Bảo hiểm có phải đầu tư sinh lời: Người chấp nhận lỗ 200 triệu, người khuyên mua vì lợi đủ đường

Nếu cho rằng bảo hiểm là một hình thức đầu tư sinh lợi, bạn cũng có phần đúng phần sai đấy nhé.

Bảo hiểm nhân thọ (gọi tắt là bảo hiểm) là một hợp đồng giữa chủ hợp đồng bảo hiểm và công ty bảo hiểm, trong đó công ty bảo hiểm cam kết sẽ trả cho người thụ hưởng một khoản tiền với một điều kiện cam kết nào đó. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng đây là một hình thức đầu tư và sẵn sàng bỏ ra số tiền hàng chục đến hàng trăm triệu vào nó. Vậy cuối cùng có nên đầu tư mua bảo hiểm hay không, nghe người trong cuộc trả lời nhé!

Chấp nhận lỗ 200 triệu, thiệt đủ đường vì theo không nổi

Chị Hà (Hà Nội), từng đầu tư mua 4 hợp đồng bảo hiểm cho gia đình có trị giá hơn 80 triệu mỗi năm, chia sẻ: “Vốn là người có suy nghĩ lo xa, với lại hai vợ chồng cũng có thu nhập đều đặn và nhà cửa hết rồi, chị mới nghĩ đến mua bảo hiểm nhân thọ để coi như là một hình thức đầu tư không chỉ về sức khỏe mà còn là tài chính của cả gia đình.”

Bảo hiểm có phải đầu tư sinh lời: Người chấp nhận lỗ 200 triệu, người khuyên mua vì lợi đủ đường - Ảnh 1.

Theo như chị Hà chia sẻ, vì thấy quyền lợi của bảo hiểm nhân thọ chi trả khá cao, bảo vệ rộng, đặc biệt sau khi trừ các phí bảo trì, phí rủi ro thì số còn lại sẽ được cộng vào tài khoản tích lũy tính theo lãi suất cam kết của công ty từ 5% đến 6% trở lên, cao hơn mức lãi suất ngân hàng hiện hành nên chị cảm thấy vô cùng hài lòng.

Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát khiến việc làm ăn của chị bị ảnh hưởng rất nhiều, việc duy trì chi tiêu cũng đủ khó khăn chứ chưa nói đến tiền đóng bảo hiểm. Hơn nữa, chị còn cho rằng bảo hiểm vẫn còn một số bất cập như chỉ chi trả cho điều trị nội trú, trong khi đó khi khám bệnh gia đình chị chủ yếu khám ngoài, thành ra bảo hiểm không thể phát huy tác dụng. Ngoài ra, bảo hiểm không chi trả cho hầu hết các bệnh lý nên chị cũng rất ấm ức.

Sau một thời gian cân nhắc về điều kiện tài chính, chị quyết định bỏ ngang hợp đồng sau 3 năm, chấp nhận mất trắng số tiền đã đóng hơn 200 triệu đồng.

Tương tự như chị Hà, chị Ngọc (35 tuổi, TP.HCM) cũng chung nỗi lo tương tự vì muốn mua bảo hiểm để phòng trường hợp ốm đau, nếu mắc bệnh hiểm nghèo thì việc trang trải chi phí sẽ rất cực. Chị Ngọc mua 2 bảo hiểm cho chị và một bảo hiểm cho con với số tiền đóng hàng năm tổng cộng là 40 triệu.

Bảo hiểm có phải đầu tư sinh lời: Người chấp nhận lỗ 200 triệu, người khuyên mua vì lợi đủ đường - Ảnh 2.

Tuy nhiên, bảo hiểm của chị trong tình trạng "mồ côi" do đại lý bảo hiểm nghỉ việc đột ngột. “Mình gặp tình trạng nhân viên bảo hiểm không tư vấn kĩ càng và chăm sóc chu đáo, khiến không thể nhận được đồng nào khi nhập viện”- chị Ngọc tâm sự. Cuối cùng, chị quyết định hủy ngang vì cho rằng không xứng đáng.

Tóm lại, mua hợp đồng bảo hiểm luôn được nhiều người xem là một hình thức đầu tư cho sức khỏe và tài chính của bản thân. Tuy nhiên, việc không nghiên cứu kĩ hợp đồng và theo dõi các điều kiện, điều lệ của bảo hiểm nên nhiều gia đình gặp những tình huống trớ trêu, vừa không được bảo hiểm hoàn trả các chi phí thương tật mà còn ngậm ngùi chịu lỗ vì hủy ngang.

