The New District không phải nơi sinh ra khái niệm “local brand”, càng không phải mô hình hội chợ đầu tiên xuất hiện và làm mưa làm gió ở Sài Gòn. Tuy nhiên phải đến ghi “Quận Mới” được mở ra, giới trẻ Việt mới thật sự có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm thời trang dành riêng cho họ, được làm bởi những người trẻ với phong cách mới mẻ, táo bạo và hợp xu thế quốc tế.
Từ những gian hàng bé tí ở Cargo Bar (quận 4) của năm 2015, hàng trăm thương hiệu đã phát triển và bành trướng thành những “thế lực” mới, ảnh hưởng sâu sắc đến gu thẩm mỹ giới trẻ Việt. Bản thân The New District cũng đi xa hơn. Bên cạnh những kì hội chợ với hàng dài những bạn trẻ xếp hàng chờ vào mua sắm, chúng ta giờ đây còn có thêm The New Playground - khu tổ hợp nằm tại những vị trí đắc địa nhất ở Sài Gòn và Hà Nội, được xem như phiên bản đường dài của The New District.
Tổ hợp mua sắm The New Playground
Thay đổi thói quen mua sắm của giới trẻ thành thị, tạo ra những cộng đồng văn minh, thúc đẩy văn hoá kinh doanh thời trang đầy sáng tạo… - đây chỉ là số ít những điều mà “tổ hợp The New” đã làm được trong 7 năm qua. Ít ai biết đứng sau thành công của hai thương hiệu The New District (TND) & The New Playground (TNP) lại là một người phụ nữ sống và làm việc cực kì “lowkey” (kín tiếng), gần như chưa bao giờ xuất hiện trên truyền thông. Đó chính là chị Lan Anh - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc vận hành của hai mô hình trên.
Chị Lan Anh - Founder và CEO The New District & The New Playground
Nhân dịp đầu năm mới, hãy cùng trò chuyện với chị Lan Anh để hiểu thêm về thị trường mua sắm, những chuyển biến trong thói quen tiêu dùng của Gen Z cũng như những bài học kinh doanh cho những ai đang muốn thử sức trong lĩnh vực này nhé!
1. Ngoài ăn uống, nightlife thì trong năm qua, thị trường vui chơi - mua sắm cũng ảnh hưởng rất nhiều. Là người đứng sau hai thương hiệu TNP và TND, chị nhận xét thế nào về sự thay đổi trong thói quen của người trẻ về chuyện tiêu tiền?
Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu và cả hành vi của người tiêu dùng. Tiết kiệm và bền vững trở thành những thói quen tiêu dùng mới, thế hệ trẻ mà phần đông là Gen Z cũng không nằm ngoài sự thay đổi này.
Là người làm trong lĩnh vực mua sắm, thấy được sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của giới trẻ nên chị và team TNP luôn có những chiến lược với mục tiêu thích nghi, đồng thời tăng thêm giá trị của các local brand. Hiện TNP đã chuẩn bị cho việc kết hợp, phát triển cùng một đối tác chiến lược về thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh nền tảng mua sắm online, đồng thời từng bước đưa các sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó để hỗ trợ giới trẻ trong việc kiểm soát, cân đối tài chính, TNP sẽ hợp tác phát triển hình thức “mua trước, trả sau” cho những khách hàng đang hạn chế sử dụng thẻ tín dụng truyền thống.
2. Trong khi TNP đã hoạt động trở lại thì TND vẫn im ắng, ngay cả vào thời điểm cuối năm khi ai ai cũng cần mua sắm. Quyết định này có phải quá mạo hiểm cho cả TND lẫn những local brand?
TNP và TND là 2 mô hình, 2 sân chơi mang tính cộng đồng, nơi mà khách hàng là giới trẻ, đối tượng gần như được tiêm vaccine sau cùng. Chính vì vậy nên cả hai đều không nằm ngoài vòng ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Suốt một năm qua hội chợ TND đã không hoạt động, ngay cả thời điểm cuối năm khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, tất cả các mô hình kinh doanh được phép mở cửa thì với vai trò lãnh đạo của TND, chị đã cân nhắc rất nhiều về việc có nên tổ chức phiên chợ Tết hay không. Đến cuối cùng, vì sự an toàn của các nhãn hàng, nhân viên, khách hàng, TND đã quyết định chờ đến năm sau mới quay trở lại.
Đã làm kinh doanh thì chúng ta phải xác định con đường ấy sẽ luôn có những thử thách, khó khăn. Nếu dễ dàng thì đã không đến lượt mình. Là lãnh đạo của một tập thể đòi hỏi bạn càng phải mạnh mẽ và lạc quan để chèo lái bộ máy vận hành của mình.
