Gái đẹp biết 4 ngoại ngữ, từng đi 12 nước nói chuyện TIỀN: Chỉ mua hàng sale, tháng nào cũng tiết kiệm 50% thu nhập và đây là CÁCH

Những lời khuyên chi tiêu của cô nàng 27 tuổi, biết 4 ngoại ngữ, từng đi 12 nước này hẳn sẽ hữu ích cho nhiều người đấy.

- Tốt nghiệp FTU loại xuất sắc

- Từng đạt học bổng Ngân hàng KEB, học bổng Ngân hàng ANZ, học bổng trao đổi văn hóa với ĐH Nagoya - Nhật Bản, học bổng của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ Amcham...

- Từng làm Key Account Manager (quản lý khách hàng trọng yếu) cho P&G - một tập đoàn đa quốc gia lớn hàng đầu trong ngành bán lẻ thế giới, làm phân tích thị trường tại Singapore, làm marketing và sales tại Nhật Bản

- Thành thạo tiếng Việt, Anh, Nhật, Trung, biết một ít tiếng Đức, đang học thêm tiếng Hàn

...

Ngần này gạch đầu dòng đã đủ để bạn phải ấn tượng về Nguyễn Mỹ Linh (SN 1994) - một cô gái "tài sắc vẹn toàn" đúng nghĩa đen đến từ xứ Nghệ. Thế nhưng, những điều hay ho cũng như những bài học kinh nghiệm mà người ta có thể học được từ Mỹ Linh thì không chỉ dừng lại ở đây.

Gái đẹp biết 4 ngoại ngữ, từng đi 12 nước nói chuyện TIỀN: Chỉ mua hàng sale, tháng nào cũng tiết kiệm 50% thu nhập và đây là CÁCH - Ảnh 1.

Xinh và giỏi là 2 từ đúng nhất để miêu tả về Mỹ Linh (SN1994, Nghệ An)

Vốn sinh ra ở miền núi nên để theo học những ngôi trường tốt hơn, Mỹ Linh đã chấp nhận xa bố mẹ từ lớp 4 và sống với họ hàng. Đến năm lớp 7, Mỹ Linh chỉ sống với chị gái, từ lúc này, cô nàng hoàn toàn tự quản lý chi tiêu. Việc từng sinh sống, làm việc ở Nhật Bản và Singapore - 2 trong số những quốc gia đắt đỏ nhất thế giới cũng giúp Mỹ Linh có cái nhìn khác hẳn về bức tranh tài chính của bản thân. Và đó là lý do cô gái này có thể nói là cực "bén" với các vấn đề liên quan đến tiền bạc, bất kể là các khoản như tiêu dùng hàng ngày hay khoản lớn như đầu tư, tiết kiệm!

Lý trí với những khoản tiền lớn và cảm hứng với những khoản nhỏ

Nói về việc tiêu tiền thì mình thường lý trí với những khoản chi mà mình cho là lớn và cảm hứng với những khoản nhỏ. Khi thu nhập tăng thì ngưỡng mình đặt ra để có thể chi tiêu theo cảm hứng cũng sẽ tăng.

Theo thứ tự ưu tiên, mình thường đổ tiền nhiều nhất vào những nhu cầu cơ bản, mang ý nghĩa như ăn ở. Thứ hai là du lịch. Mình đã sinh sống, làm việc cũng như ghé thăm 12 quốc gia, trong đó có Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Ước mơ của mình là vừa làm việc vừa đi vòng quanh thế giới. Thứ ba là đầu tư cho bản thân. Mình thường tham gia các khóa học để nâng cao kỹ năng, theo đuổi sở thích, bởi theo mình đây cũng là một cách để gia tăng thu nhập. Ngoài tiếng Anh, Nhật, Trung, hiện nay mình đang tự học thêm tiếng Đức và tiếng Hàn. Mình nghĩ sau khi tự học xong cơ bản thì mình sẽ tham gia các lớp học trung cấp và cao cấp. Nhờ kỹ năng ngoại ngữ mà mình có thêm thu nhập từ việc làm dịch giả cho một số nhà xuất bản. Ngoài ra thì mình sẽ không bao giờ tiếc nếu chi tiền cho bố mẹ mình.

Thứ ít nhất mình chọn "móc ví" cho có lẽ là quần áo, giày dép và túi xách hàng hiệu. Mình không có cái nào.

Gái đẹp biết 4 ngoại ngữ, từng đi 12 nước nói chuyện TIỀN: Chỉ mua hàng sale, tháng nào cũng tiết kiệm 50% thu nhập và đây là CÁCH - Ảnh 2.

