Hoàn Châu Cách Cách là bộ phim truyền hình huyền thoại gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Nam chính của bộ phim - chàng hoàng tử Ngũ A Ca điển trai và si tình do Tô Hữu Bằng thủ vai đã trở thành "nam thần" của biết bao cô gái ngày ấy. Trong phim, Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ cùng nàng Tiểu Yến Tử đã viết nên một chuyện tình lãng mạn, có thăng trầm nhưng cái kết vô cùng viên mãn. Thế nhưng ở ngoài đời thật, vị Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ của nhà Thanh đã không có số phận hạnh phúc như vậy.
Ngũ A Ca là vai diễn bất hủ tạo nên tên tuổi cho Tô Hữu Bằng
Người con xuất chúng nhất của vua Càn Long
Có thể nói trong các nhân vật chính của Hoàn Châu Cách Cách, Vĩnh Kỳ chính là người được xây dựng sát với nguyên mẫu lịch sử nhất. Ái Tân Giác La Vĩnh Kỳ (1741 - 1766), tự Quân Đình, hiệu Đằng Cầm cư sĩ, là người con trai thứ 5 của Hoàng đế Càn Long, mẹ là Du Quý phi cũng rất được sủng ái.
Theo sử sách ghi lại, Vĩnh Kỳ ngay từ nhỏ đã bộc lộ trí thông minh, trí tuệ xuất chúng hơn người. Hoàng tử là một người đa tài đa nghệ, có thể sử dụng thông thạo ba ngôn ngữ Hán, Mãn và Mông Cổ. Ông có thiên phú trong việc nghiên cứu thiên văn, địa lý, lại giỏi lịch pháp, toán học, đồng thời còn có tài thi ca, thư pháp, cưỡi ngựa, bắn cung,... đều thành thục. Ngũ A Ca có một tác phẩm nổi tiếng đến tận ngày nay là bài thơ Tiêu thông đằng cảo.
Chân dung thực tế của Vĩnh Kỳ trong tranh vẽ
Không chỉ giỏi giang, Vĩnh Kỳ còn là một người con trai vô cùng hiếu thảo. Vào năm Càn Long thứ 28 (1763), điện Thanh Yến ở Viên Minh Viên xảy ra hỏa hoạn. Trong lúc hỗn loạn, tất cả mọi người, bao gồm hai người anh em khác của Vĩnh Kỳ đều vội chạy ra ngoài thoát thân. Chỉ có một mình Ngũ A Ca đã liều mình nhảy vào biển lửa để cứu vua cha ra ngoài an toàn. Sự kiện này đã khiến Càn Long càng thêm yêu thương đứa con trai của mình.
Theo tục thời nhà Thanh bấy giờ, các hoàng đế chỉ cho tuyên bố người được chọn nối ngôi khi đã băng hà. Nhưng với Càn Long thì khác, ông dù không công bố chính thức nhưng đối đãi và có rất nhiều hành động thể hiện ý định chọn Vĩnh Kỳ làm thái tử. Năm 1765, Vĩnh Kỳ là hoàng tử đầu tiên trong tất cả anh em được phong hàm Vương với tước hiệu Hoà Thạc Vinh Thân Vương. Vì hầu hết con vua chỉ được phong Vương khi đã qua đời nên việc Ngũ A Ca được Càn Long phong tước khi còn sống đủ để thấy rằng Vĩnh Kỳ được Hoàng đế đặt nhiều kỳ vọng thế nào.
Có cả tài cả đức, Hoàng tử Vĩnh Kỳ vốn được Càn Long lựa chọn nối ngôi từ khi còn trẻ
Không chỉ vậy, vào thời nhà Thanh, chữ "Vinh" trong tước hiệu vốn được dành riêng cho con trai trưởng, vô cùng tôn quý. Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ tuy không phải do hoàng hậu thân sinh nhưng lại vẫn nhận được tước hiệu này, càng thể hiện ý định "ngầm" của Càn Long. Sau khi được phong vương, Vĩnh Kỳ cũng ngày càng tham gia nhiều vào chính sự, giúp vua cha đưa ra nhiều chính sách, ý kiến trị quốc sáng suốt.
Cái kết buồn khiến người đời mãi tiếc nuối
Trong Hoàn Châu Cách Cách, Ngũ A Ca đã từ chối cơ hội trở thành hoàng đế của Đại Thanh để cùng Tiểu Yến Tử và các con rời khỏi hoàng cung, đi lang bạt thiên hạ và sống hạnh phúc mãi về sau trong dân gian. Trong lịch sử, hoàng tử Vĩnh Kỳ cũng đã không trở thành vua như kỳ vọng, nhưng với lý do đau buồn hơn nhiều.
Vào năm 1766, Hòa Thạc Vinh Thân Vương đã đột ngột qua đời khi mới 24 tuổi vì bệnh lao. Trước sự ra đi của người con tài hoa mình nhất mực yêu thương, vua Càn Long đã rất đau buồn suốt một thời gian dài. Hoàng tử yểu mệnh được truy thụy là Vinh Thuần Thân vương. Hậu thế về sau khi khai quật khu lăng mộ của Vĩnh Kỳ đã phát hiện quy mô mộ, đồ đạc của cải được chôn cất theo hoàng tử đều hoành tráng vượt bậc so với quy định thông thường. Càn Long năm xưa đã chôn cất người con trai thứ 5 của mình với tư cách như một hoàng thái tử của Đại Thanh.
Lăng mộ của hoàng tử Vĩnh Kỳ ngày nay
Trong phim, Ngũ A Ca mang hình tượng một chàng hoàng tử vô cùng si tình, nhất mực yêu thương Tiểu Yến Tử và còn vì nàng rời bỏ vương vị. Thế nhưng trên thực tế, Ngũ A Ca ngoài đời có 3 người vợ, bao gồm 1 vị phúc tấn, 1 vị trắc phúc tấn và 1 tiểu thiếp. Thế nhưng đối với quý tộc thời đó, 3 người phụ nữ cũng không phải là con số nhiều.
3 người vợ đã hạ sinh cho Vĩnh Kỳ 6 người con trước khi ông qua đời. Thế nhưng đáng buồn là 5 trong 6 người con đều chết yểu. Chỉ có một người duy nhất sống được đến tuổi trưởng thành là hoàng tử Miên Ức. Tiếc thương người con đoản mệnh, Càn Long đã đón Miên Ức vào cung để tự mình nuôi dưỡng, dạy dỗ. Về sau, Miên Ức được phong là Vinh Khác Quận Vương và cũng trở thành một cận thần phò tá đắc lực cho chú của mình là vua Gia Khánh.
Nguồn: Sohu