Mùa hè nắng như đổ lửa kéo theo việc da đổ nhiều mồ hôi và dầu nhờn. Với nhiều chị em bận rộn thì việc xử lý nhanh gọn lẹ lớp dầu "lênh láng" trên mặt với giấy thấm dầu là điều luôn được ưu tiên. Giấy thấm dầu cho da mặt không chỉ đóng vai trò trong việc chăm sóc da dầu mà còn là tác nhân giúp giữ được lớp trang điểm trong thời gian lâu hơn.
Tuy là một sản phẩm quen mặt nhưng chắc chắn có nhiều điều về mảnh giấy mỏng manh này mà nhiều chị em chưa rõ.
Như nào gọi là da dầu?
Mọi làn da đều sản xuất dầu. Các tuyến bã nhờn đóng vai trò chính, tiết ra một lớp dầu mỏng trên bề mặt da giúp dưỡng ẩm và bảo vệ làn da của bạn.
Da dầu được định nghĩa khi các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, dẫn đến bề mặt da bóng nhờn, lỗ chân lông bị tắc và nổi mụn.
Da bị đổ dầu có thể do di truyền, căng thẳng, thuốc, lạm dụng một số sản phẩm chăm sóc da hoặc thậm chí là bị rám nắng. Giấy thấm dầu da mặt ra đời với mục đích thấm bớt lượng dầu thừa trên da. Đây là biện pháp vừa giúp làm sạch da, vừa có thể giữ được lớp trang điểm trên da.
Giấy thấm dầu là gì?
Giấy thấm dầu được làm từ sợi cellulose hoặc sợi nhân tạo polyme, kết cấu mỏng nhẹ, giúp thấm hút dầu thừa trên da hiệu quả và nhanh chóng. Thông thường, vùng da đổ nhiều dầu nhất tập trung ở trán, mũi, cằm. Ở những người da khô hoặc khi trang điểm cũng có thể tiết ra dầu bóng nhờn do tác dụng của lớp phấn, kem nền.
Có 2 loại giấy thấm dầu gồm dạng giấy và dạng film. Giấy dạng film được làm từ polymer xốp và một vài chất phụ gia. Loại film có khả năng loại bỏ dầu nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn và được ưa chuộng hơn.
Hiện, các loại giấy thấm dầu được thêm vào nhiều chất phụ gia nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng. Ví dụ như giấy thấm dầu trị mụn, giấy thấm dầu có lớp trang điểm, giấy thấm dầu có hoạt chất dưỡng ẩm... Do đó, khách hàng cần lựa chọn đúng loại giấy thấm dầu phù hợp với loại da cũng như tình trạng da hiện tại. Ví dụ như làn da nhạy cảm nên dùng dạng film. Nếu bạn không trang điểm hoặc da đang bị mụn thì không nên dùng loại có phấn trang điểm,...
Giấy thấm dầu da mặt có làm khô da hay gây đổ nhiều dầu hơn sau đó?
Bên cạnh lợi ích của giấy thấm dầu, chúng còn được xem là một trong những nguyên nhân đáng ngạc nhiên khác gây da dầu. Sử dụng bất kỳ công cụ chăm sóc da không cần thiết nào có thể dẫn đến tăng tiết dầu thừa cho da. Vậy liệu giấy thấm dầu có hại cho làn da của bạn không? Câu trả lời là có.
Giấy thấm dầu da mặt, cùng với các công cụ chăm sóc da khác, có thể lấy đi lượng dầu cần thiết trên da. Làn da sau đó sẽ được thúc đẩy tăng sản xuất dầu để bù đắp lại lượng dầu đã mất đi.
Sự thật là làn da cần một ít dầu, vì vậy khi lạm dụng, da của bạn sẽ chuyển sang chế độ cần được bảo vệ. Mỗi ngày, làn da bị tấn công bởi dầu, lớp trang điểm, khói bụi và ô nhiễm. Việc ấn một tờ giấy thấm vào da để hút dầu sẽ làm mất đi một chút bóng với chi phí đắt đỏ. Trong khi một phần dầu được hấp thụ vào giấy, bạn đang đẩy phần còn lại bao gồm bụi bẩn, cặn bẩn, lớp trang điểm và dầu thừa trở lại lỗ chân lông. Điều đó tạo ra một môi trường không có oxy bên trong lỗ chân lông của bạn, nơi vi khuẩn P. acnes phát triển mạnh tạo ra mụn, mụn đầu đen, vết sưng tấy và tắc nghẽn da một cách tổng thể. Vì vậy, bạn sẽ không thể khắc phục được tình trạng da dầu ban đầu mà còn có những nốt mụn mới.
Vậy dùng như nào cho đúng?
Khi sử dụng, bạn nên sử dụng lực nhẹ nhàng bằng cách đặt giấy thấm dầu ở giữa 2 ngón tay (ngón 2,3), sau đó chấm nhẹ lên vùng da bị dầu từ ba đến 5 giây. Tránh chà xát tỳ đè trên da, làm da bị sần hoặc tróc vảy, khiến chúng ta nhầm tưởng giấy thấm dầu khiến da bị khô. Bạn cũng không nên lạm dụng giấy thấm dầu, mỗi ngày dùng không quá ba lần để đảm bảo không ảnh hưởng độ ẩm tự nhiên trên da.
Đối với da bị mụn, chỉ nên dùng từng tờ giấy thấm cho từng vùng, tránh lây lan vùng mụn.
Nhiều thương hiệu tuyên bố sở hữu các loại giấy thấm dầu tốt nhất dành cho da nhờn, nhưng chúng thực sự không giải quyết được nguyên nhân gây ra da nhờn. Điều quan trọng nhất cần làm khi chăm sóc da dầu là xác định nguyên nhân và cố gắng loại bỏ nó. Điều này sẽ làm giảm sản xuất dầu, làm cho các sản phẩm dành cho da dầu của bạn hoạt động hiệu quả hơn.
Nên kết hợp thêm các phương pháp chăm sóc da khác như rửa mặt đúng cách, chọn loại sữa rửa mặt phù hợp, dành cho da dầu. Không nên chọn loại có độ kiềm cao.
Bạn cũng nên chọn toner giúp làm sạch sâu, se khít lỗ chân lông dành đúng cho loại da của mình. Ngoài ra, bạn nên dùng kem chống nắng phù hợp với loại da dầu, sử dụng sản phẩm oil free, không sinh nhân mụn, kiềm dầu. Uống đủ nước. Dưỡng ẩm da hàng ngày. Kiểm soát chế độ ăn uống: tránh xa đồ chiên xào, dầu mỡ, đường, chất béo... Nên bổ sung nhiều thức ăn chứa vitamin A như khoai lang, cà rốt, rau lá xanh (rau cải xoăn, bina, rau diếp cá, cải ngọt...), các loại trái cây tươi...