Với Mỹ Linh, mặc cả cây toàn đồ sale giá 100k quay đầu là việc hết sức bình thường

Mua đồ theo thứ tự nhu cầu bản thân - chất lượng - giá cả

Mình ít khi mua sắm và nếu có mua thì nhất định sẽ phải suy xét rất lâu. Thường thì mỗi khi đứng trước quyết định có nên rước một thứ gì đó về nhà, mình sẽ suy nghĩ theo phong cách tối giản để xem mình có thật sự cần món đồ này hay không: Nó có hợp với mình không? Nếu mua về thì mình có dùng không? Ở nhà đã có cái nào tương tự chưa?

Sau đó, mình sẽ suy xét đến vấn đề chất lượng. Bất kì món đồ nào cũng vậy, mình phải xem nó có bền không, có tương xứng với giá tiền không. Nếu nó đắt một chút nhưng dùng được lâu thì mình vẫn sẽ ưu tiên mua, bởi rõ ràng khi chia trung bình theo quãng thời gian sử dụng thì nó còn tốt hơn đồ rẻ tiền.

Đặc biệt, mình là một đứa hầu như không bao giờ mua đồ nguyên giá. Mình chỉ mua sắm vào những dịp siêu khuyến mãi, tìm cách săn sale thông minh để tiết kiệm số tiền phải bỏ ra mà vẫn sở hữu được món đồ tốt cho mình.

Càng không có tiền, càng phải quản lý chi tiêu

Từ thói quen chi tiêu của mỗi cá nhân thì chúng ta sẽ nắm được những khoản chi cố định hàng tháng, từ đó xem xét nên tăng giảm chỗ nào để đạt được mục tiêu tiết kiệm. Mình nghĩ những bạn chưa có một khoản tiền tiết kiệm đủ để sống trong ít nhất 3 tháng thì càng nên quản lý chi tiêu thật kỹ càng. Thu nhập và khoản tiết kiệm đã tích lũy được càng tăng thì các bạn càng có thể thoải mái hơn.

Gái đẹp biết 4 ngoại ngữ, từng đi 12 nước nói chuyện TIỀN: Chỉ mua hàng sale, tháng nào cũng tiết kiệm 50% thu nhập và đây là CÁCH - Ảnh 3.

Nhờ biết quản lý chi tiêu nên mình có thể tự do sống theo ý mình và không chịu áp lực tài chính. Mình thấy có những bạn trẻ dù rất ghét công việc của mình nhưng vẫn không thể bỏ được vì các bạn đã quen với lối sống xa hoa, nghỉ việc thì không thể sống nổi. Mình thì không tiêu quá nhiều tiền nên không cần ép bản thân làm những việc mình không muốn. Mình cũng không sợ nếu như đột nhiên thất nghiệp, ốm đau hay nhà có việc cần tiền.

Mình nghĩ tiêu tiền để giải trí cũng là một cách hợp lý để giải sầu, và khi tâm trạng không vui thì mình cũng thích uống trà sữa, đi ăn buffet hay mua sắm. Tuy nhiên, tùy theo khả năng tài chính của mỗi người mà nên biết dừng đúng lúc. Nếu tiêu một số tiền quá lớn thì sẽ khiến chúng ta gặp thêm vấn đề tài chính, và tâm trạng sẽ càng tồi tệ hơn.

Tiêu toàn bộ số tiền mình có là quá mạo hiểm

Nhiều người nói rằng đồng tiền để yên là đồng tiền chết nên đừng tiết kiệm, rồi tiết kiệm chỉ phù hợp với người già chứ còn trẻ thì cứ tiêu đi, rồi kiếm lại. Cá nhân mình lại thấy tiêu hết toàn bộ số tiền mình có là quá mạo hiểm, nên mình luôn để ra một khoản phòng những lúc ốm đau hay công việc gặp khó khăn. Mình sẽ vừa cố gắng gia tăng thu nhập vừa chi tiêu hợp lý để tối đa hóa khoản tiền mình có thể tiết kiệm được.

Mà số tiền mình tiết kiệm có ở yên một chỗ đâu, mình thường dùng một phần trong số đó để đầu tư, bằng cách này, tiền vẫn đẻ ra tiền. Nói chung, mình nghĩ mỗi người có quan điểm và mục đích sống khác nhau. Nhiều người nghĩ rằng tiết kiệm thì không thể tận hưởng cuộc sống, mình thì thích khái niệm tiêu dùng thông thái hơn, nghĩa là có thể nhận được cùng một giá trị dù bỏ ra số tiền ít hơn. Những người biết sử dụng tài nguyên hợp lý cũng sẽ biết cách giảm thiểu chi phí và gia tăng lợi nhuận trong kinh doanh.