Bảo hiểm không phải là đầu tư, nhưng nếu biết cách thì lợi đủ đường

Trái ngược với quan điểm của chị Hà và chị Ngọc, anh Thắng (35 tuổi, Buôn Ma Thuột) - mua bảo hiểm nhân thọ cho người thân đã được 5 năm, chia sẻ rằng đối với anh bảo hiểm không phải là để đầu tư mà là một công cụ phòng ngừa rủi ro về sức khỏe và tài chính.

“Thấy mọi người cứ nói bảo hiểm sinh lợi mà mình thấy lạ, bảo hiểm dùng để đề phòng chuyện bất trắc, không phải để đầu tư lấy lợi nhuận”. Anh cho rằng, nhờ có bảo hiểm mà việc chi trả các khoản viện phí cho bố anh cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. “Nếu không có bảo hiểm gánh giúp thì đúng là khó xoay sở nổi số tiền lớn như viện phí và các chi phí phát sinh khác”- anh nói.

Bảo hiểm có phải đầu tư sinh lời: Người chấp nhận lỗ 200 triệu, người khuyên mua vì lợi đủ đường - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, chị Tình (40 tuổi, TP.HCM) cũng cho rằng bản thân mỗi người trước khi mua bảo hiểm cần cân nhắc về tài chính, đồng thời đọc kỹ hợp đồng và các điều khoản được bảo hiểm bảo vệ, tránh trường hợp mất tiền một cách đáng tiếc. “Cô thấy mọi người luôn nghĩ ra viễn cảnh màu hồng khi mua bảo hiểm mà quên đọc nội dung bảo hiểm xem có gì, giấy trắng mực đen đều được ghi ra thì nên đọc kĩ để tránh hiểu lầm.”

Có thể thấy, nếu đang cân nhắc mua bảo hiểm để đầu tư sinh lợi thì bạn đã nhầm. Mua bảo hiểm hiện nay chỉ là một công cụ dự phòng các rủi ro và trường hợp khẩn cấp xảy ra đột ngột. Và nếu muốn tận dụng lợi thế của bảo hiểm, bạn cần chú ý nghiên cứu kĩ càng hợp đồng và các điều khoản, lựa chọn bảo hiểm phù hợp với mình.

Vậy rốt cuộc nên mua bảo hiểm hay không?

Trước khi nghiên cứu và bắt đầu lựa chọn mua bảo hiểm, bạn cần nắm vững một vài lưu ý nho nhỏ để tránh trường hợp “tiền mất tật mang”:

Thứ nhất, bạn cần xác định mình là ai và muốn gì từ bảo hiểm. Việc xác định nhu cầu của bản thân trước khi mua bảo hiểm là rất quan trọng, không chỉ giúp nhân viên tư vấn hỗ trợ chính xác loại bảo hiểm bạn cần, mà còn giúp bạn tiết kiệm thời gian vào những loại bảo hiểm vô giá trị và không hợp với bản thân.

Bảo hiểm có phải đầu tư sinh lời: Người chấp nhận lỗ 200 triệu, người khuyên mua vì lợi đủ đường - Ảnh 4.

Thứ hai, bạn có tài chính ổn định không? Đây có vẻ là câu hỏi khó trả lời nhất, nhiều bạn hỏi làm thế nào biết mình ổn định tài chính để theo bảo hiểm, câu trả lời nằm ở thu nhập và khả năng tài chính của bạn. Nếu bạn có khả năng tài chính và thu nhập cao hơn mức sống hiện tại, có khoản để dành thì việc mua bảo hiểm sẽ dễ dàng hơn.

Thứ ba, xác định thành viên trụ cột trong gia đình để mua bảo hiểm. Việc mua bảo hiểm cho cả gia đình, từng thành viên được đánh giá là không hiệu quả. Vậy nên bạn cần xem xét thành viên nào là trụ cột và có rủi ro nhiều nhất để mua bảo hiểm một cách tiết kiệm nhưng hiệu quả tốt hơn.

Thứ tư, nghiên cứu kĩ mọi điều khoản hợp đồng và trường hợp loại trừ của bảo hiểm. Đây là một trong những yếu tố cần được xem xét kĩ càng trước khi bạn đặt bút ký hợp đồng. Rõ ràng, “bút sa gà chết” nên rõ ràng và hiểu từ đầu sẽ giúp bạn đỡ rắc rối về sau.

Cuối cùng, ghi nhớ rằng bảo hiểm không phải là hình thức đầu tư sinh lợi mà chỉ dùng cho bảo vệ cá nhân và sức khỏe, tài chính về lâu dài mà thôi.

https://ahadep.com/bao-hiem-co-phai-dau-tu-sinh-loi-nguoi-chap-nhan-lo-200-trieu-nguoi-khuyen-mua-vi-loi-du-duong-20220324141736772.chn