Hẹn hò chốn công sở phiên bản đời thực: Cấp dưới yêu cấp trên sẽ bị dị nghị, chia tay khó xử - còn nếu cưới được nhau thì sao?

Chuyện tình chốn công sở phiên bản đời thực có thú vị như Shin Ha Ri và “chim thuỷ tổ” Kang Tae Moo không?

Nếu bạn xem phim A Business Proposal (Hẹn Hò Công Sở), chứng kiến câu chuyện tình yêu công sở của nam chính - giám đốc Kang Tae Moo và nữ chính - cô nhân viên Shin Ha Ri, không ít mọt phim Hàn tan chảy và mong muốn có một mối tình công sở như thế. Nhưng hẹn hò chốn công sở ngoài đời thực liệu có ngọt ngào như trong phim?

Tình cảm là câu chuyện của hai người. Tuy nhiên, trong môi trường công sở thì khác, vui thì có vui nhưng những rắc rối có vẻ như cũng không ít. Nhìn chung, để chuyện tình với đồng nghiệp đơm hoa kết trái được là điều không hề đơn giản đâu nha.

Hẹn hò chốn công sở phiên bản đời thực: Cấp dưới yêu cấp trên sẽ bị dị nghị, chia tay khó xử - còn nếu cưới được nhau thì sao? - Ảnh 1.

Giám đốc Kang Tae Moo và cô nhân viên Shin Ha Ri có một tình yêu công sở rất đẹp

Hẹn hò chốn công sở phiên bản thực sẽ như thế nào?

Kỳ Anh (33 tuổi) hiện đang làm việc tại một công ty truyền thông tại Hà Nội cũng từng trải qua một mối tình nơi công sở. Cô và chồng nên duyên sau một năm làm chung dự án của công ty. Vì môi trường làm việc khá cởi mở nên chuyện tình công sở của Kỳ Anh không gặp phải áp lực gì từ phía đồng nghiệp.

Ngoài các vấn đề của tình yêu bình thường, các cặp đôi yêu cùng công ty như cặp của Kỳ Anh sẽ gặp chút bất tiện khi 2 người có cãi vã hay giận dỗi nhau. Những lúc đó thường mọi người tránh mặt là xong, còn các đôi làm việc chung thì vẫn đụng mặt, thậm chí vẫn phải làm chung job.

“Mình nhớ lần giận nhau căng nhất giữa mình và anh người yêu kiêm đồng nghiệp (giờ là chồng), bọn mình đang ngồi cạnh nhau thì mình dọn laptop ra bàn khác ngồi luôn. Sau đó lúc cả 2 làm hoà thì mình cũng không quay về bàn cũ nữa.

Khi có bất đồng, mình nghĩ các đôi đều như nhau chứ không riêng đồng nghiệp, 2 người đều phải bình tĩnh và chờ cơn giận qua đi. Sau đó cùng ngồi lại để nói rõ suy nghĩ của đôi bên. Nếu thực sự yêu nhau thì sẽ bao dung và giải quyết được mâu thuẫn thôi”, Kỳ Anh chia sẻ.

Bằng trải nghiệm cá nhân của mình, Kỳ Anh cho rằng, việc yêu đồng nghiệp cùng công ty có nhiều thuận lợi. Thời gian bên nhau các cặp đôi là đồng nghiệp sẽ nhiều hơn vì làm chung một công ty. Khi yêu đồng nghiệp thì các cuộc tụ tập chung team rất nhiều, du lịch chung với phòng hay công ty cũng nhiều nữa nên cơ hội đi chơi với nhau nhiều hơn.

“Lúc cưới thì còn tiện hơn nữa vì đi lại một cung đường và hưởng double chế độ công ty. Khi kết hôn và đặc biệt sau khi có con, các cặp đôi không còn nhiều thời gian dành cho nhau, phải chia sẻ rất nhiều thời gian cho con cái. Bởi vậy lấy đồng nghiệp thì mình thấy thời gian ở văn phòng vẫn có thể quan tâm lẫn nhau một chút, điều này có lợi hơn so với các đôi khác.

