Khi chị em "máu me" dắt nhau lên sàn chứng khoán: Còn thở là còn gỡ, những pha "lật ngược" lãi lỗ và bài học để đời

Có người nói con gái đầu tư chứng khoán có nhiều điểm lợi so với cánh mày râu, cũng có người nói ngược lại. Vậy rốt cuộc mọi chuyện ra sao?

Chứng khoán và con gái, thoạt nghe như thể hai đường thẳng song song vậy. Bởi một bên là cái gì đó xem chừng to tát và rất chuyên ngành còn một bên thì như đã biết, “sáng nắng chiều mưa giữa trưa gió mùa”. Nói chung là chẳng “lan quyên”.

Nhưng giống như việc đội tuyển bóng đá nữ vẫn lăn xả trên sân bất chấp niềm tin “con trai đá bóng giỏi hơn con gái” hay việc số đầu bếp nam nhiều áp đảo số đầu bếp nữ dù ai cũng cho rằng “con gái nấu ăn khéo hơn con trai”, mọi chuyện tương tự cũng đúng với con gái và chứng khoán. Càng ngày, số lượng chị em tham gia vào sân chơi đầu tư này càng đông đảo.

Có những người chỉ dạo chơi thoáng qua, có người đã gắn bó và coi nó như một công việc chính của mình. Điểm chung là dẫu thế nào, họ vẫn cho rằng trong lĩnh vực này, mình chẳng thua kém đấng nam nhi nào cả.

Còn chi tiết hành trình họ “chinh phục” chứng khoán ra sao mời các bạn theo dõi dưới đây!

Khi chị em máu me dắt nhau lên sàn chứng khoán: Còn thở là còn gỡ, những pha lật ngược lãi lỗ và bài học để đời  - Ảnh 1.

Mình bắt đầu chơi chứng khoán từ năm 20 tuổi. Dù đã tìm hiểu trước đó nhưng phải đến khi biết bạn mình cũng chơi, mình mới có can đảm thử. Ban đầu mình chỉ tham gia chứng chỉ quỹ, và dần tự tìm hiểu thêm.

Thị trường chứng khoán đòi hỏi việc kiểm soát cảm xúc rất cao, nó không dễ như khi chúng ta ngồi nói với nhau thế này đâu và tất nhiên, nó không phụ thuộc vào đàn ông hay phụ nữ mà phụ thuộc vào cá nhân từng người. Khi tham gia đủ lâu, bạn sẽ nhận ra những mất mát bạn phải chịu từ việc không kiểm soát cảm xúc nó đau đớn hơn rất nhiều so với bạn đưa ra nhận định sai về thị trường. Bởi nếu nhận định sai về thị trường, bạn có thể dừng nó kịp lúc, nhưng nếu bạn thua lỗ vì cảm xúc của mình, cái giá phải trả là rất đắt. Bạn từ không kiểm soát được cảm xúc trở nên khủng hoảng hơn, nó thật sự đáng sợ bởi bạn càng thua lại càng muốn gỡ, càng muốn gỡ càng thua, và tâm lý của bạn ngày càng suy sụp.

Khi chị em máu me dắt nhau lên sàn chứng khoán: Còn thở là còn gỡ, những pha lật ngược lãi lỗ và bài học để đời  - Ảnh 2.

Mình cũng từng như thế, dù mình lỗ không nhiều so với người khác nhưng đối với mình nó là con số lớn. Mình đã thua mất 2/3 số tiền ngay từ 2 lệnh đầu tiên khi vừa mới nạp vào tài khoản. OMG! Mình còn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Số vốn đó là tất cả số tiền mình có được tại thời điểm ấy, và mình hoàn toàn không biết nên làm gì với chỉ 1/3 còn lại. Đó thực sự là một cú sốc và bài học đầu đời khiến mình nhận ra, ngoài kiến thức và vốn thì mình còn cần chuẩn bị tâm lý thất vững vì “chơi” với chứng khoán.

Khi chị em máu me dắt nhau lên sàn chứng khoán: Còn thở là còn gỡ, những pha lật ngược lãi lỗ và bài học để đời  - Ảnh 3.