Chị luôn tin mọi thử thách trong cuộc sống, hay trong công việc kinh doanh chỉ là tạm thời, không có gì mắc kẹt mãi mãi. Việc gây dựng mới khó chứ buông bỏ rất dễ. Chính vì vậy nên thay vì lo lắng hay nản chí khi gặp những khó khăn thì chị luôn giữ tâm thế lạc quan, tích cực trong cả những tình huống tưởng chừng như không có chút hi vọng nào.
3. Nhiều mô hình kinh doanh buộc phải thu nhỏ hoặc đóng cửa do ảnh hưởng của dịch, nhưng riêng The New Playground Lê Lai còn mở rộng với số lượng local brand tăng gần gấp đôi, và có vẻ như đây mới chỉ là phần đầu của lộ trình “bành trướng” này?
Dịch sẽ ổn định, chúng ta rồi cũng phải làm quen với cuộc sống bình thường mới. Không ai chắc chắn dịch khi nào hết nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi việc duy trì, phát triển và thích nghi. Kinh doanh luôn là bài toán có sự rủi ro, đặc biệt trong thời điểm dịch vẫn còn và chúng ta có thể phải đối diện với những biến chủng mới.
Tuy nhiên trong khó khăn thì vẫn luôn có những cơ hội nhất định. Để tìm mặt bằng ở trung tâm không phải dễ. Vì dịch bệnh mà có nhiều mặt bằng trống do các đơn vị kinh doanh phải trả lại, chị đã nhân cơ hội này mạnh dạn đàm phán để mở rộng TNP với những kí kết hỗ trợ giảm bớt rủi ro nếu dịch tái phát.
Trong quá trình đàm phán ấy chị đã thấy thêm những cơ hội cho một mô hình mới, một đứa con tinh thần mới mà chị ấp ủ khá lâu muốn dành cho các bạn trẻ Sài Gòn, sẽ là một điểm đến sân chơi tổ hợp thật cool. Còn cool như thế nào thì sẽ bật mí sau nhé!
4. Sau nhiều năm miệt mài với mục tiêu xây dựng những cộng đồng mới văn minh cho giới trẻ, chị Lan Anh thấy cộng đồng xung quanh mình đã thay đổi như thế nào?
Gần 10 năm kể từ ngày xây dựng cộng đồng local brand, đến nay khi nhìn lại chặng đường đó, chị thấy vô cùng tự hào. Tự hào vì được đồng hành, phát triển cùng một thế hệ trẻ Việt Nam rất khác: độc lập, sáng tạo, kiên định, bền bỉ, có tâm, có tầm và không ngừng học hỏi.
Chứng kiến những bé chủ local brand sinh từ 1993 - 2002 đến giờ là 2 thế hệ. Thế hệ đầu khởi nghiệp đơn giản bằng đam mê, thích mặc đẹp, phần lớn không ai có kế hoạch hay mong đợi gì cho con đường sau này. Các bạn dấn thân với khởi đầu đơn thuần nhưng luôn chỉn chu và biết cách để lại dấu ấn trong từng sản phẩm.
Thế hệ thứ 2 thì đã có kế hoạch, đưa ra các chiến lược nhất định khi thị trường ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Các em sau này cũng rất nhanh nhạy, nắm bắt thị hiếu khách hàng tốt, có những brand còn xây được cộng đồng riêng bền vững.
Tất cả các local brand của TNP và TND đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của thế hệ trẻ Việt Nam. Giới trẻ yêu thích, ưa chuộng hàng local brand vì nó đã đáp ứng được những tiêu chí:
+ Chú trọng việc xây hình ảnh thương hiệu.
+ Lấy nhu cầu của khách hàng làm giá trị cốt lõi.
+ Không ngừng nâng cao, tìm tòi tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt.
+ Giá cả phải chăng.
+ Kiểu dáng đa dạng.
+ Nắm bắt xu hướng.
+ Định hình rõ phân khúc sản phẩm.
+ Xây dựng và hình thành thói quen ủng hộ “hàng Việt Nam” trong giới trẻ.
5. Nhiều người nhận xét là Gen Z “cả thèm chóng chán”, gặp khó khăn dễ buông, dễ nản. Còn với những bạn trong đội ngũ của TNP & TND thì sao, chị đã làm thế nào để các bạn luôn cảm thấy hứng khởi với công việc ngay cả trong những giai đoạn khó khăn?
