Ngày 17 tháng 7 năm 2018 đánh dấu 100 năm kể từ khi gia đình hoàng gia Romanov của Nga bị hành quyết dưới tầng hầm của ngôi nhà Ipatiev (ngày nay còn gọi là “Nhà Mục đích Đặc biệt” - House of Special Purpose) ở Yekaterinburg. 1 năm trước đó, Sa hoàng Nicholas II đã thoái vị, đánh dấu sự kết thúc của vương triều Romanov đã cai trị nước Nga 300 năm.
Sau một thời gian bị giam giữ, cả gia đình 11 người gồm: Sa hoàng Nicholas II, Hoàng hậu Alexandra Feodorovna, 4 cô công chúa Anastasia, Maria, Tatyana và Olga, hoàng tử út Alexei (khi ấy mới 13 tuổi) và người hầu của họ, bị đưa đến Tobolsk và sau đó là Yekaterinburg rồi chết trong đau đớn ở đó vào đêm 17/07/1918.
Hình ảnh gia đình Sa hoàng cuối cùng của nước Nga: Sa hoàng Nicholas II, Hoàng hậu Alexandra Feodorovna, 4 cô công chúa Anastasia, Maria, Tatyana và Olga, hoàng tử út Alexei
Căn phòng nơi diễn ra vụ hành quyết Sa hoàng cuối cùng của nước Nga
Chỉ đến những năm 1990, những gì còn lại của gia đình Romanov mới được giới chức Nga tìm hiểu, xác định danh tính và xác nhận. Ngày 17 tháng 7 năm 1998, nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của gia đình hoàng gia cuối cùng của nước Nga, Sa hoàng Nicholas II và gia đình của ông được tổ chức tang lễ cấp nhà nước tại St.Petersburg với sự tham dự của các chính khách, nhà ngoại giao, hậu duệ của gia đình Romanov và giới quý tộc châu Âu.
Trong bài phát biểu tại lễ tang, Tổng thống Boris Yeltsin khi đó đã gọi vụ hành quyết là “một trong những trang sử đáng xấu hổ nhất” của đất nước nhưng cũng nhấn mạnh rằng lễ tang "muộn" ấy là cơ hội lịch sử để chuộc lỗi cho một “thế kỷ đẫm máu và vô pháp luật” vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai.
Hoàng tộc lừng danh thế giới
Dòng họ Romanov đã cai trị nước Nga trong suốt gần 300 năm lịch sử. Sa hoàng đầu tiên của dòng tộc Romanov là Mikhail Romanov. Ông lên ngôi năm 1613, khi vừa tròn 16 tuổi. Các Sa hoàng của nhà Romanov cứ "cha truyền con nối" thay nhau cai quản đất nước và mở rộng bờ cõi nước Nga.
Sa hoàng Nga Mikhail - người đầu tiên của dòng tộc Romanov giữ ngôi báu
Thời kỳ trị vì của dòng họ này đã mở ra một trang sử hào nhoáng, phồn thịnh cho đất nước xứ sở bạch dương. Dưới sự cai quản của các Sa hoàng nhà Romanov, Nga trở thành một đế quốc quân sự hùng mạnh, từng có thời đánh bại cả Napoleon Đại đế của Pháp.
Thế nhưng, vào những năm cầm quyền cuối, các Sa hoàng đã liên tục đẩy nước Nga vào tình trạng chiến tranh, khiến đời sống người dân lâm vào cảnh lầm than, chịu muôn vàn khổ cực. Quyết định tham gia vào Thế chiến I (1914-1918) của Nicholas II được xem "đòn chí mạng" khiến cả nước Nga rơi vào khủng hoảng.
Người ta nói rằng, sự sụp đổ của gia tộc này là quy luật tất yếu nhưng bên cạnh đó vẫn còn những tin đồn, truyền thuyết, câu chuyện ly kỳ kể về người đàn ông đã đưa ra lời nguyền nghiệt ngã khiến gia tộc hoàng gia Romanov gặp phải kết cục bi thảm.
Tu sĩ thần bí - kẻ gieo rắc lời nguyền nghiệt ngã
Người đàn ông đó là Grigori Rasputin - một thầy tu thần bí mắc chứng nghiện rượu.
Grigori sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở Siberia năm 1869. Từ khi còn nhỏ, ông ta đã cho thấy khả năng hơn người là tiên đoán và chữa bệnh cho người khác. Khi trưởng thành, ông ta trở thành một thầy tu, từng bước tiến vào cung điện và trở thành một thân tín, được Sa hoàng Nicholas II và hoàng hậu Alexandra trọng dụng.