Ngoài ra khi làm cùng nghề, mức độ thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau về tính chất công việc cũng cao. Thậm chí hỗ trợ lẫn nhau được phần nào. Thêm nữa cũng sẵn chủ đề chung để nói chuyện về công việc, các chuyện phiếm xung quanh văn phòng chẳng hạn. Mình biết nhiều đôi bị ‘hết chuyện để nói’ vì 2 bên làm công việc khác nhau, trong khi không còn tò mò về nhau như lúc mới yêu nữa”, Kỳ Anh chia sẻ thêm.

Giống với Kỳ Anh, Khánh Linh (26 tuổi) cũng đã từng trải qua một mối tình chốn công sở nhưng câu chuyện tình này không thể đi đến quả ngọt.

“Mình từng trải qua một mối tình công sở. Chúng mình làm chung tập đoàn nhưng khác công ty. Nhiều sự bàn tán lắm, cả tập đoàn bàn tán luôn. Nhưng cũng chẳng phải vì mấy lời bàn tán đó mà đổ vỡ. Chỉ là chúng mình không có duyên”, Khánh Linh tâm sự.

Hẹn hò chốn công sở phiên bản đời thực: Cấp dưới yêu cấp trên sẽ bị dị nghị, chia tay khó xử - còn nếu cưới được nhau thì sao? - Ảnh 2.

Khánh Linh cũng từng trải qua một mối tình chốn công sở

Yêu đồng nghiệp nên tách bạch công việc, tình cảm và bỏ ngoài tai những lời bàn tán

Một trong những điều đặc biệt quan trọng khi hẹn hò nơi công sở là không để tình cảm riêng tư ảnh hưởng đến công việc. Khi ở công ty, hãy tập trung vào làm tốt công việc và để dành sự lãng mạn ở một không gian khác.

“Là người yêu cũng chỉ là một phần trong các mối quan hệ và cuộc sống của bạn. Việc tiếp xúc thường xuyên giữa hai người mình nghĩ sẽ gây tới nhiều vấn đề khúc mắc và giận dỗi. Nó ảnh hưởng tới cả tình cảm và công việc”, Ngọc Anh (24 tuổi) chia sẻ.

Cùng quan điểm với Ngọc Anh, Trí Công (24 tuổi) cho rằng: “Khó khăn nhất khi hẹn hò chốn công sở chính là không để chuyện riêng ảnh hưởng đến công việc. Nếu hai người là cấp trên cấp dưới thì có thể sẽ phải đối diện với những lời dị nghị về việc thiên vị từ những người xung quanh. Và còn một vấn đề nữa là hai người cùng cơ quan yêu nhau, sau đó chia tay thì sẽ rất khó xử nếu vẫn gặp nhau hàng ngày sau đó”.

“Đặc biệt, các cặp đôi hẹn hò nơi công sở cũng nên tiết chế các hành động thân mật không cần thiết. Đồng thời cần tôn trọng không gian, thời gian riêng của mỗi người đối với các mối quan hệ khác ở công ty”, Kỳ Anh nói.

Nên hay không nên có một mối tình công sở

Các cặp đôi hẹn hò nơi công sở không chỉ phải chịu búa rìu dư luận, vượt qua được, tiến tới một câu chuyện tình đẹp được thì tốt, nhưng nếu chia tay, sẽ rất khó xử với cả hai, thậm chí còn ảnh hưởng đến công việc và cơ hội thăng tiến sau này. Vậy nên hay không nên có một mối tình công sở?