Mình bắt đầu đầu tư chứng khoán từ 1 năm trước thôi, được cái cả quá trình mình đầu tư thì lãi luôn nhiều hơn lỗ. Tính tổng số lỗ mình phải cắt từ trước đến nay tầm đâu 18 triệu. Tuy nhiên, con số này rất nhỏ so với số lãi kiếm được nên mình khá hài lòng về thành quả đầu tư của mình. Thời gian đầu mình mua mã nào cũng lãi, lại hiếu thắng muốn giữ thành tích lãi trên mọi giao dịch nên có lúc lỗ mình vẫn kiên quyết giữ, không bán. Sau đó mình phát hiện lỗ xong hồi phục thì có vẻ nhanh đấy nhưng thực chất phải mất cả nửa năm mới quay lại mức ban đầu được.

Bài học mình rút ra là phải nhanh nhạy và quyết đoán hơn, phòng trường hợp xảy ra downtrend (thị trường liên tục đi xuống), hay thậm chí là khủng hoảng tài chính. Bây giờ thì mình đã tập trung vào đầu tư hơn, dành nhiều thời gian để quan sát thị trường và kỷ luật hơn và cũng cố gắng nghiêm chỉnh cắt lỗ theo quy tắc hơn.

Mình không biết các bạn nữ khác thế nào, chứ riêng mình do không dám chấp nhận mức độ mạo hiểm cao nên thường không đầu tư hết tiền hay dùng margin mà tỷ lệ tiền mặt trong tài khoản sẽ cao hơn các bạn nam. Có những trường hợp do đắn đo suy nghĩ, thiếu quyết đoán mà mình bỏ lỡ cơ hội. Hoặc mua đúng mã, phần trăm lãi rất cao nhưng do mình mua ít nên số tiền đạt được không nhiều bằng các bạn. Bởi thế, mình có thể sẽ bớt thua lỗ hơn nhưng tổng số tiền kiếm được từ một số vốn ban đầu chưa chắc đã bằng cánh con trai đâu.

Về phần một cô gái cần chuẩn bị gì khi bước vào sân chơi này thì đầu tiên chính là cần một số vốn hợp lý. Hãy bắt đầu với một số tiền vừa phải, sau đó gia tăng dần. Mình nghĩ với những người mới đầu tư thì chỉ nên sử dụng khoảng 20-30% vốn nhàn rỗi, khi đã tự tin hơn về kiến thức và kinh nghiệm thì có thể gia tăng dần.

Khi chị em máu me dắt nhau lên sàn chứng khoán: Còn thở là còn gỡ, những pha lật ngược lãi lỗ và bài học để đời  - Ảnh 4.

Thứ hai là những kiến thức về đầu tư, hãy tìm hiểu thông tin từ những nguồn đáng tin cậy để hiểu hơn về xu hướng thị trường, ngành và công ty cũng như tâm lý thị trường. Mình thường đọc sách, tham gia các khóa học, theo dõi thông tin từ các báo tài chính uy tín, báo cáo quý, báo cáo thường niên, phân tích cơ bản của ngành và công ty.

Thứ ba là chọn người đồng hành. Trong thời gian đầu bạn nên có những người bạn hoặc broker dày dạn kinh nghiệm với phong cách đầu tư phù hợp để giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.

Thứ tư là kế hoạch và chiến lược đầu tư. Nên xác định sẽ đầu tư theo phong cách nào, bỏ ra bao nhiêu thời gian, với những quy tắc và kỷ luật gì, đặc biệt là nguyên tắc mua bán, cắt lỗ chốt lời.

Cuối cùng là tâm lý, hãy luôn kỷ luật, kiên nhẫn, bình tĩnh, không ngừng học hỏi và đặc biệt là phải cố tránh FOMO (fear of missing out), nghĩa là sợ bỏ lỡ những cơ hội tốt do đang đứng ngoài cuộc. Trạng thái tâm lý này dễ dẫn đến những quyết định sai lầm, ví dụ chưa tìm hiểu kỹ mà mua ngay, hay đạt lãi đúng kỳ vọng nhưng chưa bán vì sợ bán xong còn tăng nữa, sẽ “mất hàng”. Không tốt lắm đâu!

