tuyên Quang). Hai cháu đã mất bố, mẹ đi bước nữa, bỏ lại 2 em cho người chú nuôi dưỡng.
Chính quyền địa phương thường rất quan tâm đến trường hợp các cháu
"Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì", nhưng ngặt nghèo ở chỗ gia cảnh người chú quá khó khăn vì đông con nên không còn khả năng nuôi 2 cháu.
Chứng kiến cảnh các cháu không được học hành đầy đủ, ngày ngày vào rừng kiếm rau, măng ăn qua ngày, lòng anh như thắt lại. Anh Dương bàn với vợ nhận nuôi 2 cháu. Không phút suy nghĩ, chị Lý gật đầu đồng ý.
Một tháng sau, vợ chồng anh lại được cộng đồng người Mông giới thiệu đến 2 cháu là Giàng A Tủa (SN 2003) và Giàng A Lầu (SN 2005) ở Sơn La. Đây là 2 trường hợp còn bố mẹ, nhưng vì gia cảnh quá khốn khó, không thể nuôi con nên vợ chồng anh Dương lại đón cháu về nuôi ăn học.
Chị Lý đang dạy thêm cho các con tại nhà
"Khi ấy, các cháu đã hơn 10 tuổi nên khi về ở chung, tôi chỉ coi các cháu như em trai. Sau vài tháng chung sống, bỗng một ngày các cháu kéo lên phòng, đồng thanh xin phép được gọi chúng tôi là bố mẹ. Cảm xúc lúc đó thật khó diễn tả bằng lời. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau xúc động, nghẹn ngào không nói nên lời", chị Lý xúc động kể.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đứa con đầu tiên của họ là Giàng A Tủa đã trở về quê với bố mẹ ruột. "Tủa mới khoe rằng, đã cùng với bố mẹ đi làm thuê đã trả hết khoản nợ", chị Lý phấn khởi nói.
Anh Dương chia sẻ, các cháu nhỏ có tính tự lập rất cao và nhanh chóng thích nghi với cuộc sống dưới xuôi. Điều khó khăn nhất lúc mới đón các cháu về là dạy tiếng Việt
Chị Lý cho hay, các cháu lớn đều đã có ước mơ của riêng mình. Sình muốn đi xuất khẩu lao động. Cháu Mình muốn theo đuổi con đường âm nhạc. Hiện cháu đang học sửa đàn, dạy đàn cho một cửa hàng tại TP. Hải Dương. Còn Lầu mong muốn sẽ làm nghề cắt tóc. Dù chưa qua trường lớp nào nhưng tóc của cả gia đình đều do Lầu cắt.
Nhớ lại những ngày mới theo vợ chồng anh Dương, em Thào A Sình xúc động nói: "Lúc đó em rất rụt rè. Do đó, bố mẹ Dương thường dẫn chúng em đi chơi, tâm sự khích lệ chúng em. Dần dần, những cảm xúc e ngại được gạt bỏ. Chúng em bàn bạc với nhau để xin phép được gọi là bố Dương, mẹ Lý".
Các cháu Sồng, Sềnh, Diu, Giàng tự giác cất đồ dùng học tập sau giờ học. Chị Lý cho biết, vợ chồng họ đặc biệt chú trọng dạy các cháu tính tự lập
Đến tháng 5/2021, vợ chồng anh Dương lại nhận nuôi thêm 4 cháu, là 2 cặp anh em ruột tại Sơn La và Thanh Hoá. Các cháu nhỏ là Giàng A Sồng (9 tuổi), Giàng A Sềnh (7 tuổi), Mua A Diu (8 tuổi) và Mua A Giàng (6 tuổi).
Điều khó khăn nhất khi nhận nuôi các cháu là bất đồng ngôn ngữ, các cháu nhỏ không biết tiếng Việt nên ngoài việc chăm sóc, vợ chồng anh Dương phải dạy thêm tiếng phổ thông.