Hình ảnh tên Grigori Rasputin
Đặc biệt, kể từ khi chữa lành bệnh cho con trai Sa hoàng, thái tử Alexei mắc chứng máu loãng, ông ta càng chiếm được lòng tin của Sa hoàng và Hoàng hậu. Ông ta dùng thuật thôi miên đơn giản, kết hợp với một số loại thảo dược, và kể cho cậu bé Alexei nghe những câu chuyện giúp cậu thư giãn. Khi tình hình sức khỏe của thái tử Alexei được cải thiện rõ rệt, hoàng tộc Romanov bắt đầu coi Grigori là “thánh nhân”.
Kể từ đó, ông ta càng có cơ hội thao túng vợ chồng Sa hoàng, góp phần đưa ra quyết định về các chính sách đối ngoại của đất nước. Thậm chí, ông ta còn có hẳn cận vệ đi theo bảo vệ.
Một trong những câu chuyện khiến tên tuổi của Grigori càng thêm nổi tiếng, đó là khi ông ta bị một phụ nữ cuồng tín tên Khionia Guseva ám sát. Dù bị đâm vào bụng, ruột thò ra ngoài nhưng ông ta không chết. Và thế là người ta đã tin lại càng tin rằng Grigori mang trong mình "sức mạnh siêu nhiên".
Được vợ chồng Sa hoàng cùng nhiều người dân mến mộ nhưng người đàn ông này lại không được lòng giới quý tộc, thượng lưu Nga bởi họ nhìn rõ âm mưu của ông ta đối với triều đình. Bên cạnh đó, ông ta còn có đời tư phức tạp (Grigory nghiện rượu, nhiều lần bị tố cáo lạm dụng tình dục). Nhiều người muốn ông phải chết, vì lo sợ sự thao túng của Grigory với chính trị của nước Nga cùng những âm mưu ám sát.
Theo tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Anh (BNA), Sa hoàng Nicholas II từng có lần phản ứng giận dữ khi một nhà quý tộc là Hoàng tử Orlov, cố gắng thuyết phục ông về âm mưu thao túng quyền lực của tên Grigori.
Năm 1916, Grigory gửi một bức thư cho Sa hoàng Nicholas II. Trong thư viết rằng, ông ta cảm nhận được cái chết đang gần kề với mình. Ông ta cảnh báo Sa hoàng Nicholas II rằng nếu ông ta bị những người dân thường giết chết thì không đáng lo ngại, nhưng nếu ông ta bị tầng lớp thượng lưu quý tộc sát hại thì nước Nga sẽ trở nên đại loạn, kéo dài 25 năm.
“Anh em sẽ ghét bỏ, giết chết lẫn nhau, chế độ quân chủ sụp đổ và hoàng tộc sẽ bỏ mạng trong vòng chưa đầy 1 năm...", trích một phần nội dung bức thư.
Và đúng như dự đoán của Grigori, ông ta bị một nhóm các nhà quý tộc ám sát bằng cách đầu độc, bắn, đánh đập và ném thi thể vào vùng nước đóng băng. Những bí ẩn xoay quanh cái chết của “kẻ mang thần lực” vẫn chưa được làm sáng tỏ, chỉ biết rằng hắn bị giết tại cung điện của hoàng tử Felix Yusupov.
Một tài liệu mật từ hoàng tử Felix tiết lộ Grigori bị dụ đến cung điện, nơi 11 người đàn ông chờ sẵn. Nhóm người này cho hắn cơ hội tự sát nhưng hắn từ chối và rút súng bắn trả.
Theo một bức điện tín do BNA công bố ngày 1/1/1917, thi thể Grigori được phát hiện gần cây cầu Petrovsky. Nữ hoàng Alexandra được cho là đã rất tức giận về tin tức này. Cái chết bí ẩn của “kẻ mang thần lực” khiến nữ hoàng Alexandra giận "sôi máu" và tìm cách trút giận bằng cách ra lệnh quản thúc đại công tước Dmitry.
Căn nhà nơi tên tu sĩ từng sống
Thi thể của Grigory sau khi được vớt lên từ dưới sông
Ngay sau khi Grigory chết thì dường như lời nguyền của ông ta trong bức thư bắt đầu "linh ứng". Nội bộ hoàng gia xuất hiện những lục đục, hoàng tộc nghi kị, ghét bỏ lẫn nhau. Trong vòng chưa đầy 1 năm sau, chế độ quân chủ ở Nga dưới sự trị vì của hoàng tộc Romanov chấm dứt khi cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga thành công năm 1917.
Các nàng công chúa và hoàng tử Alexei
Sa hoàng Nicholas II cùng gia đình sau đó phải rời khỏi hoàng cung, trốn chạy. Và chỉ 1 năm sau nữa, phần còn lại trong bức thư của Grigory đã trở thành sự thật - một kết cục thảm thương đến với hoàng gia Romanov.
Cho tới ngày nay, cái chết của hoàng tộc Romanov vẫn chưa được làm sáng tỏ và lời nguyền của Grigori vẫn bị coi là nguyên nhân của vụ thảm sát đẫm máu ấy.
Nguồn: Moscowtimes, Russiapedia