Làm sao để tiết kiệm?

Tiết kiệm không có nghĩa là nhịn ăn nhịn mặc, mà là đưa ra những quyết định tiêu dùng thông thái, để nhận được cùng một giá trị với số tiền bỏ ra ít hơn. Về cơ bản thì tiết kiệm được tính như sau: Tiết kiệm = Thu nhập - Chi tiêu.

1. Xác định mục tiêu

Ví dụ bạn muốn nghỉ hưu lúc nào, lúc đó cần bao nhiêu tiền, trước đó thì có cần mua nhà, mua xe không? Có sinh con không, định nuôi con như thế nào? Và để đạt được các mục tiêu của mình thì bạn cần tiết kiệm tất cả bao nhiêu tiền. Mọi mục tiêu đều cần SMART (cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, thực tế, có mốc thời gian hoàn thành cụ thể). Sau đó hàng năm, hàng tháng đều phải theo dõi xem việc chi tiêu và tiết kiệm của mình có đạt mục tiêu đề ra không, nếu không thì có phải do kế hoạch của mình không khả thi hay do có một yếu tố bất ngờ nào khác, từ đó điều chỉnh mục tiêu hoặc tìm giải pháp.

Mình thường thấy các lời khuyên là "hãy tiết kiệm 10-20% thu nhập". Mình thì nghĩ vậy là quá ít. Kể cả nếu mình chỉ kiếm được 10 triệu 1 tháng thì mình cũng sẽ đặt mục tiêu tiết kiệm 50% thu nhập (nếu không có con cái).

Gái đẹp biết 4 ngoại ngữ, từng đi 12 nước nói chuyện TIỀN: Chỉ mua hàng sale, tháng nào cũng tiết kiệm 50% thu nhập và đây là CÁCH - Ảnh 4.

Linh luôn đặt cho mình mục tiêu là phải tiết kiệm được ít nhất 50% thu nhập

Nhìn chung, mỗi người sẽ có một con số khác nhau tùy mục tiêu. Ví dụ nếu không có ý định nghỉ hưu sớm, không định mua nhà xe, không định sinh con và cũng không có nhu cầu tiêu xài gì thì mục tiêu tiết kiệm sẽ thấp. Tuy nhiên, vẫn nên tiết kiệm một khoản đủ để 6 tháng - 1 năm không đi làm thì vẫn sống được, phòng khi ốm đau, bệnh tật. Đó là trong trường hợp cả gia đình bạn đã mua bảo hiểm, còn nếu lỡ mắc bệnh thì 6 tháng tiền sinh hoạt là một con số quá nhỏ nhoi.

2. Tăng thu nhập

Hãy chia nhỏ xem bạn có những khoản thu nhập nào và cách gia tăng chúng ra sao. Lý tưởng nhất là tìm được một công việc thỏa mãn đủ các yếu tố: việc mình yêu thích, mình làm tốt, thế giới cần kỹ năng đó, và mình được trả công. Có nhiều diễn giả nổi tiếng hay nói theo kiểu hãy cống hiến hết mình cho công ty dù có được ghi nhận hay tăng lương hay không, vì như thế sẽ giúp mình học được nhiều kỹ năng mới. Mình thì không nghĩ vậy. Tốt nhất là hãy tìm một công ty nơi khả năng của bạn được ghi nhận, được trả công đàng hoàng theo mức độ cống hiến. Ấy là vừa được rèn luyện kỹ năng vừa có thêm thu nhập.

Ngoài công việc full-time thì chúng ta có thể chọn làm thêm những công việc part-time dựa trên khả năng và thời gian biểu của bản thân. Làm việc càng hiệu quả, quản lý thời gian càng tốt thì càng có thêm nhiều thời gian rảnh để làm các công việc part-time. Bản thân mình vào những thời điểm rảnh rỗi thì mình sẽ làm những việc part-time phù hợp với sở thích và khả năng của mình, ví dụ như dạy học hoặc dịch sách. Hồi sinh viên mình chuyên đi dạy, hầu như tuần nào mình cũng dạy 7 - 9 buổi (5 buổi từ thứ 2 - thứ 6, cuối tuần thì ngày 2 ca là bình thường). Ngoài ra thì thực tập cũng là một cách rất tốt để gia tăng kinh nghiệm, kỹ năng và thu nhập.