Theo chị thế hệ nào thì cũng có người này, người kia tuỳ thuộc vào tư duy và định hướng của mỗi người trong quá trình phát triển bản thân.
Các bạn Gen Z cả thèm chóng chán, gặp khó khăn dễ buông dễ nản là vì các bạn chưa đủ trải nghiệm nhất định để định hướng suy nghĩ cũng như cách phản ứng của bản thân trong các tình huống, thử thách cụ thể. Mỗi chúng ta đều cần thời gian, cần những trải nghiệm và các bài học để trưởng thành.
Với vai trò của một leader, chị luôn ý thức mình là tấm gương, là người có khả năng gây ảnh hưởng, hướng dẫn những kĩ năng, cách thức đạt được mục tiêu & truyền cảm hứng đến các cá nhân trong tổ chức. Cách mà người lãnh đạo giữ cho mình những hành vi chuẩn mực, cách đối mặt, phản ứng với các tình huống khó khăn, thử thách sẽ quyết định hành vi, suy nghĩ của các những thành viên trong đội nhóm.
Bên cạnh đó, chị luôn đặt mình vào vị trí của người chị lớn gần gũi, lắng nghe, định hướng tư duy, kĩ năng cần thiết và khuyến khích các bạn phát triển những thế mạnh của từng bạn, trở nên tự tin, phát triển bản thân.
Chị cũng tạo điều kiện, giới thiệu thêm để ngoài làm việc với TNP, các bạn có cơ hội trải nghiệm các lĩnh vực là thế mạnh khác. Có rất nhiều bạn ngày xưa là staff của TND & TNP nhưng giờ trở thành stylist, photographer hoặc chủ local brand luôn. Chị luôn nói các bé hãy là chính mình, mạnh dạn trải nghiệm, học và trưởng thành, làm những việc mình yêu thích bằng đam mê. Có vậy các bạn mới luôn giàu cảm hứng, nhiệt huyết trong công việc.
6. Nhiều bạn trẻ ấp ủ việc lập thương hiệu riêng nhưng lại lúng túng khi nhìn vào những diễn biến thất thường của thị trường, là người làm việc trực tiếp và cùng hàng trăm local brand vượt qua giai đoạn sóng gió, chị có lời khuyên nào cho những bạn trẻ này không?
Khi xác định làm kinh doanh, ngoài những kì vọng thì cần chấp nhận các rủi ro, không chỉ ở những tình huống biến động như đại dịch vừa rồi mà còn từ rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác.
Ước mơ chỉ có thể thành hiện thực nếu chúng ta bắt đầu bằng hành động, tìm cơ hội, chấp nhận rủi ro và không bỏ cuộc. Liên tục nghĩ về cách bạn làm mọi thứ tốt hơn, cứ như vậy bạn sẽ tìm ra hướng giải quyết cho mọi vấn đề và tạo ra một quy trình vận hành tốt, bền vững cho bất cứ mô hình nào. Một dự án kinh doanh thành công đôi khi không cần bắt đầu bằng ý tưởng thật xuất sắc, chỉ là hãy tạo cái gì đó mà mọi người đều muốn, đều cần.
7. Điều tuyệt vời nhất mà chị tìm thấy trong công việc của mình là gì?
Đó là chị có cơ hội được làm việc với các bạn trẻ, được đồng hành, nhìn sự phát triển, thành công, chuyển mình của một thế hệ mới. Năng lượng, nhiệt huyết, đam mê đơn thuần của tuổi trẻ ấy là cảm hứng, động lực khiến chị luôn ấp ủ muốn tạo ra nhiều nhiều hơn nữa những sân chơi văn minh hơn.
8. Ba nguyên tắc trong công việc mà chị sẽ tuyệt đối tuân thủ?
Đầu tiên là “discipline” - tính kỷ luật. Dù có làm việc bằng đam mê hay nhiệt huyết thì cũng sẽ có những ngày chúng ta không có động lực gì cả. Mỗi người cần tuân thủ kỉ luật, hoàn thành những việc phải làm kể cả khi không có “mood”.
Picky: khó tính - khi tạo ra bất cứ sản phẩm gì cũng nên thử đứng ở góc độ khách hàng, mà phải là khách hàng khó tính nhất để nhận định sự hài lòng về sản phẩm. Có thế chúng ta mới đưa ra được những sản phẩm chỉn chu, tốt về cả chất lượng và cảm nhận, trải nghiệm của khách.