Ngay sau giờ học, các cháu sẽ được giải trí và học thêm các môn nghệ thuật
"Rất may, các anh lớn đều là người dân tộc Mông nên dễ dàng dạy cho các em. Ngoài dạy học, các anh còn dạy thêm đàn, hát, vẽ tranh… giúp các cháu được thư giãn và phát triển toàn diện", anh Dương kể.
Các cháu đều "thay da đổi thịt"
"Ngày nào tôi cũng bán hàng ở đây còn thấy bất ngờ vì các cháu đều 'thay da đổi thịt'. Khi mới được đưa về, các cháu đều đen nhẻm đen nhèm nhưng giờ đứa nào cũng trắng trẻo, thành giai phố hết rồi", chị Nguyễn Thị Huyền, hàng xóm cạnh nhà tấm tắc khen.
Chị Huyền cho biết, ngày nào cũng gặp những chị vẫn bất ngờ trước sự thay đổi của 4 cháu nhỏ
Tiếp lời chị Huyền, bà Nguyễn Thị Thanh, một người hàng xóm khác cho hay, thời điểm vợ chồng anh Dương dẫn các cháu về, mọi người khu phố đều rất cảm phục. "Tôi chưa bao giờ nghe thấy họ nặng lời với các cháu. Lúc đầu bọn nhỏ còn không hiểu tiếng Việt, nhưng giờ đứa nào cũng hiểu, các cháu rất ngoan và chăm làm việc nhà.
Các cháu đều chơi tốt vài loại nhạc cụ
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng chị Lý đều luôn nở nụ cười trên môi. Họ không một lần nào than van kể khổ. Nguồn năng lượng tích cực ấy có lẽ chính là thứ giúp họ vượt qua gian khó", bà Thanh cho hay.
Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hồng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết, thời điểm vợ chồng anh Dương chuyển đến, địa phương đã chủ động kiểm tra tất cả trường hợp của các cháu.
Địa phương cũng hướng dẫn và hỗ trợ vợ chồng anh Dương hoàn tất các thủ tục để các cháu được đăng ký thường trú, và đủ thủ tục để được đi học.
Hàng ngày các cháu được mẹ Lý dẫn đến trường
"Hiện còn một số giấy tờ chưa hoàn thiện do dịch Covid-19 khiến việc di chuyển khó khăn, nhưng địa phương đã tạo điều kiện để các cháu được đi học kịp thời. Thời gian tới, vợ chồng họ sẽ phải bổ sung đầy đủ thủ tục cho các cháu", ông Hồng cho hay.
Ông Hồng cho biết thêm, hiện các cháu đều được học tại ngôi trường top đầu của thành phố và được miễn học phí. Nhiều người dân xung quanh và chính quyền địa phương đã giúp đỡ họ trong thời gian qua.
Cô Vũ Thị Tuyết Lan (giáo viên chủ nhiệm lớp 1B - Trường Tiểu học Tô Hiệu) cho hay, nhà trường và các thầy cô đều rất quan tâm đến các em.
Em Giàng A Sồng khá mạnh dạn và thường xuyên xung phong phát biểu
Các thầy, cô dành thời gian kèm thêm vì khi mới nhập học, các con đều không hiểu tiếng Việt. Sau vài tháng, các cháu đều theo kịp chương trình, cháu Sồng còn thường xung phong phát biểu.
Rời căn nhà nhỏ ra về, chúng tôi vẫn nhớ mãi lời tâm sự của vợ chồng anh Dương: "Bên cạnh tính tự lập, vợ chồng tôi luôn dạy các cháu phải có ước mơ. Dù sau này các con có đi đâu, làm gì chúng tôi luôn mong các con vững bước, thành công. Sau này nếu còn khả năng vợ chồng tôi vẫn sẽ nhận nuôi thêm các cháu có hoàn cảnh khó khăn".
Mua A Diu đang miệt mài học bài
Các cháu đều hoà nhập nhanh với các bạn. Em Mua A Giàng (áo xanh) trao đổi bài với bạn trong giờ Mỹ thuật
Giàng A Sềnh được cô giáo hướng dẫn học bài