Mình cũng không phân biệt công việc chân tay hay trí thức, mình nghĩ chỉ cần chịu khó làm ăn là được, và nếu chăm chỉ thì cuộc sống cũng đều ổn cả. Đừng để bệnh sĩ chết trước bệnh tim.

Gái đẹp biết 4 ngoại ngữ, từng đi 12 nước nói chuyện TIỀN: Chỉ mua hàng sale, tháng nào cũng tiết kiệm 50% thu nhập và đây là CÁCH - Ảnh 5.

Tăng thu nhập - giảm chi tiêu là lộ trình quan trọng nhất để tiết kiệm

Sau khi tổng hợp các nguồn thu nhập, hãy suy nghĩ cần làm gì để tăng thu nhập. Ví dụ nếu nhận lương theo sản phẩm thì hãy suy nghĩ xem làm sao để tăng hiệu suất làm việc. Nếu đầu tư thì đúc kết ra làm sao để đầu tư sinh lời hơn. Còn đi làm thì hãy xem sếp có đang tăng lương cho mình theo đúng lộ trình không.

Người Việt thường ngại bàn chuyện lương bổng, vì sợ bị cho là đòi hỏi vô lý, là thực dụng. Tuy nhiên, nếu có bằng chứng rõ ràng cho thấy mình xứng đáng được tăng lương mà sếp mãi không tăng thì xin sếp xem xét là hoàn toàn hợp lý. Do đó, việc nắm vững lộ trình thăng tiến trong công ty và thành tích của bản thân là rất quan trọng. Ngoài ra, hãy nắm vững các ưu đãi công ty dành cho nhân viên để chắc chắn mình không bỏ lỡ điều gì. Ví dụ có nhiều công ty cho công viên tiền internet, điện thoại, tiền học thêm các kỹ năng, tiền tập gym,… nhưng vì không biết nên nhiều bạn sẽ bỏ lỡ.

3. Giảm chi tiêu

Cũng như thu nhập, chúng ta cần phân ra xem mình có những khoản chi chủ yếu nào, và làm sao để tiết giảm. Mình thường chia ra làm những khoản như sau: Tiền nhà, ăn uống, đi lại, mua sắm, và các khoản khác (sức khỏe, quan hệ, sở thích, học hành). Lúc ở Nhật và Singapore, để tiết kiệm tiền nhà thì mình sẽ chung cư với bạn bè thay vì thuê căn hộ studio để ở một mình. Mình cũng tự nấu ăn và thường ăn nông sản theo mùa, như vậy vừa hạn chế thuốc bảo quản thực vật vừa rẻ.

4. Học cách săn khuyến mãi

Trước đây mình từng làm Key Account Manager và lên chiến thuật cũng như triển khai các chương trình khuyến mãi là một trong những công việc chính của mình. Thế nên mình nắm rõ thời điểm các nhãn hàng thường tung khuyến mãi cũng như cơ chế cụ thể, do đó mình hoàn toàn có thể mua hàng chính hãng với mức giá giảm 50%, hay tận 80%. Với những sản phẩm thường xuyên sử dụng thì mình sẽ mua số lượng lớn lúc đại hạ giá.

Có nhiều bạn cho rằng hàng giảm giá là hàng kém chất lượng hay sắp hết hạn. Cũng không hẳn vậy, đôi khi có thể đó là hàng thời vụ, vì hết mùa nên họ giảm giá, hoặc giảm do chương trình công ty đề ra để đẩy doanh số. Thế nên sau khi kiểm tra hạn sử dụng thì các bạn có thể yên tâm sử dụng. Nếu mua hàng online mình sẽ săn voucher, nếu đi ăn ở nhà hàng mình sẽ kiểm tra các chương trình khuyến mãi như giảm giá khi đặt bàn, khi đi theo nhóm, hay giảm giá vào các khung giờ cụ thể. Mình cũng thường xuyên thanh toán bằng ví điện tử và thẻ ngân hàng để được giảm giá thêm.

5. Xác định mức giá tối đa mình sẵn sàng bỏ cho mỗi khoản chi

Ví dụ như một bộ đồ hay mỗi lần đi ăn, nếu thấy số tiền phải trả vượt quá ngân sách nhưng không có thêm giá trị gì thì mình sẽ không trả. Giá trị là một khái niệm mang tính tương đối, và còn tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Nếu lần đó phải chi trả nhiều hơn nhưng bù lại bạn có được một trải nghiệm tuyệt vời tương xứng thì hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên nếu vừa đắt vừa không hơn gì thì mình sẽ không chọn.

Ảnh: NVCC