Uy tín: để một cộng đồng tồn tại, phát triển bền vững, có thể đồng hành cùng gần 300 đối tác suốt thời gian dài thì uy tín là thứ tối quan trọng. Nó là lí do để mọi người đặt niềm tin vào tổ chức của mình, để chia sẻ vượt qua những giai đoạn khó khăn và gắn kết đến ngày hôm nay.
9. Ấn tượng về chị đó là một người phụ nữ của những kế hoạch, vì lúc nào chị cũng ấp ủ rất nhiều dự định và đã muốn sẽ làm rất nhanh. Động lực và cảm hứng nào giúp chị luôn tiến về công việc với tốc độ nhanh như vậy?
Có lẽ mỗi chúng ta đều có một lý tưởng sống. Với chị, được làm việc và cống hiến là niềm vui và hạnh phúc. Ở cái tuổi U40 thì chị càng muốn chạy đua với thời gian hơn. Là người thích và muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực nên việc luôn có những kế hoạch, những ấp ủ giúp bản thân có cơ hội để học hỏi, cập nhật, tiếp cận thêm những cái mới, đồng thời giữ cho tư duy luôn cởi mở, mới mẻ, trẻ trung.
Từ đó chị sẽ không bị cảm giác tụt hậu và đỡ sợ cái số tuổi không còn nhỏ của mình nữa nè hehe. Với chị cuộc sống là sự vận động và phát triển, hạnh phúc là nhìn thấy những thành quả mình tạo ra và quá trình nỗ lực không ngừng của bản thân để đạt được nó. “You are your only limit” (Bạn là giới hạn duy nhất của chính mình).
10. “Tôi dốc hết sức mình, chịu đựng cái cần chịu đựng, và tôi có thể, theo cách riêng của mình, mãn nguyện. Từ thất bại và niềm vui, tôi luôn cố gắng bước ra sau khi đã thấu hiểu một bài học cụ thể” - Hararuki Murakami. Bài học giá trị nhất mà chị thấu hiểu được là gì?
Chị nghĩ bài học lớn nhất của cuộc đời, ảnh hưởng đến cách chị thấu hiểu mọi bài học sau này đó là: “Mindset is everything”.
Mindset là tư duy của con người. Mindset được định nghĩa là cách thức chúng ta nhìn nhận về cuộc sống và định hướng cách xử lý, phản ứng với các tình huống cụ thể. Sự lựa chọn lạc quan hay tiêu cực từ tư duy của mỗi người trong các tình huống quyết định họ trở thành người có tư duy bảo thủ (fixed mindset) hay tư duy cầu tiến (growth mindset). Nó sẽ dẫn đến các giá trị khác như sự bình yên, hạnh phúc, thành công hay thất bại.
Có 2 câu nói mà chị rất thích và luôn nhắc nhở bản thân mỗi ngày:
- “Your mind is a garden. Your thoughts are the seeds. You can grow flowers or you can grow weeds” (Tâm trí của bạn là một khu vườn. Suy nghĩ của bạn là hạt giống. Tuỳ vào bạn mà thứ nhận lại có thể là hoa, cũng có thể là cỏ dại).
- “You live the most of your life inside of your head, make sure it's a nice place to be” (Phần lớn thời gian bạn sống với những suy nghĩ trong đầu, hãy chắc chắn rằng đó là một nơi xứng đáng).
11. Sau TNP và TND, chị có bất kì kế hoạch nào ấp ủ dành cho giới trẻ Việt Nam không?
Có lẽ ngoài việc xây dựng thêm những giá trị mới trong cộng đồng local brand thời trang thì sắp tới đây chị sẽ tiến hành những dự án mới đã được ấp ủ khá lâu. Đó là tạo ra những cộng đồng, không gian mới, những tổ hợp vui chơi giải trí, mang tính trải nghiệm, văn minh, sáng tạo, kết nối dành cho các bạn trẻ.
Thực tế cho thấy nhu cầu vui chơi giải trí của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z đã thay đổi. Họ đang trở thành lực lượng thống trị với thói quen tiêu dùng có sức ảnh hưởng. Dẫn đến nhu cầu lớn về những sản phẩm, dịch vụ mang tính kết nối, có thẩm mỹ cao và hướng đến cảm xúc của người dùng. Hi vọng mô hình này sẽ được các bạn trẻ đón nhận.
Qua đây cũng cho chị xin gửi lời cám ơn chân thành sâu sắc đến toàn thể cộng đồng local brand Việt Nam nói chung và các bạn trẻ nói riêng đã luôn yêu thương, ủng hộ, đồng hành với TNP, TND những năm qua. Chúc mọi người một năm mới sức khoẻ, vạn sự như ý, nhiệt huyết và bùng nổ!