Khi chị em máu me dắt nhau lên sàn chứng khoán: Còn thở là còn gỡ, những pha lật ngược lãi lỗ và bài học để đời  - Ảnh 5.

Mình bắt đầu biết đến chứng khoán từ khi còn học đại học, vì mình học ngành Tài chính quốc tế. Lần đầu tiếp cận thì từ môn học Phân tích đầu tư chứng khoán, có phần thực hành phải giao dịch thực tế theo nhóm để lấy điểm. Sau đó mình tự tìm tòi thêm và xem chứng khoán như kênh đầu tư sinh lời, kiếm thêm thu nhập. Thời điểm dịch bệnh bùng nổ vào đầu 2020 là lúc mình có cơ hội dành nhiều thời gian hơn cho chứng khoán. Mình nhận ra chứng khoán mang đến môi trường làm việc tốt hơn và thu nhập hấp dẫn hơn.

Tính cách cá nhân mình thường không để chuyện công việc ảnh hưởng đến các cuộc vui. Nên việc danh mục lỗ là một điều rất khách quan, mình tuân thủ chiến lược đầu tư của bản thân, vẫn cắt lỗ khi cần thiết, gồng lỗ khi chưa vi phạm gì, và chỉ là một phần liên quan đến công việc của mình. Nếu thật sự đang không thoải mái, mình sẽ từ chối tham gia cuộc vui. Nếu đang tham gia cuộc vui thì mình sẽ tận hưởng nó.

Trong chứng khoán, giới tính không quyết định được điều gì mà tính cách và kinh nghiệm mới là yếu tố quan trọng. Tính cách sẽ quyết định phong cách đầu tư của nhà đầu tư, còn kinh nghiệm sẽ giúp họ giảm thiểu các rủi ro liên quan đến tâm lý đầu tư. Tóm lại, chứng khoán là cuộc chiến tâm lý của mỗi nhà đầu tư với lòng tham và nỗi sợ của bản thân. Cách vượt qua của mỗi người sẽ khác nhau, không ai có thể khuyên hay hướng dẫn mình được. Đây là cuộc chiến, là bài học liên tục, ở mỗi giao dịch. Cách khả thi nhất để hạn chế tâm lý này là đặt ra mục tiêu, chiến lược cụ thể, và tuân thủ chúng, chỉ điều chỉnh ở mức độ vừa phải khi cần thiết.

Khi chị em máu me dắt nhau lên sàn chứng khoán: Còn thở là còn gỡ, những pha lật ngược lãi lỗ và bài học để đời  - Ảnh 6.

Vậy, một cô gái bắt đầu chơi chứng khoán cần chuẩn bị gì? Thực ra không chỉ con gái mà người mới nào cũng cần vài gạch đầu dòng thế này:

- Kiến thức: không cần đọc quá nhiều sách hay học quá chuyên sâu, nhưng kiến thức cơ bản để có thể đọc hiểu các thông tin từ media, các cộng đồng, nhóm khuyến nghị,… Kiến thức cũng sẽ giúp mình lựa chọn được công ty chứng khoán, môi giới, cộng đồng đầu tư phù hợp.

- Vốn nhàn rỗi: không cần nhiều, nhưng thật sự nhàn rỗi, không cần đến trong khoảng thời gian nhất định, ít nhất tầm 1 quý hoặc 6 tháng trở lên.

- Mục tiêu rõ ràng cho từng giai đoạn: không nên đặt mục tiêu là học được càng nhiều càng tốt, lãi được càng nhiều càng tốt, vì nếu vậy sẽ không học được gì và lãi cũng chỉ là ăn may, không thể đầu tư bền vững.

Khi chị em máu me dắt nhau lên sàn chứng khoán: Còn thở là còn gỡ, những pha lật ngược lãi lỗ và bài học để đời  - Ảnh 7.

