Đối mặt làn sóng Covid-19 mới dù có nhiều vaccine
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước cho biết, dù có nguồn cung vaccine lớn, châu Âu hiện là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới tăng. Đây là tuần thứ ba liên tiếp châu Âu chứng kiến số ca mắc bệnh tăng cao.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), tình hình dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng tại Đông Âu và Nga khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong liên tục tăng.
Ngày 21/10, Latvia trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) tái áp đặt lệnh phong tỏa trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca mắc bệnh tăng do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tới nay, chỉ 56% dân số Latvia đã tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ khá thấp so với mức trung bình của EU là 74,6%.
Khu vực Tây Âu cũng chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng dù một số quốc gia đã tiêm chủng cho gần như toàn bộ người dân. Ngày 23/10, tỷ lệ mắc Covid-19 tại Đức lần đầu tiên tăng lên mức 100 ca bệnh trên 100.000 người kể từ tháng 5. Theo ECDC, Bỉ và Ireland hiện có tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất Tây Âu với tỷ lệ lần lượt là 325,76 và 432,84 trên 100.00 người.
Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbrouck nói rằng, nước này đang ở trong làn sóng Covid-19 thứ tư. Theo Reuters, hơn 85% người trưởng thành tại Bỉ đã tiêm chủng đầy đủ và các quan chức cho biết phần lớn bệnh nhân Covid-19 nhập viện đều chưa tiêm vaccine.
Sự chênh lệch trong tỷ lệ tiêm chủng đã tạo ra hai thái cực giữa Đông Âu và Tây Âu, nhưng hai khu vực này đều có điểm chung là số ca mắc bệnh tăng cao do nới lỏng các hạn chế Covid-19 khi các nước bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Ngoài ra, thời tiết lạnh khiến mọi người tụ tập nhiều trong nhà khiến virus dễ lây lan và sự xuất hiện của biến thể Delta đã làm cho tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn.
Ở một số quốc gia Tây Âu, số ca mắc bệnh mới vẫn tăng, nhưng nhờ có vaccine, số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 ở khu vực này thấp hơn so với Đông Âu.
Từ ngày 25/10, Romania đã áp dụng lại lệnh giới nghiêm vào ban đêm và yêu cầu người dân xuất trình chứng nhận tiêm chủng khi tới các địa điểm công cộng. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi nước này ghi nhận tỷ lệ 19,25 ca tử vong do Covid-19 trên 1 triệu người.
Dịch bệnh nghiêm trọng tại Romania không phải do tình trạng thiếu vaccine khi các nước EU có quyền sử dụng tất cả các loại vaccine đã được phê duyệt. Tuy nhiên, giống như nhiều nước khác, việc triển khai tiêm chủng của Romania đã gặp khó khăn do tâm lý chần chừ tiêm chủng của nhiều người dân và hoạt động tuyên truyền của chính phủ chưa mạnh mẽ. Theo ECDC, chỉ 35,6% người trưởng thành tại Romania đã tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 21/10, Ukraine đã báo cáo số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày cao nhất kể từ đầu đại dịch với 22.415 ca. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi người dân đi tiêm chủng, nói rằng đó là cách duy nhất để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
“Có hai cách để đối phó với đại dịch này, đó là tiêm chủng hoặc phong tỏa đất nước. Nhưng tôi không ủng hộ việc phong tỏa vì nó ảnh hưởng tới nền kinh tế”, ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ICTV.
Tuy nhiên, các trường học tại những điểm nóng Covid-19 của Ukraine vẫn phải đóng cửa và chính phủ đã yêu cầu tất cả người dân sử dụng phương tiện công cộng phải có chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, sau khi số ca tử vong hàng ngày ở nước này tăng cao kỷ lục.
Nga đang đối mặt với giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất từ trước đến nay. Ngày 25/10, Moscow đã áp dụng lệnh phong tỏa kéo dài 10 ngày để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nga ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới và số ca tử vong tăng cao kỷ lục.
Không có “viên đạn bạc” trong cuộc chiến Covid-19?
“Tây Âu sẽ không đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19 nghiêm trọng như năm 2020, khi nhiều bệnh viện dã chiến được xây dựng bởi vaccine đã làm thay đổi tình hình dịch bệnh”, Tiến sĩ Peter Drobac, chuyên gia sức khỏe tại Trường Kinh doanh Saïd của Đại học Oxford (Anh), nói với CNN.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Anh cho thấy rằng, vaccine không phải là “viên đạn bạc” trong cuộc chiến Covid-19, ông Drobac nói thêm.
Anh hiện ghi nhận số ca mắc bệnh hàng ngày cao nhất tại Tây Âu sau khi dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế Covid-19. Các chuyên gia y tế cho rằng chính phủ Anh nên áp dụng lại các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang hoặc thẻ xanh vaccine, giống như các nước châu Âu khác, để ngăn chặn phải áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt hơn như lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, Anh vẫn bác bỏ khuyến nghị này ngay cả khi số người nhập viện và tử vong do Covid-19 tăng. “Hệ thống y tế của Anh đang trong tình trạng tồi tệ do Covid-19. Các khoa cấp cứu đang phải đối phó với số lượng lớn bệnh nhân”, Katherine Henderson, Chủ tịch Hiệp hội y khoa cấp cứu tại Anh, nói với Sky News.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi những người trên 50 tuổi và những người có nguy cơ mắc Covid-19 cao tiêm mũi tăng cường do hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể giảm dần sau 6 tháng.
Tuy nhiên, tiêm vaccine sẽ không đủ để ngăn chặn đại dịch trong bối cảnh số ca mắc bệnh tăng cao sẽ tạo cơ hội cho các biến thể mới xuất hiện. Cơ quan An ninh Y tế Anh đang theo dõi AY.4.2, một biến thể phụ của biến thể Delta.
“Chiến lược của Anh là tập trung vào tiêm chủng. Nhưng tôi nghĩ rằng như vậy là chưa đủ”, chuyên gia Drobac nói.
Theo ECDC, Ireland đang duy trì các hạn chế phòng đại dịch trong bối cảnh số ca mắc bệnh gia tăng dù đây là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu Âu. Tới nay, Ireland đã tiêm chủng đầy đủ cho 74,9% dân số.
Thủ tướng Ireland Micheál Martin cho biết, người dân vẫn phải xuất trình thẻ xanh vaccine khi tới các địa điểm trong nhà và đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết, châu Âu cần thận trọng để tránh đối mặt với làn sóng dịch bệnh vào mùa đông. “Chúng ta không biết 2-3 tháng nữa dịch bệnh sẽ như thế nào. Chúng ta vẫn cần thận trọng”, ông Ryan nói.