Dù từng trải qua một mối tình công sở đã tan vỡ, Khánh Linh vẫn lựa chọn “CÓ”. “Cứ yêu thôi, không hợp thì thôi. Biết đâu thổ công, thổ địa trên đất công ty lại tác hợp cho 2 người nên duyên vợ chồng. Còn không nên duyên thì cũng chẳng sao cả, cứ đổ do không hợp, chờ mối lương duyên tốt lành ở tập tiếp theo”, Khánh Linh bày tỏ.

Khác với Khánh Linh, Ngọc Anh lựa chọn nói “KHÔNG” với tình yêu công sở. “Mình chưa biết thực tế trong tương lai tình yêu công sở có 'va' vào mình không nhé. Nhưng lý trí của mình chọn nói KHÔNG.

Những cô gái sống thiên về cảm xúc như mình không chịu nổi quá ba đòn từ tình yêu công sở đâu, như chuyện bỏ dở công việc, mất tập trung, được người yêu kiểm soát, khiến đồng nghiệp bàn tán… chẳng hạn. Mới liệt kê một chút là bạn thấy rắc rối rồi đúng không? Vậy thì mình muốn ‘SAY NO’ và tránh xa tình yêu công sở.

Chưa kể, nhiều câu chuyện tình yêu công sở còn liên quan tới lộ trình thăng tiến và xét đoán năng lực cá nhân. Nếu hai nhân viên yêu nhau thì không sao, một khi sếp của bạn có tình cảm với bạn và ngược lại, 90% năng lực của bạn đã được người ngoài ‘khéo’ khen tặng cho đoạn tình cảm này”, Ngọc Anh bộc bạch.

Hẹn hò chốn công sở phiên bản đời thực: Cấp dưới yêu cấp trên sẽ bị dị nghị, chia tay khó xử - còn nếu cưới được nhau thì sao? - Ảnh 3.

Ngọc Anh lựa chọn nói “KHÔNG” với tình yêu công sở

Cần gì phải tránh yêu “trai cơ quan” hay “gái cơ quan”, tránh người không còn độc thân là được

Người ta vẫn thường rò rỉ tai nhau lời khuyên, kiểu đàn ông, phụ nữ nên tránh là “trai cơ quan” hay “gái cơ quan”.

Trước lời khuyên cần phải tránh yêu những kiểu người này, Khánh Linh chia sẻ: “Chẳng phải như vậy. Công ty cũ của mình có một cặp đôi nên duyên vợ chồng, mình vẫn chơi với anh, chị đến tận giờ. Hãy cứ trải nghiệm nếu đó là điều bạn muốn. Người ta thường hối tiếc vì những điều mình không làm thì tội gì mà phải nén mình không yêu chỉ vì những lời khuyên sáo rỗng, khi mình chưa thử trải nghiệm nhỉ”.

Còn Trí Công cho rằng: “Mình nghĩ là sẽ phải tuyệt đối tránh nếu bạn hoặc người bạn thích không còn độc thân. Còn nếu cả hai còn độc thân thì cứ để theo lẽ tự nhiên thôi. Tuy nhiên cũng cần chú ý không để ảnh hưởng đến công việc”.

“Lời khuyên này có thật sự cần thiết không? Thay vì nghĩ về nó, mình nghĩ người trong cuộc nên dùng thời gian quý báu trải nghiệm là cách tốt nhất đấy! Mình chọn SAY NO với tình yêu công sở không có nghĩa nó không đẹp và thú vị.

Bạn đã trót yêu chàng/ nàng nào chốn này thì cứ mạnh dạn, dũng cảm và tận dụng ‘nhất cự ly, nhì khoảng cách’ để tiến thêm bước nữa với nửa kia nhé. Có thể, nó là ngôi nhà chung thì sao?”, Ngọc Anh chia sẻ quan điểm của mình.

Ảnh: NVCC

https://ahadep.com/hen-ho-chon-cong-so-phien-ban-doi-thuc-cap-duoi-yeu-cap-tren-se-bi-di-nghi-chia-tay-kho-xu-con-neu-cuoi-duoc-nhau-thi-sao-20220326221758672.chn