Mỗi người sẽ có cách tiếp cận chứng khoán khác nhau, người coi đó là cuộc chơi cần sự thắng thua, người nghĩ là một thú vui, người lại mong là kênh đầu tư sinh lời. Riêng mình thì không gọi chứng khoán là “chơi”, mà thường nghĩ đây là 1 kênh để mình giữ tiền nhiều hơn, đó cũng là lý do đầu tiên mình tiếp cận với chứng khoán.

Mình biết đến chứng khoán khá lâu rồi, từ khi còn bé bố mẹ mình đã đầu tư và được nghe về nó. Nhưng mãi sau này khi có những quỹ tiền riêng mình mới bắt đầu tìm hiểu và mua những mã cổ phiếu đầu tiên. Khi bắt đầu thử tập tành thì không ai hướng dẫn mình cả, mình lên mạng đọc về cách thức mua, các website và app xem bảng giao dịch và kiểm soát đầu tư thôi. Sau đó mình mua từng chút một, đồng thời nghiên cứu về các sóng lên xuống thị trường để xác định thời điểm mua vào bán ra sao cho hợp lý.

Chứng khoán đôi khi tạo cảm giác cho mọi người giống như đánh bạc vậy, còn thở là còn gỡ, nên cần biết điểm dừng, giữ một cái đầu lạnh để nhìn thị trường thì tốt hơn. Song, chứng khoán khác đánh bạc ở chỗ không phải do may rủi mà do thị trường quyết định, nên cá nhân mình sẽ không đầu tư theo cảm tính, mà sẽ xem xét các yếu tố thời điểm, khả năng kinh doanh, sự hưng phấn của thị trường để đưa ra quyết định.

Khi chị em máu me dắt nhau lên sàn chứng khoán: Còn thở là còn gỡ, những pha lật ngược lãi lỗ và bài học để đời  - Ảnh 8.

Đương nhiên thì không phải lúc nào mình cũng thành công. Khá nhiều lần mọi người đang vui riêng bảng của mình đỏ 1 màu. Nhưng có lẽ vì đầu tư có kiểm soát và tính toán nên mình biết những mã đã mua sẽ không chạm đáy mà chỉ là sóng đánh lên xuống của thị trường, kiểu gì cũng lên lại nên buồn vài phút thôi. Những lúc như vậy mình sẽ tắt không nhìn app 2-3 ngày và màu xanh sẽ quay trở lại. Chìa khoá ở đây là kiên nhẫn, quan sát và tích cực.

Nói trộm vía một chút thì mấy năm mua chứng khoán mình chưa đánh rơi đồng nào, mà chỉ lãi thêm túi thôi. Bởi vậy mình mới tự tin chứng khoán là kênh giữ tiền yên tâm nhất của mình. Bình thường để tiền trong tài khoản muốn mua gì rất dễ, kể cả để tài khoản tiết kiệm thì rút online chỉ mất 1-2 phút, còn như chứng khoán muốn dùng đến phải bán ra, đợi 2 ngày tiền mới về tài khoản, chưa kể lúc sóng xuống thì tiếc lỗ, sóng lên thì không nỡ bán ra, nên hạn chế được chi tiêu vào những thứ không quan trọng rất tốt.

Thực ra ngoại trừ những thời điểm khủng hoảng xã hội nghiêm trọng hay những mã bị đầu cơ, thì chứng khoán đều có những đặc điểm riêng thôi, để tránh mất tiền thì chúng ta cần cái đầu lạnh một chút để không thấy hơi lỗ là cuống cuồng bán ra. Đặc biệt, với những người đầu tư không chuyên như mình thì có một lời khuyên là đừng kỳ vọng quá nhiều vào số tiền lãi từ chứng khoán. Để thu lãi lớn bạn cũng cần đầu tư rất nhiều thời gian và mối quan hệ như các công việc thực sự khác, chứ không chỉ cứ mua vào bán ra là sẽ có nguồn thu cao. Chính việc xác định tư tưởng này từ đầu sẽ không khiến bạn cảm giác ăn thua trong quá trình giao dịch và không bị ảnh hưởng bởi quá nhiều thông tin, luồng dư luận